Kịch nói Việt Nam giành hai giải xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN

VHO-Tối 18.9, Hội đồng giám khảo Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN lần thứ 7 đã tổ chức lễ trao giải thưởng, trong đó sân khấu kịch Lệ Ngọc của Việt Nam đã được trao hai giải Hoa dâm bụt, giải thưởng xuất sắc nhất của Liên hoan, tương đương giải Vàng cho hai tác phẩm: Huyền thoại Gò rồng ấp (tác giả: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn: NSND Triệu Trung Kiên) và Tấm Cám (tác giả: Nguyễn Hiếu, đạo diễn: Chua Soo Pong). 7 nghệ sĩ, tác giả của Việt Nam đã được trao giải Hoa dâm bụt giành cho nghệ sĩ xuất sắc nhất Liên hoan, trong đó có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ được trao giải tác giả xuất sắc với vở Huyền thoại Gò rồng ấp.

Kịch nói Việt Nam giành hai giải xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN - Anh 1

NSND Lệ Ngọc (người chính giữa) nhận giải Hoa dâm bụt, giải xuất sắc nhất Liên hoan 

Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN được tổ chức lần thứ 7 và đã trở thành hoạt động văn hoá nghệ thuật được tổ chức thường niên. Liên hoan năm nay quy tụ những đơn vị nghệ thuật nổi tiếng của các nước trong khối ASEAN và Trung Quốc diễn ra từ 14 - 19.9 tại Nam Ninh, Trung Quốc. Tuỳ theo khả năng mà mỗi nước tham gia từ một đến 3 chương trình. Việt Nam tham gia 3 chương trình trong đó Sân khấu Lệ Ngọc có Huyền thoại Gò rồng ấpTấm Cám, Đoàn nghệ thuật rối Hải Phòng tham gia  một chương trình rối nước truyền thống. Điều thú vị là các chương trình Việt Nam luôn được khán giả đón nhận nồng nhiệt, đầy hào hứng. 

Kịch nói Việt Nam giành hai giải xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN - Anh 2

Sinh viên Trung Quốc chúc mừng các nghệ sĩ sau suất diễn vở Huyền thoại Gò rồng ấp

NSND Lệ Ngọc cho biết, đoàn nghệ thuật của Việt Nam đã tham gia rất nhiều hoạt động trong khuôn khổ của Liên hoan, đó là biểu diễn nghệ thuật phục vụ khán giả, tham gia hội thảo trao đổi về lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, triển lãm trưng bày giới thiệu về văn hoá nghệ thuật dân gian Việt Nam. Gian trưng bày của Việt Nam đặc biệt thu hút sự chú ý của người dân Trung Quốc đến xem, tìm hiểu và trao đổi về các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Về chương trình biểu diễn, đoàn Việt Nam được bạn bố trí những điểm biểu diễn phù hợp với từng tác phẩm như Tấm Cám được biểu diễn tại Trung tâm phụ nữ và trẻ em thành phố Nam Ninh, phục vụ chủ yếu là đối tượng thiếu niên, nhi đồng. Huyền thoại Gò rồng ấp kén khán giả hơn được mời biểu diễn tại Trường Đại học công nghệ  thông tin phục vụ hơn 1.000 lượt khán giả là những giáo sư, giảng viên và sinh viên đại học. 

Kịch nói Việt Nam giành hai giải xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN - Anh 3

Thiếu nhi Trung Quốc chúc mừng các nghệ sĩ sau suất diễn vở Tấm Cám

Ông Fang Ning - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật dân tộc TP Nam Ninh cho biết: Chúng tôi đánh giá cao những tác phẩm của sân khấu Lệ Ngọc khi khi mang đến Liên hoan những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam. Các nghệ sĩ của Việt Nam đã luôn chứng tỏ tài năng và sự đa năng trong nghệ thuật biểu diễn, vừa diễn kịch hay, múa tốt và nhất là biết khai thác lối diễn của ngôn ngữ hình thể. Các nghệ sĩ đã xoá đi mọi ranh giới bất đồng về ngôn ngữ giúp cho khán giả không những hiểu được nội dung mà còn cảm nhận được tính cách, tình cảm của các nhân vật trong các vở diễn. 

Kịch nói Việt Nam giành hai giải xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc – ASEAN - Anh 4

Gian trưng bày triển lãm của các nghệ sĩ Việt Nam thu hút đông đảo khách tham quan

Cũng tại Liên hoan, Sân khấu Lệ Ngọc đã ký kết hợp tác với các đơn vị nghệ thuật đến từ ASEAN và Trung Quốc tham gia Liên hoan. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác biểu diễn những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng và mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc của từng nước trong khối ASEAN.

THÚY HIỀN; ảnh: L.N

Ý kiến bạn đọc