Giao lưu với các nghệ sĩ trong vở cải lương Thành phố buổi bình minh

VHO - Talkshow “Từ trong đất lửa” số 2 với chủ đề Thành phố buổi bình minh gặp gỡ các khách mời: NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lam Tuyền và đạo diễn Phan Quốc Kiệt – Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sẽ được phát sóng vào ngày mai 5.11.

Giao lưu với các nghệ sĩ trong vở cải lương Thành phố buổi bình minh - Anh 1

NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lam Tuyền và đạo diễn Phan Quốc Kiệt (từ trái qua) chia sẻ tại chương trình

Thành phố buổi bình minh là vở diễn của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, kịch bản của tác giả Xuân Đức, soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương và đạo diễn Phan Quốc Kiệt dàn dựng, chỉ đạo nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu. 

Vở diễn từng được dàn dựng để tham dự Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc tại Long An vào năm 2018. Vở đã được trao giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt II, giai đoạn 2015 - 2020. Đây cũng là tác phẩm sân khấu đầu tiên được triển khai trong chương trình đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

Tại buổi giao lưu, các khách mời chia sẻ về những cảm xúc, những áp lực khi thực hiện vở diễn và tình cảm, sự đón nhận của công chúng dành cho vở diễn này. Thời gian qua, vở diễn Thành phố buổi bình minh đã đến được với nhiều khán giả, nhất là lực lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại TP.HCM. Ngày 23.11 tới đây, vở sẽ được diễn tại Vũng Liêm (Vĩnh Long) – quê hương Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (23.11.1922 - 23.11.2022).

Với bối cảnh TP.HCM những năm đầu sau giải phóng, vở diễn Thành phố buổi bình minh khắc họa hình tượng đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ đảm nhận vai trò là Chủ tịch UBND rồi Bí thư Thành ủy TP.HCM. Cùng với lãnh đạo cấp cao của thành phố, ông đã tìm mọi cách để đưa thành phố vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách. Vở diễn nhằm tôn vinh và tri ân những công lao, cống hiến to lớn, quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt – nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Đạo diễn Phan Quốc Kiệt – Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chia sẻ: “Vở diễn khắc họa hình tượng Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong những năm đầu sau giải phóng khi ông là Bí thư Thành ủy TP.HCM. Với thời lượng vở là hai tiếng mười lăm phút, chúng tôi cũng không thể hiện được tất cả những gì mà ông đã cống hiến cho thành phố. Nhưng đây là vở diễn đặc biệt, chúng tôi chắt lọc từng chi tiết, từng câu thoại và các nghệ sĩ cũng đã mất ăn mất ngủ, tập luyện trên sàn tập để thực sự thấm nhuần các vai diễn. Chúng tôi cảm động và ấm lòng khi vở diễn được lan tỏa và được sự đón nhận của khán giả”.

Giao lưu với các nghệ sĩ trong vở cải lương Thành phố buổi bình minh - Anh 2

NSƯT Lê Tứ và NSƯT Lam Tuyền diễn trích đoạn nhân vật chú Sáu và chị Ba bàn nhau, bằng mọi giá phải đưa được gạo từ miền Tây lên TP.HCM để cứu đói cho dân

NSƯT Lê Tứ (vai chú Sáu Dân): “Phải nói rằng áp lực rất lớn, tôi thậm chí còn không biết mình có đảm nhận nổi không. Vở diễn này nếu tập liên tục một tháng thì có thể hoàn thành, nhưng tôi yêu cầu thêm thời gian tập, nhất là ở lớp vĩ thanh khi nhân vật chú Sáu độc thoại, về tâm trạng của chú trước khi rời miền Nam ra Hà Nội nhận nhiệm vụ ở Trung ương. Tôi cũng đã đọc nhiều tài liệu về chú Sáu Dân cũng như hỏi thăm những người từng sống qua buổi giao thời để có thêm sự hiểu biết và cảm nhận. Thử thách của vai diễn còn là việc phải thuộc lời thoại, từng câu từng chữ chứ không thể diễn cương. Thoại của nhân vật rất hay, rất đắc và đó cũng thể hiện phong cách, phẩm cách của chú Sáu Dân”.

NSƯT Lam Tuyền (vai chị Ba, là hình tượng của bà Ba Thi - nguyên giám đốc công ty Kinh doanh lương thực TP.HCM): “Vai diễn này không giống như nhiều vai khác tôi từng đóng, không chỉ là thoại, ca mà phải thể hiện bằng thần thái nhân vật, phải hiểu bối cảnh và con người ngày ấy. Tôi tin rằng khán giả, đặc biệt là những người trẻ sẽ cảm nhận được nhiều thông điệp giá trị từ câu chuyện cũng như từ các nhân vật, về phẩm cách, lý tưởng sống và lòng yêu nước…”.

Thành phố buổi bình minh có sự tham gia của các nghệ sĩ: Minh Trường (vai Hai Đảm, đại diện cho thế hệ trẻ tham gia lực lượng TNXP ngày ấy), nghệ sĩ Thy Phương (vai chị Bảy, người mẹ nghèo ở vùng ven Sài Gòn), nghệ sĩ Thanh Toàn và Tiến Dũng (vai tiến sĩ Duy Mão và tiến sĩ Huy Hoàng, trí thức chế độ cũ), nghệ sĩ Hà Như (vai Vân Anh, kỹ sư từ miền Bắc vào Nam)…

Talkshow số 2 chủ đề Thành phố buổi bình minh sẽ được phát sóng tại website: www.phunuonline.com.vn và YouTube vào ngày 5.11. Trong chương trình, NSƯT Lê Tứ và NSƯT Lam Tuyền cũng sẽ diễn trích đoạn nhân vật chú Sáu và chị Ba bàn nhau, bằng mọi giá phải đưa được gạo từ miền Tây lên TP.HCM để cứu đói cho dân, vào năm 1977. Đây cũng là một trong những phân đoạn xúc động của vở diễn.

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc