DANAFF III: Khi điện ảnh trở thành nhịp cầu đa dạng văn hóa
VHO - UNESCO và truyền thông quốc tế ghi nhận giá trị thực của Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) lần thứ III.

Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 (DANAFF III) khép lại với một dấu ấn đặc biệt: Được ghi nhận bởi chính giá trị nội tại chứ không phải nhờ lời giới thiệu hay chiến dịch quảng bá.
Trong thế giới điện ảnh, nơi các liên hoan phim mọc lên dày đặc như nấm sau mưa, việc một sự kiện non trẻ được cộng đồng quốc tế ghi nhận là hiện tượng hiếm.
DANAFF III đã làm được điều đó, bằng sự kết hợp hài hòa giữa chất lượng nghệ thuật, công tác tổ chức chuyên nghiệp, thông điệp văn hóa mạnh mẽ và vai trò bệ đỡ cho thế hệ làm phim trẻ của châu Á.
Khép lại một tuần lễ sôi động (29.6 - 5.7.2025), DANAFF III đã thực sự kiến tạo một hệ sinh thái điện ảnh đẳng cấp, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho khu vực.
Với gần 106 phim, hơn 200 suất chiếu, hàng chục sự kiện giao lưu, workshop phát triển tài năng và hội thảo nghề nghiệp, DANAFF III đã chứng minh đây là một “platform” mới cho điện ảnh châu Á - Thái Bình Dương, nơi các dòng chảy điện ảnh gặp nhau, đối thoại và cùng lan tỏa.

Tổng Giám đốc UNESCO: “DANAFF đã trao quyền cho sáng tạo và kết nối các nền văn hóa”
Năm nay, DANAFF III vinh dự được UNESCO chính thức công nhận là một trong những sự kiện tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 20 năm Công ước 2005 về Bảo vệ và Thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa.
Đây không chỉ là một chứng nhận mang tính biểu tượng, mà là sự khẳng định tầm vóc của DANAFF như một hiện tượng văn hóa có thực lực, kết nối các nền văn hóa qua ngôn ngữ điện ảnh.
Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, trong bài phát biểu khai mạc DANAFF III, đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc duy trì không gian chung cho điện ảnh trong bối cảnh thế giới đầy chia cắt:
“Trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động và thách thức, có vẻ như mỗi ngày chúng ta lại thêm chia cắt, thì vẫn còn một ngôn ngữ chung có thể kết nối tất cả chúng ta tại nơi này. Đó là ngôn ngữ của điện ảnh”.
Bà Azoulay đã gửi thư riêng cho TS Ngô Phương Lan - Giám đốc DANAFF III, để bày tỏ sự trân trọng sâu sắc: “Sự kiện sôi động này, mà tôi đã có dịp tham dự, là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của điện ảnh trong việc kết nối con người từ mọi nền tảng khác nhau... Liên hoan phim không chỉ tạo tiếng nói cho nhiều cộng đồng khác nhau, mà còn trao quyền cho các tài năng mới, nuôi dưỡng sự sáng tạo và thúc đẩy liên văn hóa”.
Điều này cho thấy, DANAFF III không phải là một Liên hoan phim đơn thuần, mà đang dần trở thành một sự kiện “catalyst” thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam hội nhập sâu với dòng chảy văn hóa thế giới.

DANAFF: Nơi hội tụ những “tiếng nói mới” của châu Á
Không phải ngẫu nhiên khi bà Audrey Azoulay đặc biệt nhấn mạnh rằng DANAFF III đã “mở rộng cả về quy mô thời lượng lẫn chiều sâu nội dung”.
Đó là sự thật. Trong ba mùa tổ chức, DANAFF đã không chạy theo con số hay ánh hào quang bề nổi. Thay vào đó, ban tổ chức tập trung xây dựng một liên hoan có tầm nhìn rõ ràng, vừa tôn vinh điện ảnh Việt Nam, vừa mở ra không gian cho các tác phẩm độc lập, thể nghiệm, đa dạng về phong cách kể chuyện.
Bà Martine Thérouanne, Giám đốc điều hành Liên hoan phim châu Á Vesoul (Pháp), nhận định trên Asian Movie Pulse:
“DANAFF mới chỉ diễn ra 3 mùa, nên có thể nói đây là một liên hoan phim còn rất trẻ. Tuy vậy, tôi nhận thấy tốc độ phát triển của DANAFF rất nhanh, cả về số lượng phim được giới thiệu lẫn cách tổ chức các hội thảo, workshop. Tôi nghĩ rằng DANAFF sẽ nhanh chóng định vị mình như một trong những liên hoan phim lớn của châu Á”.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm tổ chức Vesoul - một liên hoan phim nổi tiếng tại châu Âu về dòng phim tác giả châu Á, bà Martine không dễ bị thuyết phục bởi những yếu tố hình thức.
Điều khiến bà ấn tượng là sự nồng hậu, chỉn chu và tinh thần đề cao những giá trị nguyên bản của điện ảnh Việt Nam.
Bà Martine cũng nhắc tới việc Vesoul từng ba lần tổ chức chương trình hồi cố phim Việt, đón tiếp nhiều tên tuổi lớn từ: Đặng Nhật Minh, Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di đến Việt Linh, Lê Hương Chương hay Vũ Mạnh Cường…
“Việc một bộ phim được lựa chọn vào một liên hoan phim là điều có ý nghĩa lớn. Các nhà sản xuất, những người quyết định việc đầu tư vào một bộ phim, thường tin tưởng hơn vào những đạo diễn từng có phim được lựa chọn hoặc trao giải tại các liên hoan uy tín. Vì thế, khi được công nhận tại một liên hoan phim như DANAFF có thể mở ra những cơ hội tài trợ, hợp tác và lan tỏa trong nước cũng như quốc tế”, bà nhấn mạnh.
Đặc biệt, với vai trò giám khảo hạng mục Asian Competition tại DANAFF III, bà Martine đánh giá cao các tác phẩm có phong cách kể chuyện sáng tạo, mang dấu ấn cá nhân, phản ánh chân thực các vấn đề xã hội hoặc các giá trị phổ quát.
“Một số phim Việt, đặc biệt là “Don’t Cry Butterfly” cho thấy sự sắc sảo, độc lập và tinh thần thể nghiệm mạnh mẽ của đạo diễn trẻ”, bà nói.

Báo chí quốc tế: DANAFF là “cú hích” cho điện ảnh Việt
Truyền thông quốc tế đã dành sự quan tâm đặc biệt cho DANAFF III. Hãng thông tấn Xinhua ghi nhận sự tham gia của 14 tác phẩm tranh giải từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Iran, Malaysia và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.
Korea Herald nhận định: “DANAFF III quy tụ những câu chuyện mạnh mẽ và sự đổi mới nghệ thuật từ các nhà làm phim Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mang lại góc nhìn mới và tôn vinh sự đa dạng văn hóa”.
Giám đốc Viện Lưu trữ phim Hàn Quốc Kim Hong Joon, chia sẻ: “Tôi thật sự ấn tượng với tinh thần trẻ trung ở đây, nó gợi nhớ cho tôi về những ngày đầu của Liên hoan Phim Kinh dị Bucheon... Tôi nhận thấy DANAFF có tiềm năng to lớn và tôi sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng của mình”.
Đặc biệt, sự kiện “Focus on Korean Cinema” lần đầu tiên tổ chức trong khuôn khổ DANAFF, với sự hiện diện của các đạo diễn, diễn viên hàng đầu như: Jang Joon-hwan, Kim Han-min, Moon So-ri, Park Sung-woong, đã làm dày thêm tính quốc tế và tính đối thoại của liên hoan.
Trả lời báo chí, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young-sam nhấn mạnh: “Tôi hy vọng rằng thông qua Liên hoan phim lần này, người dân hai nước Việt - Hàn sẽ thêm thấu hiểu, đồng cảm với những câu chuyện và cảm xúc của nhau, từ đó xích lại gần nhau hơn”.
Tờ Nate News gọi DANAFF là “một ví dụ tiêu biểu thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác văn hóa - nghệ thuật với Hàn Quốc và các quốc gia châu Á”.

Từ Liên hoan phim đến công nghiệp sáng tạo: Một tầm nhìn dài hạn
DANAFF III không chỉ là một sân chơi nghệ thuật, mà đang dần định hình vai trò của một “incubator” (vườn ươm) cho các tài năng trẻ, đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa ngành Công nghiệp điện ảnh Việt Nam với quốc tế.
Việc UNESCO chọn DANAFF III là sự kiện tiêu biểu của 20 năm Công ước 2005 là cột mốc quan trọng, chứng tỏ điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể bước ra thế giới khi đi cùng tầm nhìn chiến lược, sự đầu tư bài bản và tinh thần cầu thị với dòng chảy điện ảnh đương đại.
DANAFF hơn cả một liên hoan phim, nó đang trở thành một “platform” văn hóa chiến lược, nơi điện ảnh được trao quyền để làm nhịp cầu kết nối các nền văn hóa, kiến tạo sự đồng cảm và thúc đẩy sự đa dạng trong biểu đạt nghệ thuật.