Triển lãm tranh họa sĩ Ngọc Thọ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
VHO - Lễ khai mạc triển lãm bộ sưu tập tranh của cố họa sĩ Ngọc Thọ vừa diễn ra chiều 6.1 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhân dịp này, cuốn sách tranh về sự nghiệp mỹ thuật của cố họa sĩ cũng được ra mắt nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông.
Triển lãm tranh của họa sĩ Ngọc Thọ thu hút công chúng và giới nghề đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Triển lãm do họa sĩ Phạm Thị Yên Hòa, vợ cố họa sĩ Ngọc Thọ và các nhà sưu tập tổ chức. Triển lãm giới thiệu hơn 50 tác phẩm trên chất liệu sơn mài, sơn dầu, màu nước, bột màu, tranh giấy…
Họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) quê ở Bình Thuận. Năm 1945, ông tham gia chiến đấu tại Sở Hỏa xa Nha Trang, rồi trở thành bộ đội Cụ Hồ và tập kết ra Bắc. Ông là một trong 76 học viên của Khóa Tô Ngọc Vân (1955 – 1957). Từ năm 1957 - 1962, ông là 1 trong 12 người đầu tiên học khóa Cao đẳng 1 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam; 1 trong 3 người đầu tiên học chuyên ngành sơn mài. Tốt nghiệp ra trường, ông trở thành giảng viên tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), gắn bó với nghiệp vẽ và nghề giáo cho đến lúc về hưu năm 1986.
Họa sĩ Ngọc Thọ được giới chuyên môn đánh giá cao bởi tài năng, cá tính và nghị lực. Đặc biệt, lối vẽ nét thảo sáng trên nền đỏ và đen của ông được nhiều người ca ngợi, bởi chỉ những họa sĩ vững nghề, có tư duy và kỹ năng đa dạng mới thể hiện được. Qua bộ sưu tập tranh được trưng bày tại cuộc triển lãm này, người xem có thể gặp những bức tranh mà Ngọc Thọ đã sáng tác trải dài từ thời kỳ đầu tiên cho đến thời kỳ cuối cùng của ông, bằng nhiều chất liệu: chì, màu nước, bột màu, mực nho, phấn màu, sơn dầu, sơn mài, đặc biệt các tác phẩm sơn mài từ cuối những năm 70 đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước - thời kỳ mà nghệ thuật vẽ sơn mài của ông đạt tới tự do nhất, giàu cảm xúc và tính sáng tạo nhất, với nhiều thành tựu nổi bật nhất.
Tranh của họa sĩ Ngọc Thọ
Một số tranh sơn mài vẽ thiếu nữ áo dài hoặc các con giống như ngựa, dê, hổ, nhất là tranh ngựa của ông ở thời kỳ này tưởng như có thể đã hình thành nên một “thể loại” sơn mài riêng biệt mang tên “Ngọc Thọ”, khi hội họa sơn mài dường như đã được ông đưa tới một vùng xa lạ, nằm giữa phương Đông và phương Tây, vừa tân kỳ vừa cổ kính, vừa có sức va đập mạnh lại vừa vang vọng, ngân nga… Ngọc Thọ xứng đáng là một trong số không nhiều họa sĩ mà càng ngày chúng ta càng cần tìm để hiểu những giá trị phát triển nội tại của nền hội họa Việt Nam trên bước chuyển từ hiện đại đến đương đại.
Tranh của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhiều bộ sưu tập tư nhân trong nước, quốc tế. Ông có nhiều tác phẩm được trao giải thưởng mỹ thuật như: tác phẩm sơn mài "Ngựa" và sơn dầu "Hổ", hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; tác phẩm sơn mài "Người con gái Việt Nam", sáng tác năm 1984, giải Nhất triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 1989; tác phẩm sơn mài "Long Hổ", sáng tác năm 1984, được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng Hội Mỹ thuật Ba Lan trong Triển lãm giao lưu văn hóa quốc tế 12 nước xã hội chủ nghĩa; tác phẩm sơn mài "Ngóng đợi", sáng tác năm 1984, tham gia Triển lãm 12 nước xã hội chủ nghĩa năm 1984 tại Tiệp Khắc, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Ba Lan.
Tác phẩm "Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ của nhân dân ba miền Bắc, Trung, Nam", chất liệu đá dăm nhuộm sơn màu, công bố năm 1970, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao tặng giải thưởng vì đã đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước năm 1981; tác phẩm sơn mài "Rồng Thăng Long" được giải Diplôme do Cộng hòa Dân chủ Đức trao tặng tại Hội chợ Lepzic, Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô năm 1992…
Với những cống hiến của mình cho đất nước và cho nghệ thuật, họa sĩ Ngọc Thọ đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 14.1.2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
PHƯƠNG ANH, ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp