Hai tình yêu xuyên suốt đời NSND đạo diễn Doãn Hoàng Giang…

VHO-Đó là hai tình yêu ám ảnh cả cuộc đời Doãn Hoàng Giang: Tình yêu Sân khấu và Sân cỏ. Và yêu từ hai vị trí đặc biệt, có chung mẫu số nghề: Đạo diễn sân khấu và đạo diễn sân cỏ.

Hai tình yêu xuyên suốt đời NSND đạo diễn Doãn Hoàng Giang… - Anh 1

Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang ra đi đã để lại bao nỗi tiếc nhớ trong lòng bạn bè, đồng nghiệp

Tôi, do cũng yêu như Doãn Hoàng Giang, yêu cả hai sân và yêu cả hai tác giả của hai sân: Đạo diễn là tác giả vở diễn sân khấu, và tác giả của trận so kè kịch liệt trên sân bóng, chính là huấn luyện viên, chỉ làm hai việc trên sân cỏ: thiết kế chiến lược, chiến thuật cho đội bóng, theo dõi sát sao trận bóng và quyết định thay cầu thủ, cho vào hoặc ra sân, đúng 5 lần, không hơn. Như ông Park Hang Seo đấy, tối qua, đã thay Văn Thanh vào mấy phút cuối trận chung kết lượt đi, ở sân Mỹ Đình và Văn Thanh đã sút thẳng như kẻ chỉ, nâng tỉ số trận đấu lên hoà 2 - 2.

 

Hai tình yêu xuyên suốt đời NSND đạo diễn Doãn Hoàng Giang… - Anh 2

PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái và đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang tại buổi ra mắt vở Đêm trắng của Nhà hát Kịch Việt Nam (vở do NSND Doãn Hoàng Giang làm cố vấn khi dựng lại)

 Bằng cảm giác “chuẩn không cần chỉnh” của một tài năng đạo diễn đích thực, hiểu biết sâu sắc về nghề đạo diễn của cả hai sân: sân khấu của chính mình và sân cỏ của HLV Park Hang Seo, trong 5 năm gần đây, cho bóng đá Việt, có lẽ ông thấm thía buồn và chịu nhắm mắt trước giờ bóng lăn, khoảng hơn 18 h tối, ngay khi các chàng trai áo đỏ Việt Nam sắp đá chung kết lượt về vào 7h30 ở sân khách Thái Lan. Tôi ngờ rằng ông đã trực cảm, đủ đoán biết trước kết quả, là tỉ số sát nút: 1- 0, Thái Lan sẽ thắng cách biệt, ít nhất một bàn và lên ngôi vô địch AFF CUP 2022. Khi rời cõi tạm, có lẽ ông đã không muốn mang theo một nỗi buồn nào về túc cầu Việt - dù đã đặc biệt thăng hoa dười thời của đạo diễn sân cỏ, là HLV Park Hang Seo. Ông đã chỉ muốn mang theo một thứ, đó là hy vọng…Hy vọng lấy lại khán giả đã mất của sân khấu Việt hiện đại, và hy vọng bóng đá Việt lên ngôi cao nhất ở khu vực Đông Nam Á và tìm được đường ra biển lớn của nền túc cầu thế giới. Tại sao không?

Hai tình yêu xuyên suốt đời NSND đạo diễn Doãn Hoàng Giang… - Anh 3

Vở Hà My của tôi do đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng

Trường hợp Doãn Hoàng Giang, có lẽ giống hệt tên một vở kịch của ông Người đá lạc đội hình. Được đào luyện chính quy để hành nghề diễn viên (ông cùng lứa nghề với những diễn viên gạo cội của Nhà hát Kịch VN: Đoàn Dũng, Trần Tiến, Thế Anh, Hà Văn Trọng, Mỹ Dung, Nguyệt Ánh,Tú Mai, Bích Thu…). Thế mà ông bỗng rẽ ngang, lạc đội hình diễn viên, tìm cách học “lỏm” nghề đạo diễn, từ bóng mát, vòm rộng của hai cây đại thụ đạo diễn: NSND Trần Hoạt, chuyên hài kịch, và NSND Dương Ngọc Đức, chuyên chính kịch, để một mực trở thành…đạo diễn.

 Cũng bởi vậy, cả đời ông chỉ nhắm vào hai cuộc tình xuyên suốt: tình yêu sân khấu và sân cỏ, cùng với phát hiện lớn nhất đời đạo diễn của Doãn Hoàng Giang, khi hành nghề, ấy là phát hiện tính sân khấu… trên sân cỏ, và tính sân cỏ… trên sân khấu. Cũng là chính ông đã thiết kế vở diễn sân khấu theo lối các huấn luyện viên túc cầu (mà người Việt gọi là các ông bầu bóng đá), là phải tính toán chiến lược cơ bản để dẫn dắt cầu thủ đá bóng trên sân cỏ.

Ngay từ những năm 90 của thế kỉ XX, khi trả lời tôi – kí giả Tạp chí Sân khấu về câu hỏi kéo dài qua nhiều số tạp chí: Thế nào là một vở kịch hay? ông đã trả lời thẳng tắp, bất ngờ như một cú sút kẻ chỉTheo tôi, đó là vở kịch xui khiến nhiều bàn tay rút phắt tiền ra khỏi túi, xỉa tiền vào ghisê (cửa bán vé), hào hứng mua vé xem vở kịch của tôi.

Bởi vậy, điều mà ông kinh hãi nhất là ghisê vắng như chùa bà Đanh, người qua kẻ lại dửng dưng, không ai buồn nghiêng ngó. Ông khoái trá nhất là cảnh người xem chen vai thích cánh, đổ xô xếp hàng mua bằng được tấm vé xem vở của ông dựng, kể cả mua vé chợ đen, để vào xem vở chèo Nàng Sita lẫm liệt của Đoàn Chèo Hà Nội, và xem không chỉ một lần. Hoặc vở kịch Nhân danh công lý của ông dàn dựng cũng vậy. Người xem vào Nhà Hát Lớn đông đặc, không còn lấy một ghế trống, và tuổi thọ của những vở diễn này là con số hàng trăm buổi diễn, thậm chí nhiều hơn thế. Doãn Hoàng Giang đã thực sự là một trong những đạo diễn thuộc thế hệ thứ hai, sau Trần Hoạt, Đình Quang, Dương Ngọc Đức, Nguyễn Đình Nghi, Ngô Y Linh…đã đẩy thuyền, đưa sân khấu Việt Nam lên thời hoàng kim những năm 80 của thế kỉ trước.

Hai tình yêu xuyên suốt đời NSND đạo diễn Doãn Hoàng Giang… - Anh 4

Vở Những người con Hà Nội do NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng

Theo ông, khán giả bình dân mới chính là Thượng đế của sân khấu. Ông cố tình sửa soạn cho họ những “món ăn” sân khấu bình dị, hợp túi tiền, hợp khẩu vị đại chúng, bằng cách khai thác từ môn túc cầu tính kịch cao độ của sự bất ngờ, hồi hộp, căng thẳng…trong diễn tiến suốt trận đấu sinh tử giữa hai đội bóng, và trên hết là giữa hai ông bầu, không bao giờ ra sân đá bóng, mà chỉ ngồi trên ghế chỉ huy, y như công việc của người đạo diễn, không sắm vai kịch như diễn viên, mà phải khuất mặt sau cánh gà, buộc phải chết trong sáng tạo vai diễn của diễn viên. 

Thu Hà, diễn viên kì cựu của Nhà hát kịch VN, từng được ông phân vai nữ chính trong vở Người đàn bà trước vành móng ngựa, kể lại rằng, đạo diễn đã chấp nhận cho Hà xử lý một tình huống kịch, theo cái cách mà Thu Hà nghiệm sinh, thấy hay và hợp lý hơn cả. Cô bảo nhân vật của cô muốn thét lên một tiếng thật lớn, để sau đó rơi tõm vào im lặng, không âm nhạc, không tiếng động yểm trợ, cả sân khấu bất thần tê dại… thì mới hiển thị được cái vỡ lẽ ghê gớm của nhân vật mà Hà sắm vai, bỗng chốc nhận ra sự cô đơn khủng khiếp mà nhân vật đã rơi vào. Đó là sự mất hết tất cả: người thân, hạnh phúc, sự nghiệp và có thể là sự sống nữa. Vai kịch của Hà, theo cách xử lý thăng hoa ấy, đã rất thành công, và đấy là lao động sáng tạo vai diễn độc lập của diễn viên. 

Và thật may mắn đã được đạo diễn sáng suốt đồng thuận. 

Cho đến bây giờ vai diễn ấy vẫn khiến Thu Hà nhớ mãi về cái cách mà đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã vui sướng thuận tình cho phép Hà có xử lý độc đáo và độc lập đến thế cho vai diễn của mình. Hà vẫn còn xúc động đến hôm nay và bảo: chỉ có anh Giang mới đủ tinh tế và rộng lòng cho phép em sáng tạo cá nhân, vượt thoát khỏi khuôn thước vai diễn mà đạo diễn đã định hình khi dàn tập.

Doãn Hoàng Giang là người thông minh và tinh tường về toàn bộ chuỗi sáng tạo của một vở diễn, nên ông biết rất rõ mình sẽ lấy từ nghệ thuật túc cầu những yếu tố kịch cho nghệ thuật biểu diễn sân khấu, y như ông bầu bóng đá phải chọn sơ đồ chiến thuật đích đáng cho cầu thủ, như tên một tạp chí túc cầu “4 - 4 -2” chẳng hạn… 

Có thể xem Doãn Hoàng Giang là người duy nhất và nồng nhiệt nhất trong số các đạo diễn của sân khấu Việt hiện đại đã đưa đấu pháp bóng đá vào công cuộc dàn dựng vở diễn một cách thành công. Vở diễn của ông, cũng vì thế mà bao giờ cũng mạch lạc, giản dị, đầy “mảng miếng” hấp dẫn, ngon lành, thường xuyên điểm xuyết những trận cười nổ phá từ phía người xem, y hệt hiệu ứng gây ra cho người hâm mộ túc cầu, bởi những pha làm bàn đẹp mắt trong trận bóng ngoạn mục, với rất nhiều cái để xem. Ông bảo: Sân khấu buộc phải có cái để xem, nếu không, thì khán giả đến rạp để làm gì? Từ cái để xem sẽ dẫn đến cái để cười, để khóc và tất nhiên, sẽ dẫn đến cái để nghĩ…

Hai tình yêu xuyên suốt đời NSND đạo diễn Doãn Hoàng Giang… - Anh 5

Vở Nàng Sita diễn lại vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát chèo Hà Nội

Chưa đã đời, ông còn đem nguyên câu chuyện về một thủ môn bóng đá lên sân khấu, dựng thành vở kịch Người đá lạc đội hình và thiết kế không gian sân khấu có nguyên một khung thành bằng gỗ cho nhân vật chính sắm vai thủ môn, với những pha bắt bóng như thật, thật là “bắt mắt”.

Yêu bóng đá đến thế, Doãn Hoàng Giang quả là một đạo diễn mang đậm phong cách riêng, ảnh hưởng từ tính cách mạnh mẽ, tiết tấu gấp gáp, sôi động của nghệ thuật túc cầu. Ông đặc biệt không cho rằng, diễn viên giỏi là người cố kéo dài tuổi thọ trên sân khấu, bởi ông tin dân gian Việt nói đúng: Thầy già con hát trẻ. Người diễn viên giỏi cần rút lui đúng lúc, như danh thủ Pêlê đã biết giã từ sân cỏ một cách vui vẻ, khi đã cứng tuổi…

 Sinh năm 1938, tuổi Mậu Dần, ông mất ngày hôm qua, 16.1 vào hồi 18h 28, cách giờ bóng lăn trận chung kết lượt về Thái Lan - Việt Nam chừng một tiếng đồng hồ. Ông thọ 85 tuổi, sinh và tử đều vào năm Dần. Ông mất trong phòng riêng, một mình, có lẽ không muốn con cháu phải trông thấy cái chết của mình. Nghệ sĩ kịch Thu Hà của Nhà hát kịch Việt Nam gọi điện cho tôi, nghẹn ngào kể: như thế là anh Giang đã trốn con, trốn cháu để chết một mình, không muốn con cháu chứng kiến giờ tử biệt của mình. Hà nghẹn nước mắt kể tiếp, may mà anh Giang còn cho chị em mình được gặp  anh tại nhà riêng ở đường Âu Cơ, cách đây hơn một tháng. Và đấy là một cuộc gặp thật thân thiết và tươi vui, không ai nghĩ đấy là cuộc gặp cuối cùng.

Hai tình yêu xuyên suốt đời NSND đạo diễn Doãn Hoàng Giang… - Anh 6

Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang sẽ luôn ở trong kí ức đẹp của đồng nghiệp và khán giả

Ông vốn là người giữ rất kĩ hình ảnh một chàng cao bồi, bụi bặm, hào sảng, hào hoa trước mắt đồng nghiệp và khán giả. Hôm ấy, biết chúng tôi: Ngô Thảo, Thu Hà, Quế Hằng và Minh Thái tới thăm, dù mệt yếu phải nằm dài trên giường tiếp chuyện, ông vẫn cứ mặc nguyên cả một cây áo quần bò Mỹ, tay áo xắn cao khỏe mạnh. Đặc biệt, trước những kì World Cup, bao giờ ông cũng chỉn chu mặc đẹp, hong hóng chờ giờ bóng lăn và cố thủ ở nhà xem đá bóng trên màn hình rất lớn, không sót một trận nào. Ông phớt lờ dư luận, treo một tấm biển đầy khiêu khích trước cửa căn hộ của ông, chênh vênh trên gác của ngôi nhà phố Huế: Bóng đá mời vào/ Công việc mời ra. Ông lý sự: Tôi đã miệt mài lao động nghệ thuật vài năm, thì có quyền cho phép mình nghỉ một tháng để xem bóng đá thế giới. Và xem bóng đá thế giới có khối cái để học về đấu pháp cho nghề đạo diễn sân khấu của ông.

 Tôi vẫn nhớ mãi kì World Cup năm 1994, cũng là năm tổ chức Liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc 94 ở Ninh Bình. Từ TP.HCM bay ra Hà Nội, tình cờ gặp ông trên phố, tôi vui vẻ hỏi: Anh mang mấy vở dự thi sân khấu nhỏ đấy? Bật mí cái coi? ông lập tức đáp, tỉnh khô: Anh chỉ đi thi sân khấu lớn. Anh thích đá ở sân bãi rộng, chi chít người xem, không khoái đá ở sân bãi nhỏ trong khu phố, rất ít người xem. Chẳng bõ công, em ạ. Thế bao giờ thì ông anh “tái xuất giang hồ? Ông lại cười hồ hởi, thản nhiên: Chờ sân khấu lớn quay trở lại và anh xem xong Mundian 94!

Gia đình NSND Doãn Hoàng Giang cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thông báo Lễ viếng đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang bắt đầu từ 15h00 ngày 18.1 tại Nhà tang lễ quốc gia (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang được tổ chức vào lúc 16h30 chiều cùng ngày. NSND Doãn Hoàng Giang được an táng tại quê nhà - Phát Diệm (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình)

Ông bao giờ cũng vậy, trung thành với tính cách đạo diễn của chính mình. Và luôn là người gây ra những cơn thịnh nộ cho giới phê bình sân khấu, trong đó có lần có cả tôi, vì ông “can tội phá chèo”. Mà ông phá thật đấy! Cho đến khi ông đã vô cùng tình tứ và hào hoa ngọt ngào dựng Nàng Si ta cho Chèo Hà Nội, như một tuyệt phẩm ăn khách nhất sân khấu Hà Nội thời ấy, gây chấn động ngay khi ra mắt ở rạp Đại Nam, từ thế kỉ trước. Thật oái oăm, ngay sau cái cử chỉ “treó ngoe”, từng bị coi là phá chèo ấy, thì chính nó đã dẫn ông đến thành công vang dội, là vở Nàng Si ta, đã nằm trong tính cách đạo diễn thích thử nghiệm của Doãn Hoàng Giang. Và mặc lòng, như thế, cái chết đã đem thân ông về cõi, nhưng ông đã kịp để lại tinh anh cho sân khấu Việt Nam hiện đại, là một chuỗi vở diễn ngoạn mục, khiến công chúng sân khấu Việt Nam không thể nào quên. Bởi đó là tác phẩm sân khấu của một đạo diễn - người đã không có một gia đình trọn vẹn hạnh phúc ở tuổi thanh xuân, một mình “gà trống nuôi con”, một mình dấn thân tự học và tự hành nghề đạo diễn, cùng tình yêu sân khấu và sân cỏ lúc nào cũng vẹn nguyên như nhất và đầy ăm ắp trong con người nghệ sĩ Doãn Hoàng Giang… 

Saigon Pearl, ngày 17.1.2023, một ngày giống tiết thu Hà Nội

     PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI

Ý kiến bạn đọc