Họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn: Người lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống qua "Miền ký ức"

VHO- Lặng lẽ tìm kiếm, gom góp và lưu lại những giá trị văn hóa truyền thống trong từng nét vẽ, cho đến tuổi gần 90, họa sĩ, Nghệ nhân nhân dân (NNND) Chu Mạnh Chấn mới có được cuộc triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của mình. Miền ký ức trưng bày hơn 30 tác phẩm được ông vẽ trong cả cuộc đời, sẽ mở cửa từ 26.3 đến 3.4.2021 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn: Người lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống qua

Họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn

Nhớ thương quá khứ

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên nhóm Nhân sĩ Hà Đông viết, có thể coi họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn như một người du hành xuyên thời gian, khi ông đang sống trong thời hiện đại nhưng những tác phẩm hầu như chỉ vẽ về một đời sống của quá khứ. Nói đúng hơn, họa sĩ Chu Mạnh Chấn là người đi phục dựng lại những vẻ đẹp văn hóa Việt đã bị lãng quên.

Họa sĩ Chu Mạnh Chấn sinh ra tại làng Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội. Với các văn nghệ sĩ xứ Đoài, ông thuộc thế hệ đàn anh, là thầy của nhiều nghệ nhân tài danh ở  các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Trước đây, ông làm giảng viên Trường Mỹ nghệ Hà Tây, chuyên sáng tác các mẫu cho các nghệ nhân khảm trai, sơn mài, mây tre đan...  ở các làng nghề; đồng thời ông cũng truyền  dạy cho các nghệ nhân biết về hội họa để có thể sáng tạo trong công việc của mình.

Họa sĩ Chu Mạnh Chấn cả đời gắn bó với làng quê, với những người nông dân chất phác. Ông mang ơn họ đã cho ông nguồn cảm hứng để sáng tạo và truyền nghề. Vì thế, được ghi danh NNND là vinh dự đối với cá nhân ông.

Họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn: Người lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống qua

Họa sĩ Chu Mạnh Chấn luôn đau đáu với những giá trị văn hóa truyền thống và đưa vào các tác phẩm hội họa của mình

Nghệ sĩ múa rối Chu Lượng, con trai NNND Chu Mạnh Chấn cho biết, hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu NNND cho nghệ nhân Chu Mạnh Chấn cũng do các học trò của ông làm giúp. “Cả đời bố tôi sống rất lặng thầm, không bị những yếu tố bên ngoài tác động”, nghệ sĩ Chu Lượng chia sẻ.

 Bên cạnh mảng thiết kế và giảng dạy mỹ thuật ứng dụng, nghệ nhân Chu Mạnh Chấn  là một họa sĩ sơn mài tài năng. Xem những sáng tác của ông, đa phần là hoài niệm, cái hoài niệm của một kẻ sĩ xứ Đoài.  Nghệ nhân Chu Mạnh Chấn sáng tác nhiều về làng quê, những bức tranh phong cảnh hữu tình, nên thơ, những lễ hội truyền thống giàu bản sắc... Những bức tranh sơn mài sâu thẳm,với chất liệu truyền thống của son, của quỳ vàng, quỳ bạc...  đã cùng ông lưu giữ lại vẻ đẹp xưa cũ, khi cuộc sống và những nhu cầu hiện đại đã dần lấy đi vẻ đẹp mộc mạc, giản dị mà vô cùng quý giá ấy.

Họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn: Người lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống qua

Họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn luôn dành trọn niềm đam mê trong từng bức vẽ 

 Nghệ sĩ múa rối Chu Lượng cho biết, triển lãm Miền ký ức trưng bày hơn 30 tác phẩm được NNND Chu Mạnh Chấn sáng tác trong suốt cuộc đời. Năm 2006, nghệ nhân Chu Mạnh Chấn cũng từng triển lãm chung với họa sĩ Tào Thành với một chủ đề mang tính hoài niệm: Ký ức quê hương. “Cả cuộc đời ông đều là những hoài niệm. Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến bố mình luôn đau đáu với những giá trị xưa cũ. Ông nuối tiếc vẻ đẹp của các di tích cổ, nét văn hóa xứ Đoài, những cổng làng, cây cầu, đình cổ... mà do chiến tranh  hay chính ý thức của con người đã tàn phá mà mai một đi. Bố tôi đã vẽ để lưu giữ lại tất cả những điều đó”, nghệ sĩ Chu Lượng chia sẻ.

Nghệ sĩ Chu Lượng cũng cho biết, anh đã nhiều lần lặng lẽ đứng xem bố vẽ. Có khi chỉ là một vòm cây nhưng ông có thể ngồi cả tuần lễ để chấm từng nét bút. “Tôi đã quay lại những hình ảnh đó để làm gương cho con, và cho chính mình. Có những bức vẽ ông đã dành đến 10 năm để hoàn thành, với trọn vẹn niềm đam mê”, nghệ sĩ Chu Lượng xúc động.  

Họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn: Người lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống qua

Hai cha con NNND Chu Mạnh Chấn và nghệ sĩ Chu Lượng

Tranh của NNND Chu Mạnh Chấn mang phong cách cổ điển, chân phương. Những bức tranh về phong cảnh, con người, phong tục tập quán của người Việt xưa được  ông cặm cụi ghi lại bằng ký họa chì, sơn dầu, thuốc nước, lụa, sơn mài. Miền ký ức là một dòng chảy thân thương, ghi dấu những vùng đất mà ông đã đi qua trong cuộc đời, từ xứ Đoài mây trắng đến miền núi Tây Bắc, Đông Bắc, những bản Mường với nét sinh hoạt đặc trưng của đồng bào các dân tộc...

Người đi xuyên thời gian

Sau khi rời bục giảng, có nhiều thời gian dành cho hội họa, họa sĩ, nghệ nhân Chu Mạnh Chấn bắt tay vào khôi phục những vẻ đẹp đã lãng quên trong những tác phẩm của mình.

Họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn: Người lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống qua

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã gọi NNND Chu Mạnh Chấn  là người cứu vớt và bảo vệ những vẻ đẹp truyền thống.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã gọi NNND Chu Mạnh Chấn  là người cứu vớt và bảo vệ những vẻ đẹp truyền thống. Bởi dù là người đang sống trong một thời đại công nghiệp nhưng những tác phẩm của ông hầu như chỉ vẽ về một đời sống của quá khứ. Hay nói đúng hơn, ông là người đi phục dựng lại những vẻ đẹp văn hóa Việt đã bị lãng quên. “Tôi luôn thấy ông từ hiện tại bước vào quá khứ để gọi tên những vẻ đẹp đã chìm sâu trong quên lãng thức dậy. Những lễ hội, những cảnh sinh hoạt văn hoá xưa hiện ra như chính nó đang tồn tại song song cùng chúng ta mà chưa từng biến mất. Rồi ông lại từ quá khứ trở về hòa vào đời sống hiện tại. Và khi vẽ một bức tranh mới, ông lại bước vào quá khứ. Ông giống như người đi xuyên thời gian...”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết.

Với Nguyễn Quang Thiều, những bức tranh có hơi thở nóng hổi của quá khứ và kỹ thuật sơn mài truyền thống điêu luyện đã mang tới cho họa sĩ Chu Mạnh Chấn một quyền năng làm sống lại những vẻ đẹp đã chết, hoặc bị vùi vào quên lãng của con người hiện đại. Nhà văn viết: “Trong những bức tranh vẽ lễ hội, tôi nhìn thấy gương mặt họa sĩ Chu Mạnh Chấn, thấy hơi thở của ông, thấy tiếng cười của ông, thấy ông đang đâu đó trong dòng người đi hội. Thấy ông ngồi xuống gẩy một khúc đàn, thấy ông cầm bút viết một bức thư pháp, thấy ông đang tĩnh lặng trong hương trầm, thấy ông náo nức trong một trò chơi dân gian, thấy ông tình tứ bên một thôn nữ, thấy ông chạy như một cậu bé….Tất cả những gì trong những bức tranh ấy là đời sống ông, là tâm hồn ông và là chính ông...”.

Họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn: Người lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống qua

Tranh sơn mài "Lễ hội chùa Thầy", tác phẩm đã được họa sĩ  thực hiện  trong nhiều năm.

Còn với một người bạn rất thân khác của nghệ sĩ Chu Lượng, nhà thơ Lương Tử Đức, bên trong người thầy mẫu mực về đạo đức, tài hoa nghệ thuật của Chu Mạnh Chấn luôn ẩn giấu một tâm hồn hoạ sĩ. Hoạ sĩ của đình, chùa, của lao động, chiến đấu và sản xuất... Hàng trăm bức tranh về con người núi rừng Tây Bắc, về đồng làng, ngõ xóm, đình chùa, đền miếu, nụ cười, ánh mắt của quê hương, Sông Hồng, Sông Đà, Núi Tản, hay những bức tranh hát ca trù như gửi tiếng đàn, hát, phách của lòng người vào đất trời sông núi.

Người du hành xuyên thời gian ấy đã vẽ hàng trăm bức tranh về xứ Đoài với niềm thương mến của một người con nặng tình với quê hương. Nhà thơ Lương Tử Đức nhận xét, xem tranh ông như nghe thấy tiếng đàn cổ cầm vang lên giữa đất trời, sông núi của một miền sơn thủy hữu tình.

Trong “gia tài” nghệ thuật được ông tích lũy, có những tác phẩm đặc biệt như bức tranh sơn mài "Lễ hội chùa Thầy", bức vẽ đã được ông tư duy và thực hiện  trong nhiều năm. Tác phẩm khổ lớn tới 4m x 2,5m đã tái hiện một lễ hội lớn nhất vùng xứ Đoài xưa, với dòng người trẩy hội tấp nập, những trò chơi dân gian truyền thống khắc họa nên khung cảnh sống động của một vùng sơn thuỷ hữu tình. Bức tranh này đã được nhà sưu tập trả giá tới 5 tỉ đồng nhưng gia đình ông từ chối bán.

Họa sĩ, NNND Chu Mạnh Chấn: Người lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống qua

Tác phẩm "Bản Mường" của họa sĩ Chu Mạnh Chấn

Không phải cho đến bây giờ, kể cả những giai đoạn cuộc sống gia đình có nhiều khó khăn nhất, họa sĩ Chu Mạnh Chấn cũng chưa một lần bán đi tác phẩm nghệ thuật nghệ thuật nào của mình. Trong ký ức, nghệ sĩ Chu Lượng vẫn nhớ như in những thời gian khó khăn đó, dù hoàn cảnh nào nghệ nhân Chu Mạnh Chấn vẫn luôn sống khiêm nhường, lặng lẽ. “Những thăng trầm thời cuộc, kể cả những guồng quay của kinh tế thị trường đều không tác động nhiều đến ông. Nhờ vậy, cho đến bây giờ gia đình chúng tôi vẫn lưu giữ được gần như trọn vẹn những tác phẩm mà ông đã vẽ”, nghệ sĩ Chu Lượng cho biết thêm.

Chủ nhân “Miền ký ức” thì mộc mạc tâm sự: “Tất cả những câu chuyện về quê hương trong tranh của tôi đã sống cùng tôi suốt từ tuổi niên thiếu đến khi trưởng thành, cho đến nay. Đó là tình cảm, đạo đức thiêng liêng sâu đậm, là sinh lực nuôi dưỡng tâm hồn tôi; đó là khát vọng nối tiếp truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương tôi. Tôi muốn lưu giữ lại tất cả biết bao thương nhớ ấy…”.

BẢO PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc