Khai mạc trại sáng tác mỹ thuật Đồ họa tranh in
VHO - Tối 21.4, tại TP.HCM đã khai mạc Trại sáng tác và Hội thảo “Đồ họa tranh in Việt Nam - Quốc tế 2021”. Sự kiện do Trường ĐH Văn Lang chủ trì tổ chức với sự đồng hành của Hội Mỹ thuật TP.HCM và Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM.
Trại sáng tác năm 2021 sẽ diễn ra từ ngày 21-30.4, sau đó các tác phẩm sẽ được triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM
Đây là lần thứ ba Trường ĐH Văn Lang tổ chức hoạt động trại sáng tác và triển lãm quốc tế. Trước đó, vào tháng 5.2020, triển lãm thiết kế mỹ thuật quốc tế ICAD 2020 (phiên bản online) do Trường chủ trì tổ chức, với sự đồng hành của Hiệp hội Nghiên cứu - Thiết kế Hàn Quốc và ĐH Handong đã quy tụ gần 400 tác phẩm nghệ thuật của các chuyên gia và sinh viên đến từ 13 quốc gia trên thế giới. Năm 2019, Khoa Mỹ thuật và Thiết kế Trường ĐH Văn Lang cũng chủ trì tổ chức Trại sáng tác quốc tế “Art for Society”, quy tụ hơn 70 họa sĩ lớn trong nước và quốc tế, tạo ra hơn 80 tác phẩm nghệ thuật giá trị.
Woman of Mekong của Kristoffer Brasileno (tác phẩm tại trại sáng tác quốc tế năm 2019)
Giao hòa của Đỗ Lệnh Hùng Tú (tác phẩm tại trại sáng tác quốc tế năm 2019)
Chương trình Trại sáng tác năm 2021 sẽ diễn ra từ ngày 21.4-30.4, tại Cơ sở 3 Trường ĐH Văn Lang với sự tham gia của 69 trại viên đến từ Hội Mỹ thuật TP.HCM (20 người), Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM (8 người), Khoa Mỹ thuật và Thiết kế Trường ĐH Văn Lang (41 người). Sau khi kết thúc trại sáng tác, các tác phẩm sẽ được triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 30.4-10.5, có kết hợp triển lãm online tại địa chỉ: http://gavi.vanlanguni.edu.vn/.
Với các tác giả quốc tế không thể đến Việt Nam do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tác phẩm sẽ được in ra triển lãm. Theo Ban Tổ chức, hiện đã có 20 tác phẩm gửi đến tham dự triển lãm, của tác giả đến từ các nước Lào, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Bên cạnh đó, chương trình hội thảo “Đồ họa tranh in Việt Nam - Quốc tế 2021” sẽ diễn ra vào 27.4.
GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM chia sẻ rằng đồ họa tranh in Việt Nam đã có bước chuyển mình tích cực
Các trại viên tham gia trại sáng tác mỹ thuật năm 2021
Chia sẻ tại buổi khai mạc trại sáng tác, GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM bày tỏ, hội nhập, toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đã tác động đến sự phát triển của mỹ thuật nói chung và nghệ thuật đồ họa tranh in nói riêng. Tại Việt Nam, dòng tranh in xuất hiện từ khá sớm. Mỹ thuật truyền thống Việt Nam luôn tự hào với dòng tranh khắc gỗ dân gian như: Tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh thờ Huế... Bên cạnh chất liệu khắc gỗ còn là các kĩ thuật in đá, in lưới, in kính, in kẽm... du nhập từ Châu Âu, mang lại sự hoàn chỉnh cho đồ họa tranh in Việt Nam hiện tại. Từ đầu thập niên 20, nghệ thuật đồ họa tranh in được mở rộng, tiếp xúc với khu vực và thế giới thông qua các dự án trao đổi, giao lưu, hội thảo, triển lãm workshop trong và ngoài nước. Giai đoạn 2008-2009 đến nay, đồ họa tranh in Việt Nam đã có bước chuyển mình tích cực và đáng kể về thể loại, nội dung, chất liệu, kỹ thuật chế bản, kỹ thuật in ấn, các xu hướng tạo hình, hình thức thể hiện và phương thức hoạt động của nghệ sĩ… làm thay đổi quan niệm, cái nhìn về nghệ thuật tranh in theo hướng tích cực và cởi mở, gây ấn tượng mạnh với các chuyên gia trong nước, quốc tế, và người yêu nghệ thuật. “Trại sáng tác cũng như các hoạt động trong chuỗi sự kiện lần này nhằm tạo sân chơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tăng cường năng lực sáng tạo của giới chuyên gia, các họa sĩ chuyên về đồ họa tranh in, sinh viên trong nước và quốc tế”, GS Tiên cho biết.
THÙY TRANG