Xuất khẩu nông sản:

Siết chặt trách nhiệm canh tác

NHẠC DUY HẠ

VHO - Ngành Nông nghiệp Việt đang đứng trước yêu cầu phải siết chặt trách nhiệm của người nông dân đối với các loại nông sản xuất khẩu. Liệu đây là cơ hội hay là thách thức của hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp chuyên canh tại các địa phương?

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2024 đã đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu vào cả những thị trường khó tính; với nhiều loại nông sản đặc thù, giá trị cao như café, hồ tiêu, sầu riêng…

Song nhìn vào chiều sâu chất lượng, vấn đề quản lý, giám sát và tổ chức canh tác, thu hoạch, chế biến… của nông nghiệp nước nhà vẫn đang có nhiều vấn đề, đòi hỏi các cấp quản lý và người nông dân phải xem xét kỹ lại những quy trình canh tác, đảm bảo những yêu cầu bền vững.

Nhiều cơ hội, lắm thách thức?

Báo cáo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, sầu riêng đang là mặt hàng nông sản xuất khẩu có lợi thế tăng trưởng của nông nghiệp nước nhà, đi vào thị trường trọng điểm là Trung Quốc.

Cả số lượng, lẫn giá nhập vào từ thị trường tỷ dân này, của sầu riêng Việt Nam, đã tăng lên trong năm 2024; trong khi quốc gia xuất khẩu sầu riêng có tính cạnh tranh cao là Thái Lan lại bị giảm.

Siết chặt trách nhiệm canh tác - ảnh 1
Trách nhiệm của người nông dân được xác định rõ hơn trong quá trình canh tác

Số liệu từ Hải quan Trung Quốc thể hiện, năm 2024 quốc gia này nhập vào hơn 800 ngàn tấn sầu riêng từ Thái Lan, giảm 12,8% về sản lượng và 12,1% về giá trị hàng hóa; trong khi đã nhập hơn 737 ngàn tấn sầu riêng từ Việt Nam, tăng 49,4% sản lượng và 37,5% giá trị hàng hóa.

Một dẫn chứng này cho thấy, xu hướng tăng trưởng nguồn hàng nông sản đặc thù, giá trị cao theo đường xuất khẩu đang phát triển với nông nghiệp Việt Nam.

Với sự nỗ lực của các cơ quan xúc tiến, thương mại hàng hóa, các tổ chức đầu tư, xuất khẩu và các bộ ngành liên quan, nhất là Nông nghiệp Phát triển Nông thôn càng ngày càng có nhiều chủng loại, đơn hàng nông sản Việt Nam có mặt ở thị trường tiêu dùng các nước.

Chất lượng trái cây, rau củ quả của Việt Nam đã được tán dương, ủng hộ trong cộng đồng người tiêu dùng nhiều quốc gia tiến bộ.

Tuy nhiên, như đánh giá của các tổ chức chất lượng và tiêu chuẩn Châu Âu, chính nền nông nghiệp và người nông dân các nước này, cũng đang rất chật vật đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chuẩn mực dinh dưỡng và các hệ số sức khỏe xã hội khác.

Hàng hóa nông sản Việt, vì thế muốn đảm bảo duy trì nhập khẩu lâu dài, có giá trị ổn định ở các quốc gia khác, phải tuân thủ nghiêm ngặt những bộ chỉ số, tiêu chuẩn đã ban hành.

Mà để có được khả năng đó, những đơn hàng nông sản không chỉ đơn giản “lọt qua” cánh cửa kiểm tra hàng hóa ngoại quan của các nước. Đi sâu vào nhu cầu tiêu dùng, thực phẩm, hàng nông sản phải đảm bảo một sự nhất quán tuân thủ các chuỗi giá trị tuần hoàn, từ khi chọn mua giống cây trồng đến toàn bộ quá trình canh tác, chăm bón, thu hoạch, bảo quản…

Chỉ cần một khâu trong quá trình đó có vấn đề, chắc chắn mặt hàng nông sản sẽ gặp rắc rối ở thị trường tiêu dùng nào đó.

Khẳng định vai trò người canh tác!

Trở lại dẫn chứng sầu riêng, một lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngay trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, trong dòng xuất khẩu, hải quan Trung Quốc đưa ra cảnh báo và yêu cầu những kiểm nghiệm về chất cấm auramine O (hay còn gọi là chất vàng ô) trên trái sầu riêng.

Một tiêu chí khác cũng bị yêu cầu giám sát, là chất cadimi trên vỏ sầu riêng. Trong khi đó, rất ít cơ quan chức năng ở Việt Nam có đủ điều kiện, khả năng xét nghiệm các chất này.

Thế là hàng loạt lô hàng sầu riêng đã bị ách lại, hoặc chờ kết quả xét nghiệm, hoặc “quay đầu” về tiêu thụ nội địa. Đáng nói, là không ít hàng hóa bị ách lại này, thực sự lại có vấn đề, do dùng các chất bảo quản và kích thích tăng trưởng trong quá trình thu hoạch, đóng gói…

Siết chặt trách nhiệm canh tác - ảnh 2
Các lô hàng xuất khẩu sầu riêng tại Đắk Lắk phải công bố đạt các tiêu chuẩn kiểm nghiệm ngặt

Như vậy, bên cạnh việc ngành nông nghiệp Việt Nam cần bổ sung thêm các yêu cầu về tiêu chí hàng hóa xuất khẩu, trong các nghị định thư đã ký kết, để đảm bảo tuân thủ đúng các quy định kiểm dịch thực phẩm, thực vật, vai trò của người nông dân, chủ thể canh tác nông sản cũng phải được siết chặt lại.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản khu vực Tây Nguyên thừa nhận, lâu nay vai trò các thương lái trong tổ chức thu gom, triển khai các đơn hàng nông sản xuất khẩu là quan trọng.

Nhưng với những chuyển biến gần đây về chất lượng nông sản bền vững, việc tuân thủ, đảm bảo các tiêu chí hàng hóa xuất khẩu đã xoay ngược chính về… người nông dân.

Nhiều đơn hàng xuất khẩu chỉ có thể thực hiện được khi có đủ các mã vùng trồng, mã đóng gói… mà những yêu cầu này đều liên quan người nông dân.

Một khi người nông dân làm tốt các yêu cầu thao tác kỹ thuật, áp dụng khoa học trong canh tác, giảm sử dụng những lượng phân bón, thuốc trừ sâu… quá trình trồng trọt và các loại hóa chất trước thu hoạch, thì chất lượng nông sản mới thực sự ổn định, và đáp ứng tốt tiêu chí an toàn.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin, đang cùng các ngành quản lý chức năng triển khai nhiều bước đầu tư, vận động, hợp tác cùng người nông dân ở các địa phương tuân thủ các yêu cầu về quản lý canh tác và chất lương.

Ví dụ tỉnh Tiền Giang, một trong những “vựa trái cây” chủ lực vùng miền Tây, đến nay đã cấp hơn 150 mã vùng trồng và 65 mã đóng gói về sầu riêng xuất khẩu.

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích sầu riêng, café quy mô nhất cả nước, cũng đang vận động các doanh nghiệp, người nông dân đề cao trách nhiệm nông sản, thực hiện đăng ký, tuân thủ mã số vùng trồng, kiên quyết từ chối mọi vi phạm trong liên kết hàng hóa xuất khẩu…

Một cách tự nhiên, trách nhiệm và vai trò người nông dân cần được định vị rõ ràng, đầy đủ hơn, trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn và hàng hóa xuất khẩu của cả ngành nông nghiệp Việt Nam lẫn từng địa phương tổ chức canh tác.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc