Già, trẻ cùng làm không gian văn hoá sáng tạo

VHO- Nhắc đến các không gian văn hóa sáng tạo thường khiến mường tượng đến những không gian do giới trẻ sáng lập, với các ý tưởng táo bạo và thậm chí điên rồ. Nhưng tại hội thảo “Vai trò của không gian văn hóa và sáng tạo trong nền kinh tế sáng tạo Việt Nam” , các ý kiến đa chiều đã cho thấy đối tượng và sự ảnh hưởng của các không gian sáng tạo có thể mở ra từ nhiều phía. Trong đó, có những không gian được sáng lập và vận hành bởi những người đã... về hưu nhưng luôn tràn đầy sức sống.

Già, trẻ cùng làm không gian văn hoá sáng tạo - Anh 1

 Hình ảnh tại không gian triển lãm Nghệ thuật thị giác của Heritage Space

 Hội thảo do Bộ VHTTDL phối hợp với Hội đồng Anh và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.

Cơ hội cho những không gian sáng tạo

Theo Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward, văn hóa với vai trò quan trọng vừa là nhân tố hỗ trợ, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững, thu hút sự tham gia của các cộng đồng, khuyến khích xã hội phát triển đồng đều và ổn định. Dự án Không gian văn hóa sáng tạo của Hội đồng Anh cũng hướng tới việc tạo dựng mạng lưới, khuyến khích tính đa dạng trong biểu đạt nghệ thuật, thúc đẩy sự sáng tạo, thưởng thức và tiếp cận văn hóa tại Việt Nam.

Việt Nam đang chứng kiến tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cùng với sự bùng nổ của thành phần dân số trẻ. Đi cùng với thực tế này là một nền kinh tế sáng tạo phát triển, đặc biệt ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Chiến lược Quốc gia về Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng đã mở ra một triển vọng phát triển và tăng trưởng cho nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa cho rằng, trước đây khi nói về sức mạnh mỗi quốc gia, người ta hay nói về thực lực kinh tế, quân sự, dân số, tài nguyên, nhưng ngày nay người ta lại nói nhiều về “sức mạnh mềm”. Trong đó, văn hóa có vai trò quan trọng, thể hiện sức mạnh tiềm tàng và vị thế, tầm vóc của một dân tộc. “Công nghiệp văn hóa sáng tạo đòi hỏi phải thay đổi tư duy cũ, khi coi văn hóa chỉ nhận sự trợ cấp chứ không phải là một ngành kinh tế có đầu tư và sinh lợi nhuận. Văn hóa cần phải được coi là một bộ phận của nền kinh tế”.

Nhiều quốc gia đã và đang thay đổi tư duy quản lý, đề ra chính sách phát triển văn hóa. Văn hóa đã được đầu tư với vai trò là một ngành kinh tế trọng yếu trong phát triển kinh tế của đất nước, đổi mới tư duy về văn hóa đã đưa đến việc đầu tư và có chính sách cụ thể nhằm phát triển kinh tế thông qua văn hóa. Văn hóa cũng không còn là lĩnh vực xếp cuối trong danh sách đầu tư và xếp đầu tiên trong danh sách cắt giảm ngân sách...”, bà Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm, hội thảo là một “kênh” thiết thực để các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách trao đổi với người điều hành, quản lý các không gian văn hóa sáng tạo nhằm thúc đẩy các không gian này. Đây cũng là cơ hội kết nối không gian văn hóa sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm các nước châu Âu để vận dụng vào Việt Nam. “Với vai trò nuôi dưỡng sáng tạo, đổi mới, các không gian văn hóa sáng tạo là yếu tố then chốt để phát triển công nghiệp sáng tạo nói chung và công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Việt Nam cần được quan tâm đầu tư và thực hiện tốt hơn...”, bà Hoàng Thị Hoa khẳng định.

Trẻ, già cùng sáng tạo

Chuyện của các không gian văn hóa sáng tạo là phần sôi nổi và được đón nhận nhiều nhất ở hội thảo. Heritage Space (Hà Nội), Many Studio (Glasgow, Anh), Hanoi Grapevine (Hà Nội), STPLN (Malmo, Thuỵ Điển), Trung tâm Tây Nguyên (Buôn Ma Thuột), Base (Milan, Italia), Sàn Art (TP.HCM), Gặp gỡ mùa thu (Đà Nẵng), Trung tâm Nghệ thuật đương đại VICAS (Hà Nội), Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES)... là những không gian văn hóa sáng tạo đã mang đến nhiều câu chuyện thú vị. Nhiều ý tưởng táo bạo, thậm chí điên rồ đã được hé lộ.

Út Quyên, đại diện Không gian sáng tạo Heritage Space (Hà Nội) không ngại ngần khi tự cho rằng Heritage Space là một trong những không gian văn hóa sáng tạo “điên rồ” nhất, thế nhưng Heritage Space cũng tự hào khi trở thành một địa chỉ thu hút đông đảo các nghệ sĩ tham gia các hoạt động sáng tạo và thực hành nghệ thuật ở đây. Điểm nhấn của không gian này chính là hoạt động tháng thực hành nghệ thuật, với chương trình lưu trú cho các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, kết thúc là một cuộc triển lãm.

Có lẽ câu chuyện nhận được nhiều hào hứng nhất là hoạt động của Trung tâm Tây Nguyên được bà Linh Nga Nie Kdam chia sẻ. Đây là địa chỉ không gian văn hóa sáng tạo hiếm hoi được thành lập và duy trì với một đội ngũ trí thức dân tộc Êđê, hầu hết đã hoặc sắp... về hưu. “Già, nhưng nhiều kinh nghiệm. Trung tâm Tây Nguyên luôn mong mang những kinh nghiệm đó giúp cho cuộc sống của các dân tộc Tây Nguyên hạnh phúc hơn. Trung tâm đến nay đã trở thành cây cầu kết nối các trí thức, nghệ nhân, những “báu vật nhân văn sống” của đồng bào dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên. Chỉ cần một cú nhấp chuột là chúng tôi đã có thể tìm được rất nhiều sự kết nối...”, bà Linh Nga Nie Kdam cho biết.

Xuất phát từ cộng đồng, hoạt động của Trung tâm Tây Nguyên cũng có cách thức khá đặc biệt. Trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Trung tâm đã gặp gỡ 600 người dân các dân tộc trên địa bàn để hỏi: “Chúng ta cần gìn giữ những gì?”. “Chính cộng đồng đã cho chúng tôi nhiều ý kiến thiết thực để từ đó Trung tâm Tây Nguyên xây dựng đề án bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên...”, vẫn bà Linh Nga Nie Kdam..

HÀ PHƯƠNG

 

 

 

Ý kiến bạn đọc