Sân khấu Lệ Ngọc:

Điểm sáng của sân khấu xã hội hoá

THUÝ HIỀN

VHO - Sân khấu Lệ Ngọc vừa kết thúc chuyến tham dự Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN lần thứ 11 với HCV cho vở diễn xuất sắc và 3 HCV cá nhân cho 3 nghệ sĩ. Đây là chuyến lưu diễn thứ 7 trong năm 2024, đánh dấu thêm bảng thành tích của Sân khấu Lệ Ngọc khi tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu quốc tế.

 Điểm sáng của sân khấu xã hội hoá - ảnh 1
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải Đặc biệt cho Sân khấu Lệ Ngọc về vở diễn xây dựng hình tượng Bác Hồ tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022

Bền bỉ cống hiến 11 năm với một cuộc liên hoan nghệ thuật quốc tế

Diễn ra từ ngày 7-13.12.2024 tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc, Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN lần thứ 11 có sự tham gia của các sân khấu đến từ các nước trong khối ASEAN. Việt Nam có 4 đoàn tham dự, trong đó Sân khấu Lệ Ngọc đã có 11 năm tham gia hoạt động này.

Ngay tại lễ khai mạc Liên hoan, NSND Lệ Ngọc, Chủ tịch Sân khấu Lệ Ngọc đã được Ban tổ chức trao Giải thưởng cống hiến bởi kỉ lục 11 lần tham gia Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN và 11 lần đều được trao Huy chương vàng và giải thưởng lớn – Hoa dâm bụt.

Nói về Giải thưởng Cống hiến vừa được trao tặng tại sự kiện, NSND Lệ Ngọc chia sẻ: “ Giải thưởng ghi nhận những cống hiến của tôi trong 11 năm qua. Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN đã được tổ chức 11 lần và tôi đã tham gia đủ 11 lần. Nhiều tác phẩm của tôi đã được biểu diễn tại Trung Quốc, giúp khán giả các nước đánh giá cao nghệ thuật sân khấu Việt Nam một cách trực quan hơn và hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam”.

 Năm nào tham gia Liên hoan, Sân khấu Lệ Ngọc cũng được giải thưởng cao ở hạng mục vở diễn và diễn viên. Trong đó có những liên hoan Sân khấu Lệ Ngọc đi 2 tác phẩm và đều được giải cao nhất: Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ 17, Sân khấu Lệ Ngọc tham gia 2 tác phẩm Huyền thoại gò rồng ấp và Tấm Cám được trao Giải thưởng Hoa dâm bụt - giải thưởng vở diễn xuất sắc nhất và 7 nghệ sĩ được giải Hoa dậm bụt cho nghệ sĩ xuất sắc nhất; tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ 10, tác phẩm Lá đơn thứ 72  và Lôi Vũ được trao Huy chương vàng vở diễn xuất sắc.

 Điểm sáng của sân khấu xã hội hoá - ảnh 2
Sân khấu Lệ Ngọc bền bỉ với Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN 11 năm qua. Trong ảnh: Lãnh đạo Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) chụp ảnh lưu niệm với các nghệ sĩ Sân khấu Lệ Ngọc

Mong muốn sân khấu các nước ASEAN sẽ vượt qua những thách thức, khó khăn hiện tại để có bước phát triển mới, NSND Lệ Ngọc cho rằng việc sân khấu tham gia vào các sự kiện liên hoan sân khấu, nghệ thuật của nhau là cách học hỏi, tích lũy kinh nghiệm hữu ích trong giai đoạn hiện nay. Trong gần 50 năm hoạt động trong lĩnh vực diễn xuất chuyên nghiệp, tôi đã đóng vai chính trong 100 tác phẩm kịch nói,

Đầu tư cho xứng tầm một tác phẩm 

Thu hút những tên tuổi tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nghệ sĩ tài năng của cả nước tham gia vào các tác phẩm; tạo bệ phóng cho nhiều diễn viên trẻ yêu nghề; đưa kịch Việt ra thế giới; dựng từ 4-5 vở mỗi năm… Có thể thấy, hàng loạt những thành tựu đạt được đã khiến Sân khấu Lệ Ngọc trở thành hiện tượng “đặc biệt”, tạo dấu ấn riêng về thương hiệu sân khấu xã hội hóa ở phía Bắc.

Lâu nay, nhiều sân khấu xã hội hóa thường chạy theo xu hướng “ăn xổi”, ngại đầu tư lớn cho những tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là những vở kịch kinh điển của thế giới, kịch lịch sử hay tác phẩm văn học... Sân khấu Lệ Ngọc đã xóa đi quan niệm này khi khai thác những tác phẩm kinh điển hoặc đặt hàng những tác giả và ê kíp sáng tạo sáng giá nhất. 

Đơn cử như vở kịch Lá đơn thứ 72  của Sân khấu Lệ Ngọc đã từng giành nhiều giải thưởng cao tại các liên hoan, hội diễn trong nước, quốc tế. Vở kịch được đánh giá cao không chỉ bởi cách dàn dựng, diễn xuất chuyên nghiệp của ê kíp sáng tạo mà còn góp phần truyền tải nhiều thông điệp quý báu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ra mắt tháng 5.2022 đến nay vở diễn đã công diễn được 300 đêm.

 Điểm sáng của sân khấu xã hội hoá - ảnh 3
NSND Lệ Ngọc (bên phải) nhận Giải thưởng cống hiến của Ban tổ chức Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN lần thứ 11 trao tặng

Tham gia Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN lần thứ 10, Sân khấu Lệ Ngọc đã dựng kịch bản nổi tiếng nhất của nhà viết kịch Trung Quốc Tào Ngu để sang diễn phục vụ khán giả Trung Quốc. Vở bi kịch Lôi vũ đã tạo ấn tượng mạnh với đồng nghiệp và khán giả. Điều quan trọng hơn là ê kíp sáng tạo đã mạnh dạn dựng theo phong cách dàn dựng của sân khấu Việt để mang diễn tại Trung Quốc để khán giả có được cách nhìn đa chiều về cùng một kiệt tác sân khấu thế giới.

Sân khấu Lệ Ngọc khiến giới nghề phải nể phục bởi nhiều điều, trước tiên đó là đơn vị này đã trở thành một thương hiệu nghệ thuật sáng giá với những tác phẩm thực sự có chất lượng. Không chỉ ghi dấu ấn bằng những vở diễn dài hơi, có doanh thu mà Lệ Ngọc còn “ẵm” về hàng loạt những giải thưởng danh giá như: Tình bạn và công lý đoạt giải Vàng tại Liên hoan sân khấu Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân 2020; Làm vua - giải Vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021; Cuộc chiến Covid - giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Phòng, chống dịch bệnh Covid-19” của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Quan Âm Diệu Thiện - giải Vàng Liên hoan sân khấu Trung Quốc - Asean lần thứ 8, Lá đơn thứ 72 được trao giải đặc biệt về vở diễn xây dựng hình tượng Bác Hồ tại liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần V năm 2022...

NSND Lệ Ngọc cho biết để phát triển và tạo vị thế cho Sân khấu Lệ Ngọc, trong những năm qua bà đã đưa Sân khấu Lệ Ngọc tham gia các liên hoan như: Liên hoan nghệ thuật quốc tế "Gặp gỡ ở Bắc Kinh", Liên hoan nghệ thuật và văn hóa sáu quốc gia vùng sông Mekong, Liên hoan nghệ thuật sân khấu Thâm Quyến, Liên hoan nghệ thuật ca dao quốc tế Nam Ninh "Sân khấu xanh Thành phố xanh" và những lễ hội khác với những vở kịch nổi bật. Trong quá trình giao lưu, các nghệ sĩ sân khấu Lệ Ngọc hiểu sâu hơn về cách phát huy vai trò xã hội của nghệ thuật sân khấu.

 Điểm sáng của sân khấu xã hội hoá - ảnh 4
Vở Làm vua (Tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn Lê Quý Dương) của Sân khấu Lệ Ngọc giải Vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021

Trong vòng 5 năm qua, các tác phẩm của Sân khấu Lệ Ngọc đã được mời tham gia nhiều liên hoan sân khấu quốc tế ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Monaco, Bangladesh, Pháp, Ý và Bhutan... Trong đó, công lao hàng đầu thuộc về NSND Lệ Ngọc là người luôn quảng bá tích cực các hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài.

Năm 2024, Sân khấu Lệ Ngọc đã đạt kỉ lục về số lượng 7 chuyến lưu diễn nước ngoài tại Trung Quốc, Malaysia, Singapre, Lào. Trong đó vở Lá đơn thứ 72 đã được ngài Chaleun Yiapaohe, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào mời sang Lào biểu diễn và đã được nhận Bằng khen của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chaleun Yiapaoher, Bằng khen của Bộ Thông tin, Văn hoá và du lịch Lào, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào vì đã mang tới cho kiều bào và người dân Lào một tác phẩm nghệ thuật đầy ý nghĩa, xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu kịch nói.

Tiết mục Trống cơm của Sân khấu Lệ Ngọc đã gây ấn tượng đặc biệt tại Lễ hội Múa Trống Kuala Lumpur tại Malaysia (tháng 9.2024).

Tham gia Liên hoan Nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương 2024 (Asia - Pacific Arts Festival 2024) diễn ra từ 19.10 đến 20.10 tại Singapore, Sân khấu Lệ Ngọc đã xuất sắc giành 1 giải Vàng đặc biệt (Gold Plus) và 2 giải Vàng (Gold).

Và chuyến thứ 7 gần nhất là tham dự  Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN lần thứ 11 với Huy chương vàng cho vở diễn xuất sắc và 3 Huy chương vàng cá nhân cho 3 nghệ sĩ.

Quan niệm làm sân khấu của NSND Lệ Ngọc rất đơn giản: “Sân khấu phải mang đến cho khán giả những điều khán giả cần và nghệ sĩ phải lấy khán giả là trung tâm”. Chính vì vậy mà Sân khấu của bà luôn đau đáu với các nhận xét của khán giả xem họ nghĩ gì, nhận xét, phản hồi như thế nào sau mỗi vở diễn. Diễn viên phải biết cách chào đón khán giả trước giờ mở màn, tương tác tốt với khán giả trong khi biểu diễn và khi cánh màn nhung khép lại, thân thiện chụp hình với công chúng với góc “check in” từ poster giới thiệu vở. 

Bí quyết để sân khấu luôn sáng đèn, theo NSND Lệ Ngọc là bà không đứng yên đợi khán giả. “Suốt 5 năm qua chúng tôi luôn chủ động tìm kiếm và kết nối những người đam mê nghệ thuật; đặc biệt là giới trẻ: đưa kịch đến với trường học - giáo dục trẻ thông qua những câu chuyện diễn ra trên sân khấu; đưa tình yêu văn hóa Việt đến với vùng sâu – vùng xa, với người nước ngoài và Việt Nam xa xứ”.

Có thể nói, thành công của sân khấu Lệ Ngọc tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN là một thành công lớn đối với không chỉ ngành sân khấu mà còn với cả cộng đồng những khán giả yêu nghệ thuật sân khấu Việt. Phần thưởng chính là sự khích lệ, sự tuyên dương và các giải thưởng danh giá song cao hơn đó chính là sự theo dõi, ủng hộ, tôn vinh từ hàng triệu trái tim khán giả yêu sân khấu trong, ngoài nước dành cho một sân khấu tư nhân. Trong bối cảnh thế giới giải trí có nhiều tác động đa chiều, phức tạp bởi vô vàn các loại hình, cách thức thể hiện nghệ thuật mới việc một sân khấu tư nhân bền bỉ xây dựng, phát triển, tỏa sáng suốt nhiều năm liền, liên tục tham gia các hoạt động quốc tế và giành giải lớn là rất đáng trân trọng.