Lần đầu triển lãm tác phẩm của các họa sĩ hàng đầu Việt Nam: Hai tiêu chí: Tranh chất lượng và bán được
VHO- Lần đầu “đơn thương độc mã” làm giám tuyển cho cuộc triển lãm tôn vinh 20 gương mặt họa sĩ hàng đầu trên thị trường mỹ thuật Việt, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) chia sẻ mong muốn đây sẽ là hoạt động có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của thị trường mỹ thuật Việt Nam, tôn vinh những gương mặt sáng giá đã có nhiều đóng góp cho nền hội họa, cũng là những cái tên có số lượng tranh bán thuộc hàng “best seller”.
Họa sĩ Thành Chương, gương mặt sẽ tham gia triển lãm
Triển lãm tác phẩm của 20 họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật sẽ khai mạc vào trung tuần tháng 4.2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tranh đẹp và bán chạy
Họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết, các họa sĩ được lựa chọn xuất hiện trong triển lãm phải đảm bảo hai tiêu chí: Tranh có chất lượng nghệ thuật và bán chạy. Việc lựa chọn những gương mặt “hot” để mời tham gia triển lãm lần này là kết quả sau hàng chục năm theo dõi nhịp đập thị trường mỹ thuật của họa sĩ. “Từ kinh nghiệm bản thân cùng với việc tham khảo thêm ý kiến của nhiều anh em nghệ sĩ, thông qua các gallery và kênh truyền thông, tôi đã trực tiếp gửi giấy mời và công khai danh sách 20 họa sĩ được lựa chọn tham gia triển lãm. Tất cả là họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam và có lượng tranh tiêu thụ tốt trên thị trường”, họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ.
Cái khó là thuyết phục những họa sĩ được đánh giá ở “hàng đầu” theo tiêu chí đưa ra của triển lãm. Riêng khái niệm “hàng đầu” cũng khiến cho người trong giới tranh cãi, nhưng nung nấu ý tưởng sẽ tạo ra một dấu ấn, có ý nghĩa như một cú hích thúc đẩy thị trường mỹ thuật phát triển đã khiến họa sĩ Vi Kiến Thành quyết tâm bắt tay tổ chức cuộc triển lãm, và xác định sẽ đương đầu với nhiều tranh cãi. Danh sách 20 họa sĩ được mời tham gia triển lãm gồm nhiều tên tuổi sáng giá. Phía Bắc có Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Bùi Hữu Hùng, Lê Thanh Sơn, Đinh Quân, Thành Chương, Trần Lưu Hậu, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phạm Luận, Phạm An Hải, Vũ Đình Tuấn. Phía Nam có các họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Trần Văn Thảo, Nguyễn Tấn Cương, Hứa Thanh Bình, Lê Kinh Tài.
Ông Thành cho biết thêm, có một họa sĩ xin rút khỏi danh sách vào phút chót nên triển lãm sẽ chỉ trưng bày tác phẩm của 19 họa sĩ. Phía Nam còn có họa sĩ Đỗ Quang Em cũng được mời nhưng vì lớn tuổi nên tác giả này không tham gia. Ngoài ra, có một số họa sĩ mới nổi lên 2, 3 năm nay, bán được tranh trên thị trường nhưng chưa lọt “mắt xanh” của giám tuyển.
Tranh của họa sĩ Đào Hải Phong được tiêu thụ tốt trên thị trường mỹ thuật nhiều năm qua
Nghệ thuật- Thị trường không thể tách bạch
Mong muốn khẳng định ảnh hưởng của các tên tuổi nghệ sĩ hàng đầu đối với thị trường mỹ thuật Việt Nam, giám tuyển triển lãm khẳng định, loại hình nghệ thuật nào cũng vậy, nếu không có khán giả, không có thị trường thì không thể phát triển bền vững. Lâu nay, nhiều họa sĩ vẫn quan niệm chỉ cần có chất lượng nghệ thuật mà quên mất sứ mệnh của nghệ thuật cuối cùng là phục vụ khán giả, phục vụ nhân dân.
“Cứ nói phim hay lắm, tranh đẹp lắm mà công chiếu không ai xem, triển lãm không ai ngắm, tranh không bán được thì sao có thể nói rằng phim hay, tranh đẹp. Thế nào là hay, là tốt thì phải lưu ý yếu tố người xem, khả năng tiêu thụ tác phẩm. Giữ mãi quan niệm cũ, thị trường mỹ thuật Việt Nam đã phải trả giá vì sự trầm lắng bao nhiêu năm qua. Họa sĩ hàng đầu theo tiêu chí của triển lãm không chỉ cần có chất lượng tranh tốt mà còn phải bán được. Người ta không mua thì đổ vấy cho trình độ thưởng thức, đó là suy nghĩ hẹp hòi và thiển cận, không phù hợp xu thế phát triển”, ông Thành nhấn mạnh. Giám tuyển triển lãm cũng viện dẫn quan điểm về thị trường mỹ thuật của họa sĩ Thành Chương, một trong những gương mặt tham gia triển lãm: Sẽ không có ai chịu bỏ tiền mua tranh nếu như tác phẩm đó không tốt, không hấp dẫn, không nói lên được khát vọng, suy nghĩ, mong muốn của người ta đối với tác phẩm đó. Họa sĩ cứ nói tranh của tôi nghệ thuật lắm, nhưng có đúng hay không thì phải căn cứ vào thị trường.
Nhiều ý kiến đồng quan điểm cho rằng việc tiêu thụ, bán được tranh không thể tách rời với tên tuổi, sự thành công của các họa sĩ, nhất là với mong muốn thúc đẩy thị trường mỹ thuật phát triển, gắn với sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Bởi công nghiệp văn hóa không phải là lý thuyết cao siêu mà cuối cùng là mang lại những sản phẩm có thể tiêu thụ được, được biết đến và tạo thành thương hiệu.
Họa sĩ Vi Kiến Thành cũng cho biết, một mình chịu trách nhiệm giám tuyển, lựa chọn những cái tên “sừng sỏ” của triển lãm này là khá kỳ công. Riêng đánh giá, thẩm định việc tiêu thụ tranh của từng họa sĩ, ông cũng phải thông qua nhiều kênh như quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí tìm đến các gallery để tìm hiểu họa sĩ nào bán được nhiều, một năm họ bán được bao nhiêu tranh. “Cái này rất khó khai thác, nhiều địa chỉ giữ bí mật, cho nên để có thông tin tin cậy không dễ dàng gì. Ngoài ra còn có một kênh khác là qua truyền thông, báo chí để có thông tin về các cuộc đấu giá ở nước ngoài, giúp giám tuyển biết được những họa sĩ đã tham gia các sàn đấu giá tên tuổi trên thế giới, cũng như việc định giá tranh của họ ra sao...”, ông Thành tiết lộ.
Khẳng định triển lãm quy tụ gần như đầy đủ những gương mặt nổi bật của thị trường mỹ thuật Việt Nam đương đại, ông Vi Kiến Thành chia sẻ, chắc sẽ có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh những lựa chọn này. Tuy nhiên, bản thân ông mong muốn sẽ có những giám tuyển khác, dũng cảm và chấp nhận va đập để tiếp tục đề cử các nhóm họa sĩ hàng đầu khác, theo những tiêu chí khác. Như vậy sẽ tạo nên một loạt sự kiện sôi động, nhen lửa cho sự phát triển của thị trường mỹ thuật dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Bởi dù dưới quan điểm nào thì sâu xa nhất vẫn là mong muốn thúc đẩy thị trường, thay đổi quan niệm tách bạch giữa nghệ thuật và thị trường.
Nhận định về tính ưu việt của cách làm giám tuyển so với mô hình quen thuộc là Hội đồng nghệ thuật, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết, tính chất của mỗi cuộc triển lãm sẽ phù hợp với một mô hình khác nhau. “Với triển lãm tôn vinh những gương mặt họa sĩ hàng đầu của thị trường mỹ thuật Việt thì cách làm giám tuyển là phù hợp. Tuy nhiên, người ngồi “ghế nóng” thì phải chấp nhận sự nhạy cảm, dám làm dám chịu. Nếu chỉ muốn vui vẻ, được lòng hết thảy thì không thể làm giám tuyển được...”.
Cứ nói phim hay lắm, tranh đẹp lắm mà công chiếu không ai xem, triển lãm không ai ngắm, tranh không bán được thì sao có thể nói rằng phim hay, tranh đẹp. Thế nào là hay, là tốt thì phải lưu ý yếu tố người xem, khả năng tiêu thụ tác phẩm. Giữ mãi quan niệm cũ, thị trường mỹ thuật Việt Nam đã phải trả giá vì sự trầm lắng bao nhiêu năm qua. Họa sĩ hàng đầu theo tiêu chí của triển lãm không chỉ cần có chất lượng tranh tốt mà còn phải bán được. Người ta không mua thì đổ vấy cho trình độ thưởng thức, đó là suy nghĩ hẹp hòi và thiển cận, không phù hợp xu thế phát triển. (Họa sĩ VI KIẾN THÀNH)
|
BẢO ANH