Vụ sản xuất cà phê trộn với bột pin ở Đắk Nông: Chính quyền cơ sở nói thế, được không?

VH- Dư luận đang phẫn nộ trước thông tin một cơ sở sản xuất cà phê ở Đắk Nông trộn bột lõi pin trước khi xuất bán thị trường. Điều đáng nói, cơ sở này đã hoạt động nhiều năm nay, nhưng chính quyền cơ sở không hề hay biết.

Vụ sản xuất cà phê trộn với bột pin ở Đắk Nông: Chính quyền cơ sở nói thế, được không? - Anh 1

 Bà Nguyễn Thị Loan tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra

20 tấn cà phê bẩn chờ tiêu thụ

Hôm qua 19.4, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết các phòng nghiệp vụ đã lấy mẫu cà phê tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ở thôn 13, xã Đắk Wer, Đắk R’lấp) để đưa đi giám định. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng tạm giữ hơn 21 tấn cà phê bẩn tại cơ sở này. Hiện cơ quan CSĐT đang làm rõ động cơ, mục đích đem trộn phế phẩm cà phê với nước pin, đá sỏi và cách thức tiêu thụ sản phẩm của bà Loan. “Sau khi làm rõ, nếu vi phạm của bà Loan đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, chúng tôi sẽ tiến hành khởi tố, xử lý theo quy định của pháp luật”, một lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông cho biết.

Ngày 18.4, chúng tôi đến tận cơ sở của bà Loan, nơi phát hiện vụ việc để tìm hiểu thêm vụ việc. Theo quan sát, cơ sở sản xuất cà phê của bà Loan nằm cách đường nhựa liên xã Nhân Đạo và Đắk Wer khoảng 50m. Khu vực sản xuất được chia làm hai phần rộng khoảng 400 m2. Phía trước là ngôi nhà cấp 4, nơi bà Loan sinh sống còn một kho xưởng rộng khoảng 300 m2 ở sau với nhiều vật dụng để sơ chế cà phê nằm la liệt.

Sau khi cơ quan chức năng phát hiện vụ việc, đến nay tại cơ sở này vẫn ngổn ngang các dụng cụ để phục vụ sản xuất cà phê. Trên nền xi măng, nhiều vỏ cà phê, đá sỏi nhỏ nằm vương vãi khắp nơi. Nhiều thùng đựng nước đen ngòm từ bột than của pin bốc ra mùi nồng nặc. Hàng trăm bao tải nhem nhuốc chứa nguyên liệu làm cà phê được chất đầy xung quanh tường. Theo hàng xóm của bà Loan, cơ sở này hoạt động từ năm 2016, nhưng họ không hề hay biết chủ cơ sở dùng lõi pin để sản xuất cà phê.

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường (PC49, Công an tỉnh Đắk Nông), bà Loan sản xuất theo công thức, vỏ cà phê trộn với bột đá, cà phê thải loại ngâm qua nước pha bột pin. Trong đó, thành phần chủ yếu là bột đá và vỏ cà phê. Bột pin ngâm nước khi trộn với cà phê tạo ra màu đen óng, tăng độ đậm đặc cho cà phê khi pha. “Khi công an kiểm tra và bắt quả tang, có hai công nhân của cơ sở này đang dùng bột đá, vỏ cà phê, phế phẩm cà phê bỏ vào cối trộn hồ pha với nước bột pin”, lãnh đạo PC49 cho hay.

“Không thu mua nông sản nên không kiểm tra”

Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh đã yêu cầu công an khẩn trương điều tra làm rõ các vấn đề liên quan. “Công an vẫn chưa xác định được số lượng cà phê nhuộm chất độc hại có bán ra thị trường hay không. Nếu thực sự bán cà phê nhuộm chất trong pin ra thị trường làm thực phẩm cho con người thì phải xử lý hình sự. Đây là hành vi ghê gớm, coi thường sức khỏe và tính mạng con người quá rõ”, ông Lộc nói. Ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Đắk Wer thông tin giấy phép của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đắk R’lấp cấp cho bà Loan là thu mua nông sản. Bà Loan đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 19.8.2016 (đăng ký thay đổi lần thứ 1 vào ngày 31.10.2017) với vốn kinh doanh 1 tỉ đồng. “Tuy nhiên, cơ sở của bà Loan không thu mua nông sản và treo biển hiệu như giấy phép. Do đó, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không kiểm tra cơ sở này”, ông Quân nói. Theo ông Quân, khi bị bắt quả tang, bà Loan cho biết đã bán 3 tấn nguyên liệu của cơ sở cho một số người tại các thành phố lớn ở phía Nam.

Cũng theo ông Quân, mỗi đợt pha bằng cối trộn hồ có khoảng 6-8 tấn phế phẩm cà phê trộn cùng khoảng 24 viên pin cũ. “Bà Loan chỉ xuất trình được giấy phép thu mua nông sản do Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện cấp, chứ không hề có giấy phép chế biến nông sản”, ông Quân nói thêm. Chiều 18.4, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức họp báo để thông tin ban đầu vụ việc. Theo đó, chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Thanh Loan thừa nhận đã dùng dung dịch màu đen (nước và lõi pin) để ngâm, tẩm, nhuộm cà phê. Tang vật bị tạm giữ gồm hơn 21 tấn cà phê phế phẩm đã ngâm, tẩm hóa chất, 40 lít dung dịch, 35 kg pin đập dẹp, 192 kg lõi, nắp và vỏ pin cũng bị cảnh sát đưa về cơ quan điều tra.

Bà Loan khai, cơ sở sản xuất cà phê này hoạt động từ năm 2016. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, cơ sở này đã bán được hơn 3 tấn và 20 tấn cùng loại chuẩn bị xuất xưởng nếu không bị phát hiện.

Theo đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, đơn vị này đang huy động toàn bộ lực lượng xác minh điều tra từ những người cung cấp phế phẩm, tài xế lái xe và người mua sản phẩm. “Đơn vị phối hợp với công an các địa phương mà bà Loan bán tạp chất. Bà này khai bán 3 tấn tạp chất như trên cho một người ở tỉnh Bình Phước. Đến nay vẫn chưa thể khẳng định mục đích của bà Loan sản xuất các phế phẩm này để bán ra thị trường làm thực phẩm cho con người hay không”, đại tá Quy nói. Đại tá Quy cũng cho biết, sau khi phát hiện sự việc, bà Loan quanh co, không chịu khai mục đích việc làm của mình: “Hành vi đập pin lấy lõi than pha trộn vào nước để trộn với phế phẩm cà phê của cơ sở bà Loan đã rõ nhưng các đơn vị phải điều tra mục đích làm việc này của bà Loan là gì để có hướng xử lý”. 

N.ĐÀN - N.MINH

 

Ý kiến bạn đọc