Rò rỉ phim chiếu rạp:

Câu chuyện chưa hồi kết

THẢO MY

VHO - Thời gian qua, nạn quay lén, phát sóng trực tiếp, rò rỉ bất hợp pháp phim Việt trên các nền tảng mạng xã hội vẫn cứ “đến hẹn lại lên” mỗi khi có tác phẩm mới ra rạp, khiến người làm nghề cũng như khán giả vô cùng bức xúc. Đáng nói hơn, đa phần các vụ việc chỉ mới giải quyết ở mức yêu cầu gỡ bỏ. Dường như “liều thuốc” này vẫn chưa đủ đắng để đối tượng vi phạm có thể “giã tật”.

Câu chuyện chưa hồi kết - ảnh 1
Hình ảnh trong phim điện ảnh kinh dị “Cám”

 Không phải lần đầu

Mới đây nhất, bộ phim kinh dị 18+ Cám đã gây bão mạng xã hội khi nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Từ khi chưa ra rạp, phim đã gây chú ý và hiện đang xác lập nhiều kỷ lục phòng vé.

Cám là dị bản kinh dị lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám. Gia tộc của Tấm - Cám từng giao kèo với ác quỷ, hiến tế trinh nữ để đổi lấy sự giàu sang.

Cám (Lâm Thanh Mỹ) sinh ra đã xấu xí, bị mọi người xung quanh kỳ thị, hành hạ. Tấm (Rima Thanh Vy) là người duy nhất yêu thương đứa em gái cùng cha khác mẹ. Cho đến một ngày, Cám bị cha là Hai Hoàng (Quốc Cường) đem đi hiến tế, cũng từ đây những biến cố bắt đầu ập đến với cả gia tộc…

Hiện tại, doanh thu của Cám đã lên tới gần 60 tỉ đồng sau 4 ngày công chiếu và dự kiến sẽ nhanh chóng cán mốc 100 tỉ trong vài ngày tới. Song chuyện sẽ chẳng có gì, nếu như đi cùng với sức hút của phim thì nội dung đã nhanh chóng bị rò rỉ trên các nền tảng mạng xã hội chỉ sau 2 ngày trình làng.

Cụ thể, trên nền tảng TikTok, một số đối tượng cắt từng đoạn video nội dung phim đăng lên để câu like, có kẻ còn ngang nhiên phát sóng trực tiếp với thời lượng dài.

Thậm chí, tại một số video ngắn, chủ kênh còn kêu gọi người xem sử dụng web lậu để xem Cám miễn phí, khỏi cần ra rạp. Có thể thấy, đây không chỉ là hành động thể hiện ý thức kém của một bộ phận khán giả mà còn gây thất thoát rất lớn cho bộ phim.

Phải chăng, họ không biết việc quay lén trong rạp là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan?

Đây không phải lần đầu những bộ phim điện ảnh bị rò rỉ, lộ nội dung khi vẫn còn đang chiếu tại rạp. Trước Cám, không ít phim Việt đã gặp phải tình trạng này như: Chị Mười Ba, Cô Ba Sài Gòn, Tấm Cám chuyện chưa kể, Em chưa 18, Chị chị em em 2, Kẻ ăn hồn, Nhà bà Nữ

Các nhà làm phim đã lên án gay gắt hành vi này. Theo đó, khi Chị chị em em 2 bị quay lén, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng bức xúc: “Điều kỳ lạ là tất cả tài khoản phát tán trái phép đều mới lập và mỗi ngày lại có thêm nhiều tài khoản chỉ để rò rỉ phim.

Đây là hành vi không thể chấp nhận, không chỉ tổn hại đến doanh thu mà còn bóp chết giá trị nghệ thuật”…

Thảo Trang - tác giả bộ tiểu thuyết gốc của Kẻ ăn hồn cũng bức xúc không kém khi phim dù chỉ mới ra rạp đã bị quay lén. Cô cho biết, với trường hợp phim điện ảnh bị phát tán trái phép, cô sẽ không dừng lại ở việc cảnh cáo, bỏ qua vì nó “liên quan tới rất nhiều bên, hàng chục đơn vị, công ty chứ không phải chỉ một mình tác giả”.

Nghiêm trọng hơn, Ngô Thanh Vân đã từng khởi kiện người phát trực tiếp bộ phim Cô Ba Sài Gòn lên mạng xã hội vào năm 2017, người vi phạm sau đó đã bị phạt hành chính 15 triệu đồng và buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm.

Tê liệt cảm xúc khán giả

Rõ ràng, việc phát tán những phân cảnh quan trọng, tiết lộ các tình tiết mấu chốt của phim đã làm tê liệt cảm xúc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật của khán giả.

Song song đó, chất lượng hình ảnh, âm thanh không đảm bảo sẽ khiến người xem không còn hào hứng để ra rạp. Thậm chí, phim bị phát tán nội dung có thể tạo hiệu ứng truyền miệng xấu cho tác phẩm. Và dĩ nhiên, lượng khán giả sẽ giảm đi hẳn, gây thiệt hại khó có thể đong đếm cho nhà sản xuất.

Nhiều câu hỏi được đặt ra, tại sao giới nghề lại không “cứng rắn” hơn nữa để giải quyết vấn nạn này?

Trên thực tế, số lượng video clip nhiều đến mức cứ xử lý tài khoản này thì lại có loạt tài khoản khác mọc ra và tiếp tục phát tán. Dù những lời cảnh báo, kêu gọi khán giả văn minh trong ứng xử tại rạp được nhà sản xuất, đơn vị phát hành liên tục nhắc nhở, nhưng tình trạng vẫn không hề cải thiện.

Và cứ thế, câu chuyện kéo dài chưa hồi kết. Bên cạnh đó, nhà làm phim cũng luôn phải cân nhắc thiệt hơn, nhất là thời điểm phim đang chiếu. Bởi lẽ, nếu làm lớn chuyện, sự việc trở nên nghiêm trọng hơn, chưa biết kết quả ra sao song lùm xùm có thể tạo ra nhiều ý kiến trái chiều với những nghi ngờ như gây thị phi, “chiêu trò” để quảng bá…

Tuy khó là vậy, nhưng nếu quyết tâm làm mạnh tay thì hoàn toàn có thể giúp giảm bớt hành vi vi phạm này. Theo Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền sẽ bị phạt tiền từ 15-35 triệu đồng và buộc dỡ bỏ bản sao hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Nặng hơn, theo Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi này có thể bị phạt với khung cao nhất là 1 tỉ đồng và 3 năm tù giam, thấp nhất cũng khoảng 50 triệu đồng.

Với hành lang pháp lý sẵn có, chỉ khi các nhà sản xuất thật sự cứng rắn, cương quyết trong xử lý, thay vì “kêu trời trách đất” và trông chờ một bộ phận “câu view, câu like” nâng cao ý thức, tình trạng này mới có thể bị đẩy lùi.

Mỗi tác phẩm điện ảnh là một “đứa con tinh thần” được tạo ra với biết bao tâm huyết, công sức, chất xám, tiền của của cả một tập thể, nên cần được bảo vệ một cách đúng đắn.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc