Điện ảnh Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác phát triển trong thời đại 4.0

MINH NGỌC, ảnh: VFDA

VHO - Ngày 11.3.2025, Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) phối hợp với Diễn đàn Toàn cầu Boston (BGF), Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và Đại học Harvard tổ chức Bàn tròn tại Đại học Harvard, với chủ đề "Hợp tác phát triển điện ảnh Việt Nam - Hoa Kỳ trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo và Cách mạng công nghiệp 4.0".

Điện ảnh Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác phát triển trong thời đại 4.0 - ảnh 1
Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại hội thảo

Sự kiện trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hoa Kỳ, với mục đích tăng cường kết nối ngành công nghiệp điện ảnh hai nước, thúc đẩy hợp tác sản xuất phim, ứng dụng công nghệ vào điện ảnh và phát triển nhân lực chất lượng cao.

Điện ảnh Việt Nam- Hoa Kỳ trong bối cảnh phát triển công nghệ

Hội thảo thảo luận về những giá trị của phim Việt: tính nhân văn, vị tha và lòng trắc ẩn, sự phát triển của điện ảnh trong quá trình hội nhập quốc tế, xây dựng công nghiệp điện ảnh và xu hướng mới trong ứng dụng AI vào sản xuất phim.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại New York nhấn mạnh điện ảnh là cầu nối quan trọng, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Việt Nam- Hoa Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2025.

 Ông ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Việt Nam, ngày càng được công nhận trên trường quốc tế; khẳng định việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI, cần hướng đến việc bảo tồn và lan tỏa những giá trị nhân văn. 

Đại sứ cũng đánh giá cao sáng kiến "Friends of the US- Vietnam Film Collaboration" như một bước tiến quan trọng trong việc kết nối ngành điện ảnh hai nước, tạo nền tảng cho sự hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai.

Điện ảnh Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác phát triển trong thời đại 4.0 - ảnh 2
TS. Ngô Phương Lan khẳng định bản sắc dân tộc chính là sức mạnh giúp điện ảnh Việt Nam tạo dấu ấn riêng

Theo TS. Ngô Phương Lan, điện ảnh Việt Nam đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi quan trọng. 5 năm qua, lần đầu tiên phim Việt đạt doanh thu hàng chục triệu USD, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của thị trường nội địa. Luật Điện ảnh mới cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn làm phim quốc tế đến Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn với các nhà sản xuất Hollywood và các thị trường nước ngoài.

TS. Ngô Phương Lan khẳng định, bản sắc dân tộc chính là sức mạnh giúp điện ảnh Việt Nam tạo dấu ấn riêng trên trường quốc tế. Những giá trị nhân văn, lòng trắc ẩn không chỉ thể hiện trong các tác phẩm kinh điển như Cánh đồng hoang hay Bao giờ cho đến tháng Mười mà tiếp tục được khai thác trong những bộ phim đương đại, với góc nhìn và cách thể hiện mới mẻ.

Điện ảnh Việt Nam không thể chỉ dựa vào lợi thế về bối cảnh quay phim mà cần có một hệ sinh thái điện ảnh hoàn chỉnh để thu hút hợp tác quốc tế. Công nghệ, chính sách ưu đãi, đào tạo nhân lực và chiến lược phát hành là những yếu tố then chốt để nâng cao vị thế của điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. 

Việc kết hợp giữa truyền thống và đổi mới công nghệ như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất phim không chỉ giúp nâng cao chất lượng phim mà còn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

“VFDA một mặt tích cực triển khai Bộ chỉ số thu hút đoàn phim PAI đến các tỉnh thành, mặt khác nỗ lực mở rộng hợp tác với các tổ chức điện ảnh, trường đại học và đối tác điện ảnh công nghệ tại Hoa Kỳ để tạo ra nhiều cơ hội phát triển hơn cho điện ảnh Việt Nam…”, TS. Ngô Phương Lan khẳng định.

Điện ảnh Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác phát triển trong thời đại 4.0 - ảnh 3
Cựu Thống đốc bang Massachusetts Michael Dukakis

Cựu Thống đốc bang Massachusetts Michael Dukakis nhấn mạnh, hợp tác trong  điện ảnh là một phần quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ, không chỉ về sản xuất phim mà còn mở ra cơ hội kết nối công nghệ, đào tạo nhân lực và phát triển chính sách hỗ trợ. 

Ông cho rằng Công viên điện ảnh AIWS là một sáng kiến đột phá, giúp Việt Nam vươn lên như một trung tâm điện ảnh sáng tạo, kết nối với Boston, New York, Hollywood và các thị trường toàn cầu

 Cần chính sách ưu đãi cạnh tranh

Hội thảo cũng nhấn mạnh những thách thức lớn mà điện ảnh Việt Nam đang đối mặt, đặc biệt là vấn đề tiếp cận nguồn lực tài chính và công nghệ tiên tiến.

Nhiều giải pháp thiết thực được đề xuất, trong đó có việc đẩy mạnh hợp tác với các trung tâm nghiên cứu, trường đại học tại Hoa Kỳ để đào tạo nhân lực chất lượng cao, đồng thời thiết lập các quỹ hỗ trợ sản xuất dành riêng cho các dự án mang yếu tố hợp tác quốc tế.

Điện ảnh Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác phát triển trong thời đại 4.0 - ảnh 4
Giáo sư Đại học Columbia, đạo diễn Tony Bùi chia sẻ tại hội thảo

Giáo sư Đại học Columbia, đạo diễn Tony Bùi chia sẻ, điện ảnh không chỉ là một ngành công nghiệp giải trí, mà còn là câu chuyện về bản sắc, văn hóa và cách thế giới nhìn nhận một quốc gia. 

“Khi làm phim tại Việt Nam từ những năm 90, tôi từng gặp nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng và công nghệ. Nhưng đến nay, Việt Nam đã có đủ điều kiện để sản xuất các bộ phim đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thách thức hiện nay là làm sao để điện ảnh Việt có tác động toàn cầu mạnh mẽ hơn”, ông nói.

Tuy nhiên, để thu hút các đoàn làm phim quốc tế, hạ tầng tốt thôi là chưa đủ, mà cần có chính sách ưu đãi cạnh tranh.

Giám đốc Điện ảnh của chính quyền bang Massachusetts, bà Meg Montagnino nhận định, Việt Nam có thể học hỏi từ các mô hình thành công như Massachusetts hay Nam Phi, nơi đã xây dựng chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn và có hạ tầng sản xuất đạt chuẩn Hollywood. 

Điện ảnh Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác phát triển trong thời đại 4.0 - ảnh 5
Giám đốc Điện ảnh của chính quyền bang Massachusetts, bà Meg Montagnino

Bà cũng nhấn mạnh rằng việc đơn giản hóa thủ tục cấp phép sản xuất và thiết lập một hệ thống hỗ trợ rõ ràng sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất phim quốc tế…

Nhà đầu tư & sản xuất phim quốc tế, ông Mars đề cập đến yếu tố tài chính. Không chỉ là vấn đề chi phí sản xuất thấp, Việt Nam cần xây dựng hệ thống hỗ trợ hậu kỳ, ưu đãi tài chính và chính sách thu hút nhân tài, như cách các quốc gia khác đang làm. Điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với các nhà làm phim quốc tế.

Một trong những yếu tố quyết định thành công của ngành điện ảnh không chỉ nằm ở công nghệ hay chính sách, mà còn ở chất lượng nhân lực. Bà Angela Perry (Boston Casting) nhận định, Việt Nam có bối cảnh quay phim tuyệt vời, nhưng để cạnh tranh với Hollywood hay Toronto, điều cần thiết nhất là đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, có khả năng đáp ứng những yêu cầu khắt khe từ các nhà sản xuất phim lớn.

Điện ảnh Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác phát triển trong thời đại 4.0 - ảnh 6
Bà Angela Casting, Founder của Boston Casting

Công sứ, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại New York Nguyễn Hoàng Nguyên cũng nhấn mạnh sự tương tác ngày càng sâu sắc giữa ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam và Hoa Kỳ, được thúc đẩy bởi sự phát triển của các nền tảng phát trực tuyến, giúp khán giả hai nước dễ dàng tiếp cận nội dung điện ảnh của nhau. 

Ông đánh giá cao những nỗ lực của Giáo sư, đạo diễn Tony Bùi trong việc đưa các tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam lên Criterion Channel, góp phần nâng cao nhận diện văn hóa Việt trên thị trường quốc tế.

Đồng thời, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tên tuổi người Việt trong phần credit của các bộ phim Mỹ là minh chứng cho sự đóng góp ngày càng lớn của Việt Nam trong ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu.

Điện ảnh Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác phát triển trong thời đại 4.0 - ảnh 7

Không chỉ thúc đẩy hợp tác quốc tế, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các sáng kiến điện ảnh trong nước để tạo sự kết nối mạnh mẽ hơn với thị trường toàn cầu. Trong đó, LHP Châu Á Đà Nẵng (DANAFF) được xem là một nền tảng quan trọng, không chỉ tôn vinh các tác phẩm xuất sắc trong khu vực mà còn mở ra cơ hội hợp tác giữa các nhà làm phim Việt Nam và quốc tế.

Thông qua các hoạt động quảng bá tại Hoa Kỳ, DANAFF kỳ vọng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của điện ảnh Việt trên thị trường toàn cầu, thúc đẩy hợp tác sản xuất và phân phối phim giữa Việt Nam và các nền điện ảnh phát triển.

Sáng kiến Công viên điện ảnh AIWS 

Tại hội thảo, một trong những nội dung được thảo luận là sáng kiến Công viên Điện ảnh AIWS, dự án mang tính chiến lược nhằm ứng dụng công nghệ AI vào điện ảnh, đồng thời kết nối Việt Nam với hệ sinh thái sáng tạo toàn cầu.

Công viên điện ảnh AIWS không chỉ là một trung tâm sản xuất phim, mà còn đóng vai trò là một hệ sinh thái điện ảnh tích hợp công nghệ AI, kết nối với các trung tâm điện ảnh hàng đầu như Boston, New York, Hollywood, Washington DC, San Francisco, Paris, Rome, Venice và London. 

Theo TS. Ngô Phương Lan, Công viên điện ảnh AIWS không chỉ là một không gian sản xuất phim đột phá mà còn là điểm giao thoa giữa công nghệ, giáo dục và hợp tác quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm điện ảnh sáng tạo trong khu vực. 

Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng AI thật sự đóng vai trò quan trọng trong sản xuất phim khi giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực. Tuy nhiên, AI chỉ có thể là một trợ lý xuất sắc, hỗ trợ quy trình sáng tạo, nhưng không thể thay thế con người trong việc đưa ra ý tưởng, tạo nên cảm xúc và sự tưởng tượng – những yếu tố cốt lõi làm nên sức sống của nghệ thuật điện ảnh.

Điện ảnh Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác phát triển trong thời đại 4.0 - ảnh 8
Các đại biểu nhấn mạnh, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, giới học thuật và các tổ chức quốc tế

Sáng kiến này là một phần trong chương trình "Friends of Vietnam - U.S. Film Collaboration"- hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam- Hoa Kỳ, nhằm hỗ trợ các nhà làm phim, nhà đầu tư hai bên trong việc phát triển dự án, kết nối nguồn lực và xây dựng hệ sinh thái điện ảnh bền vững.

Dự án Công viên điện ảnh AIWS được định hướng theo tiêu chuẩn của AI World Society (AIWS) nhằm kết nối với các trung tâm điện ảnh toàn cầu và xây dựng một hệ sinh thái sáng tạo kết hợp công nghệ AI và sản xuất phim, được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản xuất phim tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn làm phim quốc tế đến Việt Nam sản xuất và phát hành phim.

Không chỉ tập trung vào phát triển hạ tầng, dự án còn đặt trọng tâm vào hợp tác với Harvard, MIT, UCLA và các trường đại học danh tiếng tại Hoa Kỳ để triển khai chương trình đào tạo điện ảnh ứng dụng AI. Đây sẽ là bước tiến quan trọng giúp Việt Nam nâng cao chất lượng nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh trong thời đại số.

Trong bối cảnh AI đang thay đổi cách làm phim trên toàn cầu, các chuyên gia lưu ý Việt Nam cần tận dụng công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất.

Điện ảnh Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác phát triển trong thời đại 4.0 - ảnh 9
Ông Nguyễn Anh Tuấn, đồng Chủ tịch và CEO của Boston Global Forum công bố ra mắt "Những người bạn phát triển điện ảnh Việt - Mỹ"

Giáo sư, đạo diễn Tony Bui nhận định, trước đây, việc sản xuất phim quy mô lớn đòi hỏi nguồn lực khổng lồ, nhưng với AI, ngay cả các nhà làm phim độc lập cũng có thể tạo ra những tác phẩm chất lượng điện ảnh cao. Việt Nam cần đón đầu xu thế này và AIWS có thể trở thành trung tâm thúc đẩy mô hình sản xuất phim thông minh.

Cũng tại hội thảo, một trong những dấu ấn quan trọng là việc chính thức ra mắt "Những người bạn phát triển điện ảnh Việt - Mỹ" với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu từ Harvard, MIT, Boston Global Forum, cùng nhiều nhà làm phim và nhà đầu tư quốc tế.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, đồng Chủ tịch và CEO của Boston Global Forum, nhấn mạnh: “Sáng kiến này không chỉ là cầu nối gắn kết ngành điện ảnh hai nước, mà còn tạo ra một nền tảng bền vững để thúc đẩy hợp tác sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, và hỗ trợ các tài năng điện ảnh trẻ của Việt Nam vươn ra thế giới. 

Với sự đồng hành của các chuyên gia, nhà làm phim và tổ chức điện ảnh hai bên, “Những người bạn phát triển điện ảnh Việt - Mỹ" sẽ mang lại những thay đổi tích cực và lâu dài...".

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc