Khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét ở miền núi Nghệ An

PHẠM NGÂN

VHO - Mưa lớn, lũ quét, lũ ống đã gây ra nhiều thiệt hại tại hai huyện miền núi Kỳ Sơn và Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Lực lượng chức năng phối hợp người dân đã nhanh chóng khẩn trương khắc phục hậu quả sau trận lũ quét.

Ngày 2.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ cùng đoàn công tác của tỉnh đã trực tiếp đến xã Lượng Minh, Tương Dương, tỉnh Nghệ An để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do lũ ống, lũ quét gây ra.

Khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét ở miền núi Nghệ An - ảnh 1
Sách vở, đồ dùng học tập của học sinh bị ngập. Ảnh: Xuân Hòa

Trận lũ ống, lũ quét bất ngờ xảy ra vào đêm 30.9, rạng sáng 1.10 đã làm thiệt hại nhiều tài sản của nhân dân và trường học trên địa bàn huyện miền núi  Kỳ Sơn và Tương Dương (Nghệ An). Với sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể, người dân và nhà trường đang nỗ lực khắc phục hậu quả.

Ngay sau khi lũ quét xảy ra, huyện Tương Dương đã huy động lực lượng khắc phục hậu quả: Dọn dẹp vệ sinh môi trường, khai thông các tuyến đường bị sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt; giúp đỡ người dân di dời tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn; sửa chữa tạm thời nhà ở, công trình công cộng để người dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ bị ảnh hưởng.

Khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét ở miền núi Nghệ An - ảnh 2
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Tương Dương giúp dân dọn dẹp bùn đất tràn vào nhà. Ảnh: Văn Đại

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá sự chủ động của huyện Tương Dương đã kịp thời chỉ đạo, ứng phó với tình huống khẩn cấp, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản. Sau khu lũ rút, địa phương đã kịp thời điều động phương tiện, các lực lượng vũ trang để giúp dân dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống ban đầu của người dân. Đồng thời, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của huyện để trình các cấp, ngành liên quan phương án xử lý.

Huyện Tương Dương hiện tiếp tục huy động tối đa lực lượng, phương tiện giúp dân, xử lý các sự cố về giao thông, khảo sát nắm tình hình các nguy cơ sạt lở và tổ chức di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hỗ trợ các xã bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ra. Đồng thời tổ chức dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng, phòng chống dịch bệnh.

Khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét ở miền núi Nghệ An - ảnh 3
Các cấp, các ngành như bộ đội, công an... vào các khu vực bị ảnh hưởng giúp khắc phục hậu quả thiên tai

Trong khoảng thời gian từ ngày 10.9 đến 30.9, huyện miền núi Tương Dương đã phải đối mặt với nhiều đợt mưa lớn kéo dài và gió bão mạnh, đặc biệt chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hai cơn bão số 3 và số 4.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan này đã gây ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng và gió giật mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện.

Các xã bị ảnh hưởng nặng nề bao gồm: Lượng Minh, Yên Tĩnh, Yên Hòa, Xá Lượng, Lưu Kiền và Thạch Giám. Thiên tai đã gây ra những thiệt hại to lớn về nhà ở, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi và hệ thống hạ tầng giao thông, làm gián đoạn cuộc sống và sinh kế của hàng nghìn hộ dân.

Theo thống kê ban đầu, tổng số nhà ở bị ảnh hưởng 94 nhà, trong đó có 18 nhà bị lũ ống, lũ quét, ngập sâu và sạt lở nghiêm trọng, khiến các hộ gia đình mất hoàn toàn nơi ở và tài sản. Các gia đình này hiện đang phải sống tạm bợ trong điều kiện thiếu thốn.

Khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét ở miền núi Nghệ An - ảnh 4
Lực lượng Cảnh sát giao thông – trật tự Công an huyện Kỳ Sơn hỗ trợ người và phương tiện đi qua đoạn đường bị sạt lở trên tuyến QL 7A, đoạn qua bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm và bản Lăn, xã Chiêu Lưu. Ảnh: Cao Loan

Ngoài ra, hơn 33 ha lúa đang trong giai đoạn thu hoạch bị đổ, gãy và ngập úng. Một số diện tích bị mất trắng do lũ cuốn trôi hoặc ngập úng kéo dài. Gần 500 ha rừng keo và mét bị thiệt hại từ 30% đến 100%.

Nhiều diện tích rừng bị đổ ngã, gãy cành, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập từ lâm nghiệp của người dân. 79 ha sắn, mía và rau màu bị ngập úng, hư hại hoàn toàn.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp lương thực và thu nhập của các hộ nông dân.

Nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều bản làng bị cô lập. Ước tính thiệt hại khoảng 13 tỷ đồng.

Đặc biệt, trận mưa lớn vào tối 30.9 đã dẫn đến xuất hiện lũ ống tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Về nhà ở, mưa lũ đã làm hư hỏng 84 ngôi nhà. Trong đó, có 13 ngôi bị thiệt hại hoàn toàn.

Về cây trồng, vật nuôi, có 1,4ha lúa bị đổ gãy và ngập; 900m2 ao cá bị lũ cuốn trôi; hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết…

Đặc biệt trường PTDT bán trú tiểu học Lượng Minh ở bản Minh Tiến bị ngập nặng. Nhà trường kịp thời sơ tán khẩn cấp học sinh lên khu vực cao hơn. Tuy nhiên, nước lũ cuốn trôi bếp nấu ăn cho học sinh và làm hư hỏng số lượng rất lớn đồ dùng học tập, sách vở học sinh…

Hiện tại huyện Tương Dương trời đã ngớt mưa, tuy nhiên đất đá bị ngậm no nước, liên kết yếu, nên vẫn có thể gây sạt lở. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Tương Dương vẫn đang tiếp tục theo dõi để cảnh báo và có phương án phòng tránh sớm.

Khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét ở miền núi Nghệ An - ảnh 5
Công an xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở giúp Nhân dân dọn nhà sau mưa lũ

Tại huyện Kỳ Sơn, mưa lớn gây ra nhiều điểm sạt lở trên Quốc lộ 7A, đặc biệt nghiêm trọng tại km 186+6 qua bản Huồi Thợ (xã Hữu Kiệm) và km 180+500 qua bản Lăn (xã Chiêu Lưu), làm ách tắc giao thông. Tại các xã Chiêu Lưu và Bảo Thắng, mưa lớn gây sạt lở trên nhiều tuyến đường, chỉ có xe máy mới di chuyển được.

Mưa lũ cũng làm ngập Trường Tiểu học và Mầm non tại xã Chiêu Lưu, bùn đất tràn vào khu vực ký túc xá giáo viên và học sinh, làm hư hỏng một số thiết bị và đồ dùng học tập, nhưng may mắn không có thiệt hại về người.

Trước đó, vào tối 30.9, Công an huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với các lực lượng khác di dời 40 hộ dân với 135 nhân khẩu tại bản Nam Tiến 2 (xã Bảo Nam) ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai các cấp đang triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ. Đồng thời cảnh báo người dân, tổ chức sơ tán khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét và lũ ống, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.