Bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia: Đừng để sai một ly đi một dặm
VHO- Câu chuyện bảo vật quốc gia tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bị hư hại nghiêm trọng do sai phương pháp tu sửa, theo giới chuyên môn, đây vừa là nỗi đau nhưng cũng là tiếng chuông cảnh báo đối với công tác bảo quản bảo vật quốc gia.
Sau văn bản số 1909/BVHTTDL-DSVH của Bộ VHTTDL yêu cầu lên kế hoạch bảo vệ bảo vật quốc gia ở chế độ đặc biệt, bài toán bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nơi đang sở hữu 9 bảo vật quốc gia, những năm qua luôn đặt biện pháp ưu tiên số một là công tác bảo quản phòng ngừa. Đây là biện pháp mang tính ngăn chặn hư hại, xuống cấp, không để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Tác phẩm "Hai thiếu nữ và em bé "của họa sĩ Tô Ngọc Vân
Nhiều thách thức
Chín bảo vật quốc gia thuộc sở hữu của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là những tác phẩm đặc biệt giá trị của nền mỹ thuật Việt Nam... Báo cáo thực trạng công tác bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam gửi Cục Di sản văn hóa cho biết, 9 bảo vật quốc gia hiện đang được trưng bày thường xuyên cùng với các hiện vật giá trị khác của Bảo tàng; có sử dụng khung, bục bệ, tủ kính, dây ngăn cách… để đảm bảo tính thẩm mỹ và giữ khoảng cách an toàn với khách tham quan.
Chia sẻ công việc bảo tồn tác phẩm hội họa nói chung, bảo vật quốc gia nói riêng, bà Trần Thị Hương, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, công tác bảo vệ đối với hệ thống hiện vật trưng bày, trong đó có các bảo vật quốc gia luôn được đơn vị đặc biệt quan tâm. Bảo tàng bố trí các phương tiện phòng chống cháy nổ tại chỗ theo quy định, định kỳ kiểm tra chặt chẽ, nghiêm ngặt. Đồng thời, lắp đặt hệ thống an ninh, camera theo dõi tại từng phòng trưng bày và ngoài sân vườn, đảm bảo có thể quan sát mọi vị trí trong khu vực bảo tàng; gắn chíp báo động riêng cho một sốbảo vật quốc gia được công nhận đợt 1… “Những đặc thù về chất liệu sáng tác của tác phẩm mỹ thuật luôn đòi hỏi bảo quản phải theo đúng tiêu chuẩn. Đơn vị sử dụng hệ thống điều hòa, hút ẩm, thông gió lắp đặt tại các phòng trưng bày nhằm giữ môi trường ổn định cho hiện vật. Hệ thống đèn chiếu sáng cảm ứng chuyên dụng ngoài việc đảm bảo giá trị thẩm mỹ còn góp phần bảo quản, giữ gìn tuổi thọ cho hiện vật.
Đặc biệt, cán bộ của các Phòng Trưng bày-giáo dục, Phòng Kiểm kê bảo quản, Trung tâm Tu sửa tác phẩm mỹ thuật thường xuyên theo dõi tình trạng hiện vật, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình trạng thay đổi của hiện vật trên hệ thống trưng bày với lãnh đạo Bảo tàng để có phương hướng giải quyết, khắc phục sớm nhất...”, bà Hương cho biết.
Câu chuyện bảo quản sai phương pháp dẫn đến hư hại tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM như hồi chuông cảnh báo cho các đơn vị lưu giữ bảo vật quốc gia. “Mỗi tác phẩm được đưa vào Bảo tàng đều là những di sản nghệ thuật vô giá, do vậy công tác bảo quản, phát huy giá trị rất cần được chú trọng, những bảo vật quốc gia càng cần có chế độ ưu tiên đặc biệt hơn. Chỉ sai một li đã đi một dặm, lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh.
Tác phẩm "Em Thuý " của họa sĩ Trần Văn Cẩn
Phòng hơn “chữa bệnh”
Thách thức đối với công tác bảo quản hiện vật, bảo vật quốc gia tại Bảo tàng hàng đầu về mỹ thuật không chỉ là những đặc thù chất liệu mà còn là điều kiện bảo quản. Hệ thống điều hòa không khí mà bảo tàng sử dụng hiện nay chưa phải là hệ thống điều hòa tổng, dẫn đến một số khó khăn trong quá trình vận hành. Đó là những lo lắng về hệ thống điện, về phòng chống cháy nổ, về việc khó kiểm soát được tối ưu chế độ nhiệt độ và độ ẩm...
Cũng theo lãnh đạo Bảo tàng, một bất cập khác là các khung tranh, tủ kính hiện chưa được sử dụng kính chuyên dụng chống lóa đã khiến cho giá trị thẩm mỹ của hiện vật bị giảm, mặt khác chưa thực sự góp phần bảo quản tuyệt đối giá trị hiện vật. 9 bảo vật quốc gia có chất liệu khác nhau, tuy thế vẫn phải bảo quản trong môi trường trưng bày chung nên không thể có chế độ bảo vệ, bảo quản phù hợp nhất. Chỉ nhìn riêng về chất liệu, tranh lụa, sơn dầu, sơn mài phù hợp với các điều kiện khô, ẩm khác nhau, nếu bày chung hệ thống sẽ khó khăn cho công tác bảo quản. Bên cạnh đó, phòng trưng bày Mỹ thuật Đông Dương đa chất liệu nên cũng khiến các nhà chuyên môn gặp khó.
Đánh giá vừa qua với 9 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng thì chỉ có tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” (Tô Ngọc Vân, 1944, sơn dầu) hơi có chút vấn đề. Mặt tranh do yếu tố không khí, độ ẩm cao đã hơi bị chùng, bề mặt tranh bị rạn nứt, toan bị ẩm. Các biện pháp gia cố đã được Trung tâm Tu sửa tác phẩm mỹ thuật báo cáo. Theo đó, các chuyên gia sẽ tiến hành căng lại khung tranh, trong quá trình này nếu có phát hiện thêm vấn đề sẽ tiếp tục xử lý. “Với hơn 20 ngàn hiện vật, chế độ bảo dưỡng định kỳ được áp dụng như nhau đối với mọi hiện vật của Bảo tàng, tuy nhiên với các bảo vật quốc gia, công tác bảo quản được thực hiện với sự thận trọng cao hơn, tuyệt đối không để xảy ra sai sót tác động đến giá trị hiện vật…”, lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật khẳng định.
Từ vụ việc tu sửa làm hỏng tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, bà Hương chia sẻ, không có đội ngũ tu sửa tranh được đào tạo bài bản là khó khăn chung. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam may mắn hơn với ưu thế là bảo tàng đầu ngành, bên cạnh sự tiếp nối kinh nghiệm các thế hệ thì còn là địa chỉ được mở nhiều khóa tập huấn về tu sửa, bảo quản của các chuyên gia nước ngoài. “Các chuyên gia về tu sửa, phục chế tranh nước ngoài đều phải mất 5-10 năm mới thành nghề. Công việc tu sửa đối với từng tác phẩm cũng được họ tiến hành rất thận trọng, vừa thử nghiệm đối với từng chất liệu, vừa theo dõi tác động chứ không làm ào ạt. Đây là kinh nghiệm mà cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam học được qua các chương trình tập huấn. Cho thấy công tác bảo quản, tu sửa đối với các tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt là các bảo vật quốc gia phải thận trọng, sát sao và kiểm soát thường xuyên chứ không thể vội vàng, tùy tiện…”, bà Hương chia sẻ.
“Mỗi tác phẩm được đưa vào Bảo tàng đều là những di sản nghệ thuật vô giá, do vậy công tác bảo quản, phát huy giá trị rất cần được chú trọng, những bảo vật quốc gia càng cần có chế độ ưu tiên đặc biệt hơn. Chỉ sai một li đã đi một dặm”. |
PHƯƠNG ANH