Một chốn bình yên của làng Việt
VHO- Tôi cố gắng lý giải vì sao mình lại dừng lại thật lâu trước những bức tranh của danh họa Nguyễn Phan Chánh có trong căn phòng của nhà sưu tập ấy. Rồi cũng ngộ ra được...
Thì ra tôi tìm thấy sự bình yên của làng Việt, người Việt trong những bức tranh của bậc thầy tranh lụa Nguyễn Phan Chánh. Khi xem các tác phẩm “Chơi ô ăn quan”, “Rửa rau cầu ao”, “Cô hàng xén”, “Ba mẹ con”, “Sau giờ lao động”, “Vườn trẻ nông thôn”… thì những vẻ đẹp của tình quê, duyên quê cứ bám níu, khiến tôi không muốn rời mắt. Tôi gặp lại ở đó ngôi làng Kim Liên (Hà Nội) xưa, nơi mà Nguyễn Phan Chánh đã đi về khá nhiều bận, và nhiều bức tranh nổi tiếng của ông như “Chơi ô ăn quan”, “Rửa rau cầu ao” đã ra đời sau những chuyến “về làng” ấy.
Tranh “Ba mẹ con” (H.T.P chụp lại)
Bên chén trà xuân, ta cùng dừng lại một chút với những dòng di cảo do chính danh họa Nguyễn Phan Chánh viết: “Một lần, tôi về làng Kim Liên, một làng ở phía đông nam Hà Nội, cách Hà Nội chừng một cây số từ đường xe hỏa đi vào. Đường làng lát gạch đi thẳng vào chùa Kim Liên. Đi lại nhiều lần, tôi quen biết được với dân ở hai bên phố nhỏ. Vào mùng một hay ngày rằm, tôi còn được cho xôi và chuối. Tôi thường lấy ký họa các chị em ngồi chơi hoặc các chị, các bà qua lại. Có lần thấy các em ngồi chơi “ô ăn quan” tôi tò mò đứng xem và lấy phác thảo. Tôi nhờ bà mẹ nói cô con gái nho nhỏ xinh xinh ngồi cho tôi làm mẫu vẽ. (…) Về màu sắc, tranh “Chơi ô ăn quan” tả các em về mùa lạnh, nên các em mặc đồ ấm của bà con lao động…”.
Một trang nhật ký khác, danh họa viết: “Nếu các bạn xuống làng Kim Liên, đi quặt ra đường tay phải, phía bên chùa cách chừng vài ba chục thước, về buổi sáng hay buổi chiều có cái cầu ao rộng chừng hai mươi thước. Trước mặt các bạn sẽ hiện ra một bức tranh rửa rau cầu ao rất đẹp. Trên cầu ao là một cô thiếu nữ rửa rau...”.
Tranh “Sau giờ lao động” (H.T.P chụp lại)
Xem tranh, rồi đọc những dòng chữ sinh động mà danh họa Nguyễn Phan Chánh để lại, tôi hiểu, mình “phải lòng” tranh ông, chính bởi những hình ảnh rất đỗi bình dị của làng quê Việt Nam - nơi mà từ đó tôi lớn lên, rồi rời đi. Mà không chỉ riêng tôi, nhiều người cũng lớn lên, gắn bó với làng quê, rồi vì trăm ngàn lý do khác, mà đi. Để rồi những hình ảnh thôn quê, ký ức làng xã, với những trò chơi thơ ấu, những mái đình, gốc gạo đầu làng, sân kho hợp tác, tắm ao… cứ thi thoảng chợt hiện, nhắc nhớ cả một vùng ký ức trở về.
Tranh Nguyễn Phan Chánh đã thức tỉnh tôi bớt vội vàng phố thị để tìm về làng, tìm những khoảnh khắc bình yên còn sót lại, để lưu giữ ... |
Tôi đã gặp lại những câu chuyện thấm đẫm tình quê ấy trong nhiều bức tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh, từ “Rê lúa”, “Chăn vịt”, “Kỳ lưng” cho tới “Bữa cơm mùa vụ thắng lợi”, “Trăng lu”… Tranh ông, nhắc tôi nhớ quá về một thuở đói nghèo nhưng làng quê bình dị, hiền hòa từ sáng sớm cho tới những đêm trăng khuya lạnh. Tranh ông, nhắc tôi không quên đi vẻ đẹp lấp lánh của tình người trong những ngày thôn quê còn hợp tác xã, đêm đêm đập lúa, quạt thóc giữa sân kho…
Tranh ông, trong mắt tôi là sự gửi gắm chút duyên quê của một thời, qua hình ảnh những người phụ nữ tảo tần sớm hôm, chăm lo con cái, gia đình; nhiều bức trong đó thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng khiến người ta dễ nao lòng nhớ tới hình ảnh mẹ mình. Phải rồi, sinh thời chính Nguyễn Phan Chánh cũng “không thích những cô gái tô son, trát phấn ở giữa thủ đô mà tìm về thôn Kim Liên ở ngoại thành. Tôi đứng dựa gốc cây nhìn những cô gái quần đen áo nâu giống những cô gái quê mình, có cô phảng phất như cô gái ở hội Chùa Hoa Mộc nào mà mình đã yêu, mối tình đầu mà chẳng nên duyên”…
DANVIET.VN