Một bạn trẻ “tiếp sức” truyền tải văn hoá Việt

VHO- Trên dải đất hình chữ S có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, thế nhưng bao nhiêu người trong số chúng ta có thể định dạng được chính xác tất cả các dân tộc này? Câu trả lời là không nhiều. Qua loạt hình vẽ emoji (biểu tượng cảm xúc) độc đáo, họa sĩ Nguyễn Minh Ngọc muốn truyền cảm hứng cho giới trẻ tìm hiểu sâu hơn về văn hóa và con người các dân tộc Việt Nam.

Một bạn trẻ “tiếp sức” truyền tải văn hoá Việt - Anh 1

 B emoji v trang phc truyn thng các dân tc Việt Nam

 Emoji là ngôn ngữ tượng hình phổ biến trong cuộc sống hiện đại, được nhiều người, nhất là các bạn trẻ sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, khi muốn nói về Việt Nam lại không có nhiều “từ vựng” dạng này, “vì thế, mình muốn tự tay tạo dấu ấn Việt Nam trong kho tàng ngôn ngữ emoji toàn cầu, qua đó giới thiệu các giá trị văn hóa quê hương cho các bạn trong nước chưa biết tới, sau đó là bạn bè quốc tế”, họa sĩ Nguyễn Minh Ngọc (sinh năm 1993, hiện sinh sống tại Singapore) cho biết.

Dễ dàng tìm hiểu về trang phục các dân tộc

Một bạn trẻ “tiếp sức” truyền tải văn hoá Việt - Anh 2

 Trang phc ca ph n dân tc Lô

Những ngày đầu tháng 8, bộ emoji khắc họa trang phục truyền thống 54 dân tộc Việt Nam của Minh Ngọc đã thu hút hàng chục nghìn người yêu thích và chia sẻ. Dự án được lên ý tưởng từ khoảng tháng 12.2019, song phải đến tháng 4.2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Singapore, Nguyễn Minh Ngọc mới có nhiều thời gian ở nhà và chính thức bắt tay vào thiết kế. Họa sĩ trẻ cho biết, kiến thức về các dân tộc hay nguồn tìm hiểu không nhiều nên anh đã xuất phát từ kênh chung nhất là Google. “Những kênh thông tin khá rời rạc, không đầy đủ và đòi hỏi kiểm tra chéo rất nhiều. Có những dân tộc quá nhiều tư liệu như Kinh, Thái, Mông, Chăm..., mình phải đọc kỹ, chắt lọc, lựa chọn xem đâu là thông tin chuẩn xác, nên sử dụng. Ngược lại, một số dân tộc lại quá ít thông tin, có kênh tư liệu để tên dân tộc này nhưng lại dùng hình của dân tộc khác, đọc miêu tả thì hoàn toàn không khớp với hình. Hoặc nói về cùng một dân tộc nhưng mỗi trang lại đưa ra một thông tin khác nhau”.

Qua khảo sát, tìm hiểu, Nguyễn Minh Ngọc thấy rằng, với người dân Việt Nam, “54 dân tộc anh em” là cụm từ quen thuộc, nhưng đa phần người dân lại khá mù mờ về thông tin, không nhiều người có thể kể hết tên các dân tộc thiểu số. “Mình suy nghĩ, đã gọi là “anh em” thì nên biết về nhau rõ hơn một chút. Chính điều đó đã thôi thúc mình hoàn thiện sản phẩm nhanh hơn, nhằm giới thiệu đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ”. Có lần, Minh Ngọc vào trang mạng xem nội dung miêu tả về dân tộc Chứt, nhưng toàn bộ hình ảnh trong đó hóa ra lại thuộc về người Dao. Giả sử, nếu có ai đó không đào sâu nghiên cứu, đặt câu hỏi hoài nghi mà tin ngay những gì trang đó viết rồi nhầm lẫn thì sẽ rất tai hại. Chính vì quá trình thực hiện bắt gặp nhiều sự sai lệch ấy, Minh Ngọc càng nhận ra sự cần thiết phải có một trang thông tin về các dân tộc, giúp mọi người hiểu chuẩn xác hơn về văn hóa và con người Việt Nam.

Một bạn trẻ “tiếp sức” truyền tải văn hoá Việt - Anh 3

 Ha sĩ tr Nguyn Minh Ngc "phc dng" trang phc truyn thng ca 54 dân tc Vit Nam bng ngôn ngữ emoji

Dùng thứ nhỏ bé để truyền tải thông điệp văn hóa

Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ, anh đã đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong thời gian thực hiện dự án, thực sự ấn tượng vì văn hóa dân tộc “giàu có” hơn những gì anh nghĩ trước đó. Thường khi nói đến trang phục dân tộc, mọi người tưởng tượng ngay ra họa tiết hoa văn của người Mông, Dao, Thái... vì đã xuất hiện trên phương tiện truyền thông khá nhiều. Nhưng có những trang phục mang vẻ đẹp rất lạ và độc đáo như dân tộc Bố Y nổi bật với màu áo bạc hà xanh, đội khăn có hoa; dân tộc Lô Lô với hoa văn tam giác ngang ngực ghép vào nhau, khác hẳn với họa tiết hoa văn trang trí đường viền có ở các dân tộc khác... “Mình từng nghe và yêu thích bài hát “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến nhưng phải đến khi làm dự án mới biết Chapi là nhạc cụ truyền thống của dân tộc Raglai. Nó vốn là chiếc đàn của người nghèo, nhỏ bé nhưng mô phỏng lại âm thanh của cả một dàn mã la (bộ gõ) đắt tiền. Hiện, ở Việt Nam chỉ còn duy nhất một nghệ nhân là ông Chamaléa Âu biết làm đàn Chapi”, Minh Ngọc nói và chia sẻ, cũng nhờ dự án này, anh còn biết thêm nhiều tập tục như lễ hội nhảy lửa kỳ bí của người Pà Thẻn ở Hà Giang hay tục “cướp giọng gà” đón năm mới của người Pu Péo ở Đồng Văn...

Càng hiểu biết nhiều hơn về văn hóa các dân tộc, Minh Ngọc càng mong muốn được truyền tải đến với đông đảo mọi người. Anh đang lên kế hoạch đưa bộ emoji “54 dân tộc anh em” vào sử dụng trên mạng xã hội, nhưng hướng khai thác chính là nhằm vào giáo dục, bằng cách tạo ra một trang web giúp mọi người có thể thông qua hình vẽ biểu tượng nhỏ bé đó để đọc được thông tin về đặc điểm, đời sống văn hóa của từng tộc người. “Với bộ emoji về 54 dân tộc Việt Nam, mình không muốn “ép” mọi người phải tiếp thu một lượng kiến thức khổng lồ mà thay vào đó được chia thành những “miếng nhỏ” vừa ăn, hình thức đẹp mắt, gợi mở hứng thú để người đọc tự tìm hiểu, khám phá sâu hơn. Trong tương lai, mình cũng sẽ làm các emoji về món ăn, danh lam thắng cảnh, nhạc cụ và các ngành nghề đặc trưng ở Việt Nam, để qua đó, kế hoạch bắc một cây cầu, dùng những thứ nhỏ bé để truyền tải thông điệp lớn hơn về văn hóa dân tộc”, Nguyễn Minh Ngọc nói. 

 THU LÊ

Ý kiến bạn đọc