Về việc chuyển đổi hơn 600 ha rừng để làm hồ nước Ka Pét: “Bình Thuận không phải làm bất chấp, không có khoa học”
VHO – “Hiện nay dư luận đang quan tâm rất nhiều chiều đến dự án hồ chứa nước Ka Pét nên chúng tôi khẳng định Bình Thuận không phải làm bất chấp, làm không có khoa học, tỉnh Bình Thuận sẵn sàng tiếp thu ý kiến của báo chí và các nhà khoa học. Mất rừng ai cũng tiếc nhưng không thể để cuộc sống người dân khốn khó vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét đem lại yếu tố tích cực nổi trội hơn là tiêu cực”.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An phát biểu tại buổi họp báo
Đó là khẳng định của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận Dương Văn An tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tầm quan trọng của dự án hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, đồng thời cung cấp thông tin làm rõ việc chuyển đổi hơn 600 ha rừng để làm hồ nước nàydo UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức chiều 7.9.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, Bình Thuận cùng với Ninh Thuận là hai tỉnh khô hạn nhất Việt Nam. Đây là vùng có lượng mưa rất thấp, chỉ 800 - 1.150 mm/năm, nhiều vùng đất khô cằn, hoang hóa, sản xuất nông nghiệp chỉ nhờ vào nước mưa. Chỉ tính nhu cầu nước sản xuất nông nghiệp hàng năm, Bình Thuận cần hơn 500 triệu m3. Do đó, trách nhiệm của tỉnh là lo nước cho dân. Nhiều nhiệm kỳ qua, Bình Thuận tìm mọi cách, vừa xin Trung ương, vừa dùng nguồn lực địa phương xây dựng hệ thống hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi trên toàn tỉnh. Với đặc điểm địa hình Bình Thuận, muốn làm hồ thủy lợi, không ít thì nhiều đều ảnh hưởng đến rừng. Nhưng có hồ, môi trường chắc chắn sẽ tốt lên vì tích được nước, tăng độ ẩm toàn khu vực, tạo môi trường cho cây sinh trưởng. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, dự án nào cũng có tích cực và hạn chế, nhưng xây dựng hồ chứa nước Ka Pét đem lại yếu tố tích cực nổi trội hơn. Khi đề xuất dự án này, tỉnh và các đơn vị liên quan lựa chọn phương án ít tác động nhất, nhưng đem lại hiệu quả cao nhất.
Dự án Hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội Quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26.11.2019 và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24.6.2023. Dự án hồ chứa nước Ka Pét có tổng mức đầu tư dự án là 874,089 tỉđồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 519,9 tỉ đồng và ngân sách địa phương hơn 354 tỉđồng. Hồ có tổng dung tích hơn 51 triệu m3 và thời gian thực hiện dự án là tới năm 2025.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, mục tiêu đầu tư dự án đã được xác định rất rõ là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô khoảng 2,63 triệu m3/năm cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết; đồng thời, phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh...
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là hơn 697 ha; trong đó, diện tích đất lâm nghiệp là 679 ha (đất có rừng là 619 ha, gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng và đất không có rừng); còn lại là diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Toàn cảnh buổi họp báo
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, dự án đã được các chuyên gia, các nhà khoa học phân tích kỹ và báo cáo tại rất nhiều kỳ họp, qua hội đồng thẩm định cấp Nhà nước, qua nhiều đoàn kiểm tra của cơ quan trung ương. Sở cũng đã thành lập đoàn kiểm tra và khẳng định nhiều cây gỗ quý, cổ thụ, có kích thước lớn được lan truyền nhiều trên mạng xã hội thời gian qua đều nằm ngoài diện tích dự án.
Liên quan đến phương án trồng rừng thay thế, tổng diện tích phải trồng rừng thay thế theo Điều 21 Luật Lâm nghiệp là 1.844 ha, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3263/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 về việc phê duyệt phương án trồng rừng thay thế đợt I với diện tích là 434 ha; trong đó, 144 ha là rừng tự nhiên. Đối với phần diện tích cần trồng rừng thay thế còn lại là 1.410 ha, Sở NN&PTNT đang rà soát để mở rộng thêm vị trí trồng rừng thay thế bổ sung đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế của dự án.
Đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, đã hoàn thành vào tháng 9.2020. Tuy nhiên, do dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư (Nghị Quyết số 101/2023/QH15 ngày 24.6.2023 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV) nên các đơn vị liên quan đang phối hợp tổ chức lập lại hồ sơ tác động môi trường theo quy định để trình Bộ TN&MT thẩm định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nhất là tình hình hạn hán diễn ra khốc liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, với việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét có quy mô dung tích chứa hơn 51 triệu m3 để cấp nước với các nhiệm vụ trên sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục tình trạng khô hạn và phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Hàm Thuận Nam và vùng phía Nam Bình Thuận. Mục tiêu của tỉnh Bình Thuận là đến năm 2025 sẽ hoàn thành dự án này theo đúng tiến độ.
“Mất rừng sẽ làm suy giảm nước ngầm. Nhưng làm hồ cũng là một hình thức tích tụ nước mặt, làm tăng mực nước ngầm. Khi dự án hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết... Đồng thời phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP. Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh.
Kết luận tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã cung cấp đầy đủ thông tin, đáp ứng cơ bản các câu hỏi của các phóng viên. Các cơ quan báo chí cơ bản thoả mãn và đồng thuận với các câu trả lời về chủ trương đầu tư thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét. Qua buổi họp báo, lãnh đạo tỉnh mong muốn các phóng viên chia sẻ thông tin chân thực, thấu đáo mang tính xây dựng về dự án, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận.
THANH VŨ