Ban nhạc trên Spotify gây tranh cãi vì là sản phẩm của AI

KHÁNH MY

VHO - Một nhóm nhạc mới nổi trên Spotify đạt hơn một triệu lượt phát chỉ sau vài tuần ra mắt. Tuy nhiên, sự thật sau đó gây bất ngờ: toàn bộ âm nhạc, hình ảnh và câu chuyện đứng sau nhóm đều do trí tuệ nhân tạo tạo ra.

Ban nhạc trên Spotify gây tranh cãi vì là sản phẩm của AI - ảnh 1
Hình ảnh do AI tạo về ban nhạc Velvet Sundown đang chơi nhạc. Ảnh: Velvet Sundown

Hiện tượng âm nhạc không có người thật

Khi hai album mang phong cách dân gian cổ điển mang tên Floating On EchoesDust And Silence xuất hiện trên Spotify hồi tháng 6, ít ai ngờ rằng ban nhạc đứng sau chúng, Velvet Sundown, không hề tồn tại trong đời thực.

Với hình ảnh gợi cảm hứng từ nhạc folk Mỹ thập niên 70, Velvet Sundown nhanh chóng thu hút sự chú ý.

Giới thiệu ban đầu mô tả họ là một “dự án âm nhạc tổng hợp được chỉ đạo bởi con người”, khiến công chúng tin rằng đây là một nhóm nhạc thực thụ. Những bản nhạc mộc mạc, hoài cổ đã giúp nhóm đạt hơn 1 triệu lượt phát chỉ trong vòng vài tuần.

Tuy nhiên, danh tính thật sự của nhóm bắt đầu bị đặt dấu hỏi khi một người tự nhận là "trợ lý dự án" bất ngờ tiết lộ rằng toàn bộ âm nhạc của Velvet Sundown được tạo ra bởi nền tảng AI Suno. Người này gọi đây là một "trò lừa bịp nghệ thuật".

Trước cáo buộc này, các tài khoản mạng xã hội của nhóm ban đầu lên tiếng phủ nhận. Nhưng không lâu sau đó, họ đã chính thức xác nhận: Velvet Sundown là một sản phẩm được tạo ra bởi AI, và tự mô tả mình là “không hẳn con người, cũng không hoàn toàn là máy móc”.

Thông tin gây chấn động này nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng nghe nhạc, đồng thời làm bùng lên những tranh cãi dữ dội về ranh giới giữa nghệ thuật của con người và sản phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra.

Ban nhạc trên Spotify gây tranh cãi vì là sản phẩm của AI - ảnh 2
Velvet Sundown thu hút hơn một triệu lượt phát trên Spotify trước khi công bố là sản phẩm của AI

Ngành âm nhạc lo ngại bị "vượt mặt" trong im lặng

Việc một “ban nhạc ảo” có thể tiếp cận hàng triệu người nghe mà không có nghệ sĩ thật nào đứng sau khiến giới âm nhạc lo ngại. Nhiều ý kiến cho rằng các nền tảng phát nhạc như Spotify cần phải dán nhãn rõ ràng khi nội dung được tạo bởi AI để người nghe không bị đánh lừa.

Ông Roberto Neri, CEO của Học viện Ivors (Anh), cảnh báo rằng điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tác giả và tính minh bạch trong ngành: “Những ban nhạc như Velvet Sundown tiếp cận một bộ phận khán giả lớn mà không có người sáng tạo nào thực sự tham gia. Nếu không minh bạch, quyền lợi của nghệ sĩ sẽ bị tổn hại.”

Đồng quan điểm, bà Sophie Jones, Giám đốc chiến lược của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Anh (BPI), kêu gọi ban hành các quy định chặt chẽ hơn về bản quyền. Theo bà, AI nên đóng vai trò hỗ trợ con người trong sáng tạo nghệ thuật, chứ không phải thay thế hoàn toàn.

Những lo ngại này không phải không có cơ sở. Nhà báo Liz Pelly cho rằng nghệ sĩ độc lập đang đối mặt với nguy cơ bị AI "học lỏm" chất liệu âm nhạc của họ để tạo ra sản phẩm cạnh tranh mà không có sự cho phép hay đền bù.

Bà Liz Pelly dẫn chứng vụ việc năm 2023, khi một ca khúc sử dụng giọng hát giả mạo của The Weeknd và Drake lan truyền mạnh trên TikTok và Spotify, trước khi bị Universal Music yêu cầu gỡ bỏ.

Trước thực trạng đó, các nền tảng phát nhạc vẫn chưa thống nhất về cách phản ứng.

Trong khi Spotify hiện chưa có chính sách dán nhãn nhạc do AI tạo ra, thì Deezer lại chủ động hơn: họ cho biết đang sử dụng phần mềm để phát hiện và gắn thẻ các bản nhạc do AI tạo ra, đồng thời loại bỏ những bản bị đánh giá là “lừa đảo”, vốn chiếm tới 70% lượng nhạc AI trên nền tảng này.

Theo ông Aurélien Hérault, Giám đốc đổi mới của Deezer, đây là giai đoạn mà âm nhạc do máy móc tạo ra ngày càng tiệm cận nghệ thuật của con người. “Chúng ta đang bước vào thời kỳ "tự nhiên hóa AI". Chính vì vậy, người nghe càng cần được thông báo rõ ràng khi AI được sử dụng,” ông nhấn mạnh.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc