Cơn sốt "Đào, phở và piano" mở ra tiềm năng mới cho ngành biên kịch
VHO - Bộ phim lịch sử Đào, phở và piano đang tạo nên cơn sốt, nhận về nhiều lời khen cho nội dung kịch bản và sự tái hiện lịch sử khác lạ, sinh động. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành biên kịch Việt Nam, mở ra bước tiến mới trong tương lai.
Cần chú trọng đầu tư vào kịch bản
Trước những năm 1980, Việt Nam chú trọng đầu tư xây dựng những bộ phim mang chủ đề chiến tranh như: Chị Tư Hậu (1962); Em bé Hà Nội (1974); Cánh đồng hoang (1979)... Những bộ phim đã làm nên tên tuổi của các đạo diễn và biên kịch lúc bấy giờ như: nhà biên kịch Nguyễn Quang Sáng, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ…
Bộ phim Em bé Hà Nội - Đạo diễn Hải Ninh và biên kịch Hoàng Tích Chỉ
Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội những năm 2010 - 2022, các kịch bản phim dần có sự nới lỏng về phong cách sáng tác. Không khó để nhận thấy chất lượng phim Việt trong thời gian này có vẻ “khiêm tốn" hơn các tác phẩm của thế hệ đi trước.
Vào đầu tháng 12. 2022, bộ phim Huyền sử vua Đinh - phim về vua Đinh Bộ Lĩnh đã ngừng chiếu sau 10 ngày và thu về 43 triệu đồng - doanh thu thấp nhất trong các bộ phim chiếu rạp từ trước đến nay.
Loạt phim Sống cùng lịch sử, Mộ gió và Đam mê cũng chung số phận khi phải ngưng chiếu vì không bán được vé. Trong đó, Sống cùng lịch sử của đạo diễn, NSND Thanh Vân đầu tư lên đến 22 tỉ đồng nhưng ghế trong rạp vẫn trống.
Đạo diễn Charlie Nguyễn nhận định điểm yếu lớn nhất của phim Việt vẫn là khâu kịch bản. Theo ông, lý do chính khiến phim thất thế tại phòng vé là chưa kể một câu chuyện đủ hay, bắt kịp thị hiếu người xem. "Gu khán giả thay đổi hàng ngày. Lúc làm phim, mình theo xu hướng này thì khi phim ra, xu hướng đã thay đổi", Charlie Nguyễn bày tỏ.
Rút kinh nghiệm từ những bài học đó, đầu năm 2023, một số tác phẩm Việt đã quay lại màn ảnh với kịch bản hấp dẫn, chặt chẽ và chất lượng hơn như: Hồng Hà Nữ sĩ, Người vợ cuối cùng;...
Và đầu năm 2024, bộ phim Đào, phở và piano thực sự mang về nhiều tín hiệu vui cho đội ngũ biên kịch, khẳng định vị thế khó thay đổi của người biên kịch trong ê-kíp làm phim. Câu chuyện gần gũi, nhân văn được thể hiện tinh tế nhẹ nhàng đã chạm đến cảm xúc người xem. Trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt và đen tối đâu đó vẫn len lỏi một Hà Nội rất đặc trưng, rất tình và rất thơ.
Ngành biên kịch sẽ “nở rộ" trong tương lai
Nguồn tư liệu về lịch sử Việt Nam mới được khai thác 10-15% so với thực tế. Bên cạnh những bộ phim điện ảnh, những tác phẩm hoạt hình về lịch sử, giai thoại dân gian cũng được nhiều đơn vị tư nhân và nhà nước chú trọng đầu tư như Hào khí ngàn năm; Trạng Quỳnh thời nhí nhố;...
Thực tế này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và đầy tiềm năng của ngành biên kịch phim, biên kịch hoạt hình trong tương lai. Khi mà khán giả ngày càng khắt khe và chọn lọc khi thưởng thức nghệ thuật thì những tác phẩm cần có cốt truyện chặt chẽ, tình tiết thuyết phục và hệ thống nhân vật xây dựng nhất quán từ đầu đến cuối bộ phim.
Khi làm về phim hoạt hình lịch sử, những nhà biên kịch hoạt hình không chỉ cần hiểu sâu biết rộng về lịch sử nước nhà mà cần hiểu về đặc thù chuyên môn của từng mảng bộ phận liên quan trong quy trình làm phim. Khác với việc làm phim điện ảnh, phim hoạt hình đòi hỏi sự đồng điệu giữa người “chơi chữ” và người “chơi với nét vẽ”.
Các học viên chụp hình lưu niệm cùng giảng viên tại Sconnect Academy of Media Art trong buổi lễ tốt nghiệp
Muốn làm được như vậy đòi hỏi các nhà biên kịch cần trau dồi kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ biên kịch và những kỹ năng cần thiết để triển khai kịch bản. Tại Sconnect Academy of Media Arts (SAMA), chương trình đào tạo ngành Biên kịch hoạt hình được xây dựng nhằm đảm bảo các yếu tố cần thiết giúp một bạn trẻ đam mê biên kịch có thể làm nghề, sáng tạo với nghề và tồn tại cùng nghề.
Chương trình học của SAMA cung cấp đầy đủ kiến thức chuyên ngành, kỹ năng chuyên môn và các bộ môn bổ trợ giúp học viên có cái nhìn tổng quan nhất về làm phim hoạt hình, cách khai thác yếu tố lịch sử trong hoạt hình và những lĩnh vực khác. Chương trình đang tuyển sinh và dự kiến sẽ khai giảng vào tháng 9. 2024.
QUYÊN HÀ