Nhà hát Múa rối Việt Nam:

Gìn giữ tinh hoa, lan tỏa hồn dân tộc

ĐÀO ANH - THANH MAI

VHO - Nghệ thuật múa rối nước không chỉ làm say đắm khán giả trong nước mà còn chinh phục bạn bè quốc tế, trở thành biểu tượng sống động của văn hóa Việt. Góp mình vào hành trình gìn giữ và lan tỏa tinh hoa dân tộc, Nhà hát Múa rối Việt Nam luôn nỗ lực đổi mới, thổi hồn vào từng con rối, để dòng chảy truyền thống không đứt gãy giữa nhịp sống hiện đại.

Gìn giữ tinh hoa, lan tỏa hồn dân tộc - ảnh 1
Chương trình rối nước “Hoàng thành Thăng Long”

Giữa bao biến thiên của thời cuộc, nghệ thuật dân gian vẫn kiêu hãnh vươn xa, khắc sâu dấu ấn Việt Nam trên mọi sân khấu, từ trong nước đến khắp 5 châu.

Mang hồn rối Việt đi khắp muôn phương

Nhà hát Múa rối Việt Nam được ví như “cánh chim đầu đàn” trong làng rối nước, không chỉ thực hiện nhiệm vụ phục vụ chính trị, ngoại giao mà còn tiên phong đưa nghệ thuật rối lan tỏa khắp các vùng miền và vươn ra thế giới.

Năm 2024, với hơn 1.500 buổi biểu diễn, trong đó 1.457 buổi trong nước, 23 chuyến lưu diễn quốc tế, 20 buổi biểu diễn phục vụ chính trị, Nhà hát đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc bảo tồn và quảng bá nghệ thuật truyền thống Việt.

Không chỉ gói gọn trong hai địa điểm biểu diễn tại Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam còn mở rộng sự hiện diện tại 2 thành phố du lịch nổi tiếng là Phú Quốc và Đà Nẵng.

Nhà hát À Ơ (bãi biển thị trấn Hoàng Hôn, Phú Quốc), Nhà hát Ầu Ơ (khuôn viên Asean Park, Đà Nẵng) là minh chứng cho nỗ lực đưa nghệ thuật múa rối truyền thống đến gần hơn với công chúng.

Thay vì chờ khán giả tìm đến, Nhà hát đã chủ động đưa rối ra ngoài sân khấu truyền thống, đến những địa điểm thu hút đông đảo du khách.

Việc kết hợp với các tập đoàn lớn để xây dựng không gian biểu diễn ngay trong các khu du lịch không chỉ góp phần quảng bá nghệ thuật rối nước mà còn tạo cơ hội để du khách tiếp cận dễ dàng hơn với tinh hoa hồn Việt.

Ban đầu, không ít người lo ngại rằng nghệ thuật truyền thống có thể bị lu mờ giữa những hoạt động sôi động của các điểm đến, nhưng thực tế đã vượt xa kỳ vọng, những khán đài luôn chật kín, ánh mắt khán giả say sưa dõi theo từng chuyển động của con rối…

Không đơn thuần là một buổi diễn, mỗi suất chiếu tại đây là cuộc giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa ký ức xưa cũ và nhịp sống hôm nay. Trong tiếng nước vỗ, ánh đèn rực rỡ, nghệ thuật múa rối tiếp tục kể những câu chuyện thấm đẫm hồn Việt, để người xem không chỉ thưởng thức mà còn cảm nhận sâu sắc giá trị văn hóa dân tộc.

Không dừng lại trong nước, Nhà hát Múa rối Việt Nam còn đưa rối Việt vượt khỏi biên giới, chạm đến khán giả ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Nhật Bản là một điểm đến quan trọng với các chuyến lưu diễn thường niên.

Cuối tháng 2.2025 vừa qua, Nhà hát đã kết hợp cùng dàn nhạc Sức sống mới biểu diễn tại “ASEAN Future Forum 2025” - sự kiện quy tụ các nguyên thủ ASEAN.

Bên cạnh các chuyến lưu diễn quốc tế, đơn vị còn khẳng định vị thế trong nước qua những sân khấu nghệ thuật lớn. Tại Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng 2024, chương trình Hoàng thành Thăng Long đã chinh phục tuyệt đối giới chuyên môn và khán giả, mang về 2 HCV, 2 HCB và 1 giải Ánh sáng xuất sắc.

Những thành tựu này là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của nghệ thuật rối nước, một di sản thấm đẫm hồn cốt dân tộc, được gìn giữ qua bao thế hệ nghệ nhân.

Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ, mỗi lần sân khấu sáng đèn không chỉ mang theo những vở diễn, mà còn chuyên chở khát vọng giữ gìn văn hóa Việt, để người xem dù là ai, ở bất cứ nơi nào cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp dung dị mà kỳ diệu của rối nước.

Những bàn tay tài hoa giấu sau tấm mành, những giọt mồ hôi rỏ xuống mặt nước lấp loáng, vượt lên trên công việc của một nghệ sĩ, đó là hành trình gìn giữ và lan tỏa một phần linh hồn dân tộc.

Gìn giữ tinh hoa, lan tỏa hồn dân tộc - ảnh 2
Biểu diễn rối nước tại thành phố biển Đà Nẵng

Muốn tiến xa, phải biết làm mới mình

Múa rối nước không chỉ là loại hình nghệ thuật dân gian mà còn là niềm tự hào to lớn của văn hóa Việt Nam. Từ những con rối mộc mạc chuyển động trên mặt nước, bao thế hệ nghệ sĩ đã kể những câu chuyện dân gian, những chứng nhân lịch sử.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào giá trị truyền thống mà thiếu đổi mới, khán giả khó có thể gắn bó lâu dài. Nhận thức rõ điều đó, Nhà hát Múa rối Việt Nam không ngừng sáng tạo, mở rộng đối tượng khán giả thay vì chỉ hướng đến khách du lịch và thiếu nhi.

Những vở diễn được đầu tư công phu, kết hợp giữa truyền thống và hơi thở hiện đại, để mỗi buổi diễn không chỉ là một màn trình diễn mà còn là câu chuyện sống động, truyền tải những vấn đề nóng bỏng đương thời.

Nặng lòng với những con rối, NSND Nguyễn Tiến Dũng luôn trăn trở: “Giữ gìn truyền thống không có nghĩa là đóng khung trong những gì đã cũ. Nghệ thuật chỉ thực sự sống khi nó có khả năng thích nghi với thời đại, khi những câu chuyện chạm được vào trái tim khán giả hôm nay”.

Gìn giữ tinh hoa, lan tỏa hồn dân tộc - ảnh 3
Các thế hệ nghệ sĩ, cán bộ tại kễ kỷ niệm 69 năm thành lập Nhà hát 12.3.2025

Với tâm huyết ấy, ông cùng các nghệ sĩ không ngại thử nghiệm, đưa rối nước bước ra khỏi không gian quen thuộc của sân khấu Nhà hát, để xuất hiện trên sân khấu hoành tráng. Dù ở đâu, điều họ mang theo không chỉ là những con rối gỗ mà còn là niềm kiêu hãnh về một di sản văn hóa mang dấu ấn dân tộc.

Để rối nước đến gần hơn với khán giả hôm nay, các nghệ sĩ đã mạnh dạn chơi âm nhạc dân tộc theo phong cách đương đại, sử dụng ánh sáng, kỹ xảo để làm mới những vở diễn.

Truyện cổ Andersen, Dế mèn phiêu lưu ký, Khúc đồng dao… là những vở diễn tiêu biểu, vừa giữ được hồn cốt dân tộc, vừa mang đến sự mới mẻ, thu hút những người trẻ vốn quen thuộc với nhịp sống hiện đại.

Thế nhưng, con đường đổi mới chưa bao giờ dễ dàng. Với những nghệ sĩ, mỗi lần biểu diễn là một lần kết nối với văn hóa ngàn đời của dân tộc. Dù hành trình phía trước còn nhiều thử thách, họ vẫn kiên trì bước tiếp, hun đúc ngọn lửa đam mê.

Ngọn lửa ấy không chỉ được nuôi dưỡng bằng những giọt mồ hôi sau cánh gà, mà còn từ những ánh mắt, nụ cười của khán giả và từ niềm tự hào khi nghệ thuật dân tộc vẫn vững vàng sau bao thăng trầm.

“Chúng tôi luôn tâm niệm, mỗi buổi diễn không chỉ đơn thuần là một tiết mục mà còn là cách chúng tôi gìn giữ và lan tỏa hồn Việt. Khi những tràng pháo tay vang lên, đó không chỉ là sự công nhận dành cho nghệ sĩ mà còn là niềm tin rằng nghệ thuật truyền thống, nếu biết làm mới mình, sẽ luôn có chỗ đứng trong lòng khán giả”, NSND Nguyễn Tiến Dũng xúc động nói.

Với lòng kiên trì, sáng tạo và đam mê, toàn bộ nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam đã và đang nỗ lực đưa nghệ thuật truyền thống vươn xa. Đó không chỉ là hành trình của những con rối mà còn là câu chuyện của những người gìn giữ hồn cốt dân tộc. Khi ánh đèn tắt, mặt nước lặng yên, điều còn đọng lại chính là niềm tự hào về một di sản bền bỉ tỏa sáng qua thời gian.