Hà Nội của những sắc màu, câu chuyện và cảm xúc

TRUNG NGHĨA

VHO - Với vẻ đẹp cổ kính pha lẫn hiện đại, Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những tâm hồn nghệ sĩ. Qua từng nét cọ, từng mảng màu, các họa sĩ đã khắc họa nên một Hà Nội đa chiều, sống động, rõ nét với những góc phố thân quen, những con người bình dị và cả những biến đổi không ngừng của thành phố…

 Hà Nội của những sắc màu, câu chuyện và cảm xúc - ảnh 1
Tác phẩm “Thu qua phố” của họa sĩ Nguyễn Phương trưng bày tại triển lãm “Hà Nội trong tôi”. Ảnh: H.LÂN

 Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024), Triển lãm tranh chủ đề Hà Nội trong tôi vừa được khai mạc tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cũ, 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, giới thiệu 50 tác phẩm đặc sắc bằng chất liệu màu nước của các họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, đa số có tuổi đời khá trẻ, là những người sinh ra, lớn lên tại Hà Nội hoặc đôi lần ghé qua rồi lưu lại ấn tượng về mảnh đất này, đó là: Nguyễn Phương, Chu Quốc Bình, Phạm Thanh Sơn, Bùi Hải Dương, Doãn Đức Tiến, Đặng Thanh Dương, Đoàn Quốc.

Những góc nhìn đa chiều đặc biệt về Hà Nội được thể hiện trên chất liệu màu nước tưởng chừng giản đơn mà có sức cuốn hút lạ kỳ. Đại diện nhóm nghệ sĩ Màu nước Hà Nội bày tỏ: “Các thuộc tính cơ bản của chất liệu này hoàn toàn phù hợp để khắc họa một Hà Nội bên dòng thời gian. Ở đó, khán giả sẽ thực sự hòa mình trong không gian thân quen đầy cuốn hút, nơi không chỉ lưu giữ ký ức, sự chiêm nghiệm mà còn kiến tạo nên những cảm hứng để chúng ta thêm yêu và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, lưu giữ nhịp đập thân thương mỗi ngày”.

Trước đó, triển lãm Hà Nội trong mắt ai tôn vinh 40 trí thức tiêu biểu của Thủ đô cũng được BQL Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Ban vận động Mỹ thuật và ngoại giao văn hóa Việt Nam tổ chức tại địa điểm này. Hà Nội trong mắt ai gồm 40 tác phẩm của 17 họa sĩ, phần lớn là chân dung các danh nhân sinh ra và lớn lên ở Thủ đô hoặc sinh ra ở nhiều vùng đất khác nhau nhưng đã thành danh ở đất Hà thành, góp phần làm phong phú thêm cho bề dày văn hóa của đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

“Hà Nội là một thực thể văn hóa sống động. Bản chất của Hà Nội không nằm ở các công trình vật chất hay tài sản hữu hình, mà chính là ở di sản văn hóa phi vật thể mà người dân nơi đây luôn trân trọng, gìn giữ.

Cuộc sống thực sự của Hà Nội bắt nguồn từ văn hóa của nó, qua đây, người dân tiếp tục sống, phát triển và đóng góp vào di sản vĩnh cửu của thành phố…”, nhận định như vậy, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, đó cũng là lý do sau 3 thập kỷ gặp gỡ rồi trở thành những người bạn thân thiết, ông và nhà văn Nguyễn Việt Hà cùng nhà điêu khắc Đinh Công Đạt nhận thấy cần phải làm một điều gì đó cùng nhau để tôn vinh Hà Nội - thành phố gắn liền với tuổi thơ và sự nghiệp của họ.

Triển lãm Mặt khác - Otherwise trưng bày hơn 150 mặt nạ điêu khắc được làm từ chất liệu gốm và giấy bồi của 3 nghệ sĩ đang diễn ra tại Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm, Hà Nội). Với nhà văn Nguyễn Việt Hà, mặt nạ không chỉ khắc họa những khuôn mặt mà còn là những mảnh ghép của cuộc sống nơi phố phường Hà Nội. Ông đã trích những câu văn trong các tác phẩm của mình viết lên các tác phẩm. Còn họa sĩ Lê Thiết Cương thì dùng các câu kinh để khắc họa lên gốm. Trong khi đó, với quan điểm “con người chính là số phận của thành phố” và “con phố, món ăn có thể trở thành một nguyên liệu của nghệ thuật”, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt đưa vào tác phẩm tên những con phố Hàng và cả những món ăn nổi tiếng của Hà Nội…

Với các nghệ sĩ, mảnh đất này không chỉ là một địa danh với những danh thắng và kiến trúc đẹp mà còn là một thế giới văn hóa sâu sắc, đa chiều, nơi mỗi con người, mỗi đường phố đều mang một câu chuyện đầy ý nghĩa và sự đặc biệt riêng. Bằng đam mê và tâm huyết của mình, họ đã làm nổi bật những giá trị tinh túy của Hà Nội, làm cho nơi đây trở thành một biểu tượng vĩnh cửu, chứa đựng những con người và câu chuyện văn hóa không thể nào quên.