Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản tỏa sáng”

VHO - Kỷ niệm 10 năm UNESCO chính thức vinh danh loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (5.12.2023-5.12.2023), vào tối 8.12 tại Công viên 23/9, TP.HCM sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản tỏa sáng”. Chương trình do Ban Tổ chức các ngày lễ lớn TP.HCM tổ chức.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản tỏa sáng” - Anh 1

Trình diễn Đờn ca tài tử Nam Bộ phục vụ người dân và du khách tại TP.HCM

Ngoài việc khen thưởng động viên các tổ chức, cá nhân tích cực đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, thì chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản tỏa sáng” cũng được tổ chức phục vụ đông đảo nhân dân và du khách. 

Chương trình nghệ thuật đặc sắc với 3 chương gồm: Chương 1 - “Mối tơ duyên” khắc họa khởi nguồn hình thành nên loại hình Đờn ca tài tử; chương 2 - “Hội tụ thăng hoa” thể hiện sức sống của Đờn ca tài tử trong đời sống của người dân Nam Bộ và chương 3 “Di sản tỏa sáng”  - phản ánh sức lan tỏa của Đờn ca tài tử trong lòng đô thị hiện đại và nhịp sống xã hội hôm nay, khắc họa rõ nét quá trình hình thành và phát triển của Đờn ca tài tử Nam Bộ từ cuối thế kỷ 19 đến ngày nay. 

Chương trình do Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM thực hiện, qui tụ nhiều Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, tài tử đờn, tài tử ca và các ca sĩ, nghệ sĩ: Quốc Đại, Cao Công Nghĩa, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lê Hồng Thắm, Hà Như, Võ Minh Lâm, nhóm FM, nhóm 135, nhóm Mắt Ngọc và các vũ đoàn Mây Trắng, Mặt Trời, ABC… 

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản tỏa sáng” - Anh 2

Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã hình thành và phát triển ở Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và sáng tác mới trên nền tảng âm nhạc dân ca, hát đối, hò vè của vùng đất Nam Bộ. Đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc của miệt vườn sông nước Nam Bộ, là sự kết hợp tinh tế giữa tiếng ca ngọt ngào, lời thơ sâu lắng, tiếng đờn mượt mà. Những giai điệu, ca từ vừa thể hiện tính bác học vừa có chất dân gian gắn liền với sinh hoạt đời thường cũng như thể hiện những nét đặc trưng của người dân vùng đất phương Nam - cần cù, bình dị, chân thật, phóng khoáng, nghĩa hiệp nhưng rất đỗi nhân văn.

Sau 10 năm kể từ ngày 5.12.2013, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật đặc sắc này. 

Với sự góp sức của nhiều cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội, các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh,… phong trào Đờn ca tài tử trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua đã từng bước phát triển. Đây là nền tảng vững chắc cho sự thụ hưởng, sáng tạo nghệ thuật của người dân Thành phố trong giai đoạn hiện nay, là cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ ở TP.HCM.

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc