Hiện trạng hoang phế tại di tích Phật viện Đồng Dương

KHÁNH CHI

VHO - Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) là di tích khảo cổ học có quy mô, giá trị to lớn, đặc biệt quan trọng trong lịch sử mỹ thuật, văn hóa và tôn giáo Chămpa.

Hiện trạng hoang phế tại di tích Phật viện Đồng Dương  - ảnh 1
Thế kỷ thứ IX, vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laskmindra Lookesvara Svabhayada. Phật viện Đồng Dương tồn tại gần 600 năm (từ năm 875 đến sau năm 1301)

Viện dẫn lại tài liệu của H. Parmentier vào đầu thế kỷ trước, Phật viện này có ba tổ hợp chính trải rộng trên chiều dài 1.300 m, theo trục Đông - Tây, được phân bố thành ba khu tường bao vuông vức.

Trong đó, khu I bao gồm Phật đường chính của hoàng gia và những đền - tháp phụ bao quanh; khu II là một tiền đình (mandapa) hình chữ nhật dùng để chuẩn bị nghi lễ như múa thiêng, hát thiêng, bày lễ vật… kết hợp với khu I; khu III là tự viện nơi hành lễ của chư tăng trong Phật viện và của các tín đồ.

Hiện trạng hoang phế tại di tích Phật viện Đồng Dương  - ảnh 2
Hình ảnh giúp nhận dạng di tích Phật viện Đồng Dương hiện nay chỉ còn lại một mảng tường thuộc về phế tích kiến trúc được gọi là tháp Sáng, nằm giữa vùng đất mấp mô

Trải qua thời gian, biến động thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá nặng nề của thiên nhiên, chiến tranh và con người, Phật viện được cho là lớn nhất Đông Nam Á đã trở thành phế tích, dấu vết nhận dạng còn lại khu vực di tích hiện nay chỉ còn lại một mảng tường thuộc về phế tích kiến trúc được gọi tên là tháp Sáng.

Hiện trạng hoang phế tại di tích Phật viện Đồng Dương  - ảnh 3
Phần đế của tháp Sáng được xây bằng gạch đã bị hư hỏng nặng, tạo ra một vết lõm hàm ếch với khoảng trống khá lớn, dẫn đến hiện tượng sụt lún sạt lở đất đe dọa nghiêm trọng tính bền vững của toàn bộ phần thân tháp phía trên

Phần còn lại của phế tích tháp Sáng theo dự đoán là mảng tường thuộc mặt Tây của tháp, hiện đang được chống đỡ bằng hệ thống dàn chống bằng thép ống. Phía mặt Bắc là bộ khung cửa bằng đá sa thạch cũng được dựng lại tại vị trí gốc.

Hiện trạng hoang phế tại di tích Phật viện Đồng Dương  - ảnh 4
Ngay chính giữa lối vào thân tháp, ở phía trên có một lanh tô đá nằm ngang đã bị gãy đôi, không đủ sức chống đỡ toàn bộ khối lượng gạch phía trên do áp lực tải trọng gây nên

Hiện tượng vôi hóa chất kết dính dẫn đến phá vỡ liên kết giữa các viên gạch, làm bong tách ra và rơi xuống đất. Để tránh tình trạng này, cơ quan chuyên môn cho xếp những viên gạch lại với nhau làm bệ đỡ tạm thời để tránh tình trạng rơi đổ gạch từ thân tháp.

Hiện trạng hoang phế tại di tích Phật viện Đồng Dương  - ảnh 5
Thân tháp hiện nay đã bị mất hẳn mảng tường bên trái và phải, diện tích còn lại chưa đến 50%. Trên thân tháp, vết nứt dọc kéo dài đã tạo ra 2 mảng tường bên trái và bên phải, theo lực ly tâm bị tách rời ra khỏi phần thân tháp

Khuôn viên xung quanh tháp hiện trạng còn lại chỉ là những đống gạch đổ nát, những tấm bia đá lớn cùng nhiều hiện vật khác nay vẫn đang bị vùi lấp dưới lớp cây cỏ dày đặc trùm lấp, bao phủ toàn bộ khu vực di tích.

Hiện trạng hoang phế tại di tích Phật viện Đồng Dương  - ảnh 6
Năm 2012, Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam thực hiện chống đỡ cấp thiết khung định hình thép bọc xung quanh để giữ cố định các khối gạch này. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, do khung định hình thép chỉ làm giảm được lực ngang, không giảm được lực thẳng do tải trọng gây ra và hiện tượng chuyển vị bản thân

Kết quả khảo sát đánh giá tình trạng kỹ thuật của tháp Sáng cho thấy, các thành phần cấu trúc của các mảng tường mặt Tây vẫn đang tiếp tục bị xuống cấp, trong trạng thái nguy hiểm, lộ rõ nguy cơ mất ổn định chung.

Hiện trạng hoang phế tại di tích Phật viện Đồng Dương  - ảnh 7
Hiện nay toàn bộ phần đỉnh tháp đã bị sụp đổ hoàn toàn

Bộ khung cửa đá sa thạch với những vết nứt lớn vẫn tiếp tục phát triển, rõ ràng nhất là vết cắt trên khung cửa ngang, tương đương vết gãy của tấm lanh tô cửa, gần như đã cắt rời tấm đá khung cửa.

Hiện trạng hoang phế tại di tích Phật viện Đồng Dương  - ảnh 8
Mặc dù đã được chống đỡ nhưng các cấu trúc của phế tích đang cho thấy sự xuống cấp rõ rệt

Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thăng Bình cho biết, trong diện tích khoanh vùng bảo vệ 5,3 ha của di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương vẫn còn 11 nhà dân, 112 ngôi mộ cùng nhiều diện tích đất hoa màu, đất trồng rừng... Mỗi năm, huyện Thăng Bình chi khoảng 60 triệu đồng để phát quang, bảo vệ khu vực xung quanh cổng tháp Sáng và đường vào di tích.

Như Văn Hóa đã thông tin, mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã công văn đề nghị Bộ VHTTDL thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tu bổ, gia cố, phục hồi và phát huy giá trị tháp Sáng thuộc di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Dự án có tổng mức đầu tư 12 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thực hiện giai đoạn 2023-2025.