Bế mạc lớp bồi dưỡng kiến thức định hướng, chỉ đạo nghệ thuật, tổng đạo diễn năm 2023
VHO- Tại TP Đà Lạt, Lớp bồi dưỡng kiến thức định hướng, chỉ đạo nghệ thuật, tổng đạo diễn - 2023 đã chính thức bế mạc.
NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu đánh giá khoá học
Dự lễ bế mạc có NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam; NSƯT Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn; NSND Lê Ngọc Cường, nguyên Cục trưởng Cục NTBD; NSND Nguyễn Quang Vinh, nguyên quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội; Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Trung Kiên…
NSƯT Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn phát biểu bế mạc khoá học
Sau gần một tuần tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm của các giảng viên là các Nghệ sĩ nhân dân, những người thầy với bề dày quản lý và khối lượng kiến thức về nghệ thuật biểu diễn, lớp bồi dưỡng tại thành phố Đà Lạt đã kết thúc tốt đẹp. Mặc dù thời gian dành cho lớp có giới hạn, ban quản lý lớp đã cố gắng chắt lọc những chuyên đề thiết thực nhất dành cho hơn 160 học viên. Số đông học viên của lớp học là những nhà quản lý, chỉ đạo nghệ thuật, các sở văn hóa thể thao du lịch, trung tâm văn hóa, các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc đã cùng hội tụ về đây cùng giao lưu, học hỏi, trao đổi nghề nghiệp, học tập kinh nghiệm lẫn nhau với tinh thần đoàn kết, nồng ấm.
Trao Giấy chứng nhận cho các học viên
Tại lễ bế mạc lớp học, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, nghề quản lý đã phức tạp, tổng đạo diễn nghệ thuật còn phức tạp hơn, đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Với các chuyên đề của lớp học, các thầy gạo cội như NSND Lê Ngọc Cường, NSND Nguyễn Quang Vinh, NSND Lê Hùng… và các cán bộ quản lý mới, có nhiệt huyết như NSƯT Trần Ly Ly đã chuyển tải được những kinh nghiệm của mình đối với lớp, để các học viên có cái nhìn tổng thể về văn hóa về quản lý nhà nước cũng như định hướng phát triển văn hóa nghệ thuật và văn hóa nước nhà. Mỗi học viên của lớp học là thành tố quan trọng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Sau lớp tập huấn này, các nghệ sĩ, các cán bộ sẽ thu thập được những vốn kiến thức, để có thể chỉ đạo, hoạt động, xây dựng các tác phẩm nghệ thuật có tư tưởng, chất lượng nghệ thuật cao.
Với tư cách là học viên, NSND Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ niềm vui được góp mặt trong lớp học lần này. NSND Phạm Ngọc Tuấn cho biết, đại dịch Covid-19 để lại hậu quả nặng nề đối với các hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Nhiều nhà hát, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong quản lý cơ sở vật chất, con người và duy trì các hoạt động nghệ thuật biểu diễn để đảm bảo trách nhiệm và thực hiện nghĩa vụ đối với Đảng và Nhà nước giao cho. Đồng thời đảm bảo đời sống của cán bộ, nghệ sĩ.
“6 chuyên đề của lớp học đã đem lại cho chúng ta nhiều kiến thức bổ ích, khơi gợi bản lĩnh và phẩm chất của nhà quản lý, người nghệ sĩ thực hiện trách nhiệm của mình. Ai cũng hồ hởi, háo hức đón nhận kiến thức thiết thực và bổ ích đối với hoạt động nghệ thuật thực tiễn”, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam bày tỏ.
Phát biểu tại lễ bế mạc, NSƯT Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định, lớp bồi dưỡng đã đạt được những mục đích đề ra là nâng cao một bước về nhận thức, định hướng trong công tác chỉ đạo nghệ thuật, tổng đạo diễn để phù hợp với sự phát triển của xã hội trong tình hình mới. Nhưng lần này, ngoài việc thu nhận những kinh nghiệm cũng như kiến thức quý báu của các thầy, ban tổ chức cũng được lắng nghe những vướng mắc, khó khăn của các đơn vị nghệ thuật trung ương và địa phương về những cơ chế chính sách còn vướng mắc. Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các học viên để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ về một số chính sách nhằm bảo tồn và phát triển nền nghệ thuật Việt Nam trong tình hình mới.
THUỲ DƯƠNG