Bình Sơn quan tâm gìn giữ nét văn hóa truyền thống

NHƯ ĐỒNG; trình bày: MẠNH LÊ
Chia sẻ

VHO - Huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) chú trọng công tác giữ gìn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa, dân tộc trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần quan trọng giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, là cầu nối để quảng bá hình ảnh địa phương.

Bình Sơn quan tâm gìn giữ nét văn hóa truyền thống - ảnh 1

Vào cuối tháng 10 (Âm lịch) hàng năm, sau khi thu hoạch lúa rẫy, người Cor ở xã Bình An, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) lại họp lại và định ngày tổ chức Tết Ngã rạ để tạ ơn ông, bà tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho dân làng.

Bình Sơn quan tâm gìn giữ nét văn hóa truyền thống - ảnh 2

Tết Ngã rạ hay còn gọi là giã rạ, tiếng Cor là xa a-nít, tức ăn Tết hay lễ lúa lên chòi, với nhiều nét đặc trưng. Trong ngôi nhà sàn, các gia đình tụ họp lại, tổ chức ăn Tết theo khả năng của mình.

“Tết Ngã rạ là cái Tết quan trọng của đồng bào Cor, được bà con tổ chức nhằm tạ ơn thần linh. Đối với đồng bào Cor thì đây là Tết chính, nằm trong hệ thống lễ hội mang đậm nét nguyên thủy mà người Cor còn lưu giữ được”, ông Trụ Thanh Hải, già làng uy tín thôn Thọ An, xã Bình An cho biết.

Để chuẩn bị Tết Ngã rạ, dân làng tổ chức đi lấy lúa thiêng trên rẫy về làm lễ cúng thần. Đây là nghi lễ đầu tiên của Tết Ngã rạ mà già làng là người đi lấy lúa thiêng. Mất độ hai, ba giờ, khi già làng về tới nhà sẽ đặt nắm lúa thiêng vừa lấy về lên bàn thờ, rồi ra ngoài hiên báo hiệu cho các gia đình khác trong bản tiếp tục tiến hành lên rẫy lấy lúa thiêng.

Bình Sơn quan tâm gìn giữ nét văn hóa truyền thống - ảnh 3

Trong Tết Ngã rạ, nghi thức cúng thần linh, ông bà tổ tiên là phần quan trọng nhất, được các già làng, người có uy tín am hiểu phong tục tập quán thực hiện. Già làng có mặt từ sớm để sửa soạn mâm lễ vật gồm trầu cau, rượu, gà, bánh lá đót…với tất cả lòng thành kính, biết ơn.

Kết thúc phần lễ, già trẻ, trai gái người Cor trong trang phục truyền thống đắm chìm trong không gian rộn ràng của ngày hội Tết Ngã rạ. Tất cả quây quần bên nhau nhảy múa, hòa nhịp cùng tiếng trống, tiếng chiêng rộn vang khắp núi rừng. Ngày cuối cùng của Tết Ngã rạ, đồng bào cùng nhau đi lao động trên nương, rẫy; ươm, tỉa những hạt giống đầu tiên trên đất mới, khởi đầu một năm với bao kỳ vọng về vụ mùa no đủ.

Bình Sơn quan tâm gìn giữ nét văn hóa truyền thống - ảnh 4

Tính đến nay, trên địa bàn thôn có 53 hộ được công nhận đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, 2 hộ được công nhận đạt danh hiệu cấp huyện, 1 hộ được công nhận cấp tỉnh và 1 hộ được công nhận cấp trung ương. Trong tổng số 209 hộ với 743 nhân khẩu là người dân tộc thiểu số, qua rà soát đến cuối năm 2024, hộ nghèo chỉ còn 9 hộ với 12 nhân khẩu, trong đó thôn Thọ An chỉ còn 1 hộ với 2 nhân khẩu.

Bình Sơn quan tâm gìn giữ nét văn hóa truyền thống - ảnh 5

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Phạm Quang Sự chia sẻ, để lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp cũng như lưu lại cho thế hệ sau về những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Bình Sơn rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo, phát triển những loại hình văn hóa mang đậm bản sắc riêng làm tôn lên giá trị riêng có của từng loại hình văn hóa đặc sắc trong đó có Tết Ngã rạ. Tết Ngã rạ của đồng bào Cor là dịp để bà con thêm tình đoàn kết, cùng gìn giữ những nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

“Những năm qua, chính quyền địa phương ở huyện và xã đã triển khai nhiều hoạt động như, khôi phục lại đình làng và cổng Đình Tuyền Tung, mời nghệ nhân dạy cồng chiêng, mua sắm trang phục truyền thống; đầu tư nhà sàn, vườn hoa, suối hoa và sắp đến sẽ mở rộng nhà sàn giai đoạn 2 góp phần gìn giữ quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của người đồng bào dân tộc Cor”, ông Sự bày tỏ.

 

Bình Sơn quan tâm gìn giữ nét văn hóa truyền thống - ảnh 6

Ở làng chài Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn nằm cuối dòng sông Trà Bồng, nơi đổ ra cửa biển Sa Cần. Nhờ có những Hòn Ông, Hòn Bà nằm trấn giữ cửa biển, chắn gió, chắn sóng nên bên trong cửa biển luôn hiền hòa, bình yên, trở thành nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân.

Từ ngàn đời nay sống nhờ nghề chài lưới, dù mệt nhọc, khó khăn hay gặp nguy hiểm trên biển, ngư dân vẫn vững tay chèo, tay lái. Thế rồi từ khi nào không rõ, ngư dân đã đưa những hoạt động lao động sản xuất thường ngày vào trong các câu hát, điệu múa mô phỏng chèo thuyền vươn khơi... tạo ra loại hình nghệ thuật hát Bả trạo độc đáo.

Hát Bả trạo là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, trở thành nghi thức tâm linh, gắn với lễ hội Cầu ngư của cư dân vùng biển xã Bình Thạnh. Đây cũng là một trong những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hằng năm, các lễ hội Cầu ngư và thần Nam Hải, hoạt động Bài chòi hội, lô tô truyền thống, lễ tiết Thanh minh ở Nghĩa Tự… đều được người dân nơi đây hát Bả trạo.

Ông Nguyễn Tấn Sâm (55 tuổi), sinh ra ở làng biển xã Bình Thạnh, lớn lên cùng sông nước và lễ cúng cá Ông đặc trưng của vùng biển. Vì vậy, câu hát bả trạo ngấm dần trong ông Sâm và trở thành niềm đam mê theo ông suốt đời.

Bình Sơn quan tâm gìn giữ nét văn hóa truyền thống - ảnh 7

Giọng nói hào sảng, ông Sâm kể, câu hát bả trạo thấm thía trong ký ức ông và trở thành niềm đam mê theo ông từ những ngày còn nhỏ. Qua năm tháng thời gian, đến nay ông dường như có mặt ở hầu hết các lễ cầu ngư để nghe hát bả trạo và vừa nhẩm theo những từ ngữ, câu hát trong phần lễ hát bả trạo. Trong đội hát bả trạo có 12 hoặc 16 con trạo, 3 ông Tổng và ông Sâm đảm nhận vai Tổng Tiền hay còn gọi là Tổng Mũi. Theo đó, nhiệm vụ của ông trong lễ cầu ngư hát bả trạo là điều khiển con thuyền, con trạo theo như các động tác vào thuyền, chèo thuyền và điều khiển trạo nghỉ ngơi.

Ông Sâm cho biết, nhạc cụ của hát bả trạo có đàn cò, trống, kèn và sênh. Nghệ thuật trình diễn và hát bả trạo là sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc, lời ca và động tác trình diễn của Tổng Mũi, Tổng Khoang và Tổng Lái cùng đám bạn chèo dưới sự điều khiển thống nhất của Tổng Mũi.

Bình Sơn quan tâm gìn giữ nét văn hóa truyền thống - ảnh 8

NNƯT Vũ Huy Bình nay đã 74 tuổi, nhưng có hơn 50 năm dành trọn cho phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Ở làng chài, theo thời gian, những điệu hò bả trạo, hát múa gươm trong các ngày lễ cầu ngư, lễ hoàn nguyện lần lượt bị mai một. Ông Bình đau đáu một niềm riêng, muốn được sống trong bầu không khí của tuổi thơ đầy ngọt ngào của ca từ mỗi khi thuyền ra khơi, về lộng, mỗi khi lễ hội, Tết đến.

Rồi có lần như “cơ duyên” đoàn làm phim của Đài Truyền hình Đà Nẵng, do nghệ sĩ ưu tú Đoàn Huy Giao về làm phim ở vùng cửa biển Sa Cần, ông về quê tham gia giúp đoàn làm phim và qua các cụ Phạm Đồng, Võ Văn Thinh, Dương Xuyên, Nguyễn Thị Đắng, ông hiểu thêm về văn hóa biển.

Ông Bình đã sưu tầm, phục dựng tất cả các lời ca điệu múa, bả trạo, bài chòi... và chép thành cuốn tư liệu. Cũng nhờ cuốn tư liệu của ông mà thế hệ cháu con ở làng hiểu rõ hơn về nét văn hóa, về các làng điệu của cha ông ngày trước. Đến ngày Tết những làn điệu bài chòi, bả trạo lại vang lên trong vạn chài là ông Bình thấy vui vì mình đã có công đóng góp giữ gìn nét văn hóa của làng biển quê hương.

Ông Bình là người có công lớn trong việc tìm kiếm, tập hợp những người cùng tâm huyết, say mê và trao truyền lại cho những người trẻ tuổi, đến với hát bả trạo để xã biển Bình Thạnh hôm nay giữ nguyên vẹn nét văn hóa độc đáo này.

Loại hình này hát Bả Trạo được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hằng năm, hát Bả Trạo đã trở thành một phần không thể thiếu trong Lễ hội Cầu ngư của người dân miền biển. Đây là một trong những di sản văn hóa đáng tự hào của địa phương và cần đến sự chung tay, gìn giữ, bảo tồn để loại hình nghệ thuật dân gian này ngày càng được đông đảo người dân biết đến.

Bình Sơn quan tâm gìn giữ nét văn hóa truyền thống - ảnh 9