Bế mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc – 2023: Gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật sân khấu truyền thống
VHO- Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023 do Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan tổ chức đã bế mạc tối 17.5 tại Nhà hát Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Dự lễ bế mạc có Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam; Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi, PGS.TS Tạ Quang Đông; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Phó trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi Đầu Thanh Tùng; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa Đào Xuân Yên; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL NSND Vương Duy Biên; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi; Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSƯT Trần Ly Ly cùng đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL Thanh Hoá...
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi phát biểu bế mạc
Phát biểu tại Lễ bế mạc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi nhấn mạnh: Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 diễn ra từ ngày 6 -16. trên mảnh đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt đã khép lại với dư âm tốt đẹp trong lòng các nghệ sĩ, diễn viên tham dự và công chúng yêu nghệ thuật truyền thống. Các nghệ sĩ, diễn viên dự thi đã thể hiện, phô diễn tài năng nghệ thuật, đem đến cho khán giả yêu nghệ thuật truyền thống nhiều cảm xúc, cái nhìn đa sắc màu và những ấn tượng sâu đậm không chỉ về nghệ thuật sân khấu truyền thống, mà còn bao hàm trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam. Đây là cuộc thi hết sức quan trọng, một mặt phát hiện những tài năng mới để kịp thời bồi dưỡng, đào tạo; mặt khác là dịp các nhà hát, đoàn nghệ thuật đánh giá lại lực lượng diễn viên, trên cơ sở đó xây dựng những vở diễn có chất lượng cao trong thời gian tới. Đồng thời, là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, nhìn nhận sức sống của sân khấu truyền thống trong Nhân dân, kịp thời có những giải pháp tích cực để bảo tồn, gìn giữ và tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của nền nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị, các Nhà hát Chèo, Tuồng và Dân ca kịch giao lưu, học hỏi và giới thiệu các giá trị nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và phong phú của đơn vị mình tới các đơn vị bạn nói riêng và khán giả Thanh Hóa cũng như cả nước nói chung.
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam và Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao giải Xuất sắc cho các diễn viên
Bên cạnh những thành công của các phần thi, trích đoạn được đầu tư công phu cả về kịch bản, dàn dựng, kỹ thuật nhuần nhuyễn điêu luyện của các nghệ sĩ, diễn viên trong ca, diễn… thì vẫn còn một số trích đoạn, phần thi chưa được đầu tư, quan tâm một cách nghiêm túc dù là lý do chủ quan hay khách quan. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đề nghị trong các cuộc thi tới, các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát có nghệ sĩ, diễn viên dự thi lần này cần tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ, tài năng làm lực lượng kế cận sau này. Tăng cường hơn nữa cho việc truyền dạy những kỹ thuật ca, các động tác vũ đạo đặc trưng cơ bản của từng vai diễn cho các diễn viên trẻ. Đảm bảo giữ được những tính cách, tinh hoa của nghệ thuật truyền thống. Muốn đạt được những kết quả như trên, cần mời các nghệ nhân, chuyên gia về dàn dựng cho các diễn viên, đồng thời khẩn trương mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật biểu diễn cho các diễn viên, nhằm bảo tồn các giá trị cổ của sân khấu ca kich truyền thống.
Đại diện lãnh đạo Bộ VHTTDL và Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hoá tặng hoa Hội đồng giám khảo
Thông qua Cuộc thi, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cũng đề nghị Cục nghệ thuật biểu diễn trong thời gian tới cần tích cực nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu truyền thống nói riêng; đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ, diễn viên tài năng trẻ của nền nghệ thuật sân khấu truyền thống nước nhà. Khẩn trương mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật biểu diễn cho các diễn viên nhằm bảo tồn các giá trị cổ của sân khấu kịch truyền thống; xây dựng đề án, đặt hàng các vở diễn cho các nhà hát, đoàn nghệ thuật truyền thống trong cả nước; tiếp tục hoàn thiện các quy chế cuộc thi, phương thức tổ chức để các cuộc thi được tổ chức ngày một tốt hơn, tìm ra được những tài năng cho nghệ thuật truyền thống hơn nữa.
Tại lễ bế mạc, Hội đồng giám khảo đã trao giải cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc – 2023, diễn ra từ ngày 11-16.5, thu hút 14 đơn vị nghệ thuật Chèo công lập tham gia với 63 trích đoạn từ Chèo cổ truyền, đến Chèo hiện đại qua sự thể hiện của 73 diễn viên dự thi. Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, tín hiệu mừng nhất trong Cuộc thi này là chất lượng nghệ thuật của 14 đơn vị khá đồng đều, mỗi diễn viên dự thi đều nỗ lực “thổ tận can tràng” để thể hiện tốt nhất phần thi của mình. Những vai mẫu trong các trích đoạn Chèo cổ truyền như Thị Mầu, Suý Vân, Châu Long, Lưu Bình, Trần Phương, Cả sứt, Thị Phương, Tuần Ty, Đào Huế, Thầy đồ Trương Viên. Mụ Quán, Lão say có nội dung khuyến giáo đạo đức là những bài học chở nặng triết lý nhân sinh, những tấm gương sáng về tình bạn về lòng chung thuỷ, đạo đức gia đình luôn đề cao chữ hiếu, khao khát tự do, lên án, đả kích để rồi phê phán thói hư tật xấu bằng tiếng cười trào lộng, thâm sâu trong ngôn ngữ nghệ thuật Chèo.
Trên sân khấu Nhà hát Lam Sơn, khán giả, bạn nghề đã có những thời khắc “mãn nhĩ” với nhiều giọng Chèo đằm thắm, trữ tình da diết như Đào liễu, Sa lệch chênh, Quân tử vu dịch, Tò vò, Tình thư hà vị, Kể bốn mùa, Ngâm sổng, Hát cách… của mô hình nhân vật nữ chín, thư sinh hay lẳng lơ tính cách, mê đắm như Cấm giá, Bình thảo của nữ lệch Thị Mầu, phẫn uất xót xa như Dậm chân, Thiếp bỏ cho chàng của Đào Huế, Lới lơ, gà rừng của Súy Vân, khôi hài, vui vẻ trong giai điệu Bà chúa con cua, hát sắp… mang đậm dấu ấn, sắc thái riêng của từng đơn vị nghệ thuật Chèo, vùng Chèo trong cả nước…, được “mãn nhãn” với những khuôn diễn, bộ múa khá thuần thục, khắc hoạ Tinh, Khí, Thần của nhân vật Chèo. Hay, những nhân vật trong các trích đoạn Chèo hiện đại như cụ Hường (trích đoạn Một tin buồn), Hiếu (trích đoạn Người mẹ một mắt, Vợ chồng thuyền chài), Nhị Độ Mai - Chèo Nguyễn Đình Nghị, Tùng (Tùng lò gạch), Cả Hân (Đường trường duyên phận, Người ngựa, ngựa người) cùng nhiều nhân vật Chèo khai thác đề tài lịch sử như Hình bộ thượng thư và đặc biệt, nhân vật Hề già - vở Chèo Lý Nhân Tông kế nghiệp - một “hiện tượng” xuất sắc của sự kế thừa truyền thống một cách sáng tạo, có học đã lần lượt xuất hiện tươi nguyên trên sân khấu, thể hiện kỹ năng cảm thụ cũng như trình độ, khả năng sáng tạo, chuyển hoá, kế thừa mô hình nhân vật.
Nhìn chung, theo Hội đồng giám khảo, phần lớn phần dự thi được dàn dựng công phu, diễn viên thăng hoa trên sân khấu với nghề để bộc lộ hết được tài năng của mình, tạo nên điểm nhấn nghệ thuật đầy ấn tượng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá Chèo. Điều đó làm cho loại hình nghệ thuật Chèo luôn xuôi chèo mát mái trong dòng chảy văn hoá dân tộc là điều rất cần trong các tác phẩm nghệ thuật sân khấu Chèo hiện nay. Bên cạnh những ghi nhận về chất lượng của nhiều chương trình và trích đoạn thì Hội đồng giám khảo cũng cho rằng vẫn có một số vai diễn dự thi của các đơn vị còn trùng lặp quá nhiều. Trích đoạn chưa thực sự chuyển tải được vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đương thời, nội dung cũ mòn, vẫn có một số đơn vị chưa có sự chọn lựa cẩn trọng, nội dung trích đoạn dự thi chưa chú trọng việc xây dựng hình tượng nhân vật Chèo.
Các diễn viên nhận giải Nhất và giải Nhì tại cuộc thi
Kết quả cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc – 2023, BTC đã trao 1 giải Xuất sắc cho NS Thu Phong - người hướng dẫn ca diễn với trích đoạn Thị Mầu lên chùa (do diễn viên Trịnh Thị Thanh Huyền của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thể hiện); 1 giải Xuất sắc NSND Hàn Hải - người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo, đạt hiệu quả cao với trích đoạn Chí Phèo - Thị Nở (do 2 diễn viên Nguyễn Hữu Cảnh và Nguyễn Thị Lưu của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa thể hiện). Cùng với đó, 17 nghệ sĩ được trao giải Nhất là: Lại Xuân Chường (Nhà hát Chèo Việt Nam), Nguyễn Thị Lưu (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa), Vũ Thị Sợi (Nhà hát Chèo Ninh Bình), Đỗ Thị Phương (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định), Trịnh Thị Thanh Huyền (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), Nguyễn Thị Phương Anh (Nhà hát Chèo Hưng Yên), NSƯT Bùi Phương Mây (Nhà hát Chèo Hà Nội), Lê Trọng Khởi (Nhà hát Chèo Thái Bình), Nguyễn Đình Hạnh (Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc), NSƯT Nguyễn Anh Tuấn (Nhà hát Chèo Bắc Giang), Trần Thị Thùy Trang (Nhà hát Chèo Việt Nam), Nhữ Đình Lục (Nhà hát Chèo Quân đội), Nguyễn Thị Thu Hường (Nhà hát Chèo Thái Bình), Trần Thị Ngát (Nhà hát Chèo Việt Nam), Phùng Thế Quỳnh (Nhà hát Chèo Quân đội), Trịnh Tuyết Anh (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa), Tạ Văn Sếp (Nhà hát Chèo Hải Dương) và 14 nghệ sĩ được trao giải Nhì của Cuộc thi.
NGUYỄN LINH