Sắp đến hạn chót đăng ký thông tin thuê bao di động: Nhà mạng và khách hàng cùng chạy nước rút

VH- Không khó khăn để nhận thấy, mấy ngày nay các nhà mạng bằng nhiều hình thức yêu cầu khách hàng gấp rút hoàn thành khai báo thông tin cá nhân. Đây là quy định nhằm quản lý thuê bao di động chặt chẽ hơn tránh tình trạng SIM rác và giúp bảo vệ thông tin của khách hàng tốt hơn.

Sắp đến hạn chót đăng ký thông tin thuê bao di động: Nhà mạng và khách hàng  cùng chạy nước rút - Anh 1

Khách hàng đến bổ sung thông tin tại điểm giao dịch Vinaphone 49 Nguyễn Thái Học, Hà Nội

Nhiều thuê bao đối diện nguy cơ bị khóa một chiều

Tại nhiều điểm giao dịch của các nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone..., lượng khách hàng đến bổ sung thông tin thuê bao khá đông. Tuy nhiên, theo nhiều khách hàng, việc bổ sung thông tin đồng loạt cũng nảy sinh nhiều vấn đề khó giải quyết. Trước hết là vấn đề sim không chính chủ. Trước nay, có khá nhiều khách hàng mua sim đang sử dụng rồi không sang tên, mua sim đã kích hoạt sẵn ở các đại lý (tình trạng này đã được chấn chỉnh khá triệt để hiện nay) và họ vẫn sử dụng bình thường nếu không có tranh chấp. Cụ thể, có những trường hợp đang dùng SIM trả trước được bạn tặng từ hồi sinh viên và không rõ đăng ký bằng tên ai. Có khá nhiều trường hợp mua sim dùng khá lâu nhưng ngại đi sang tên. Thống kê sơ bộ tại nhiều điểm giao dịch của các nhà mạng, lượng khách hàng đến bổ sung, hoàn thiện thông tin còn khá thấp so với tổng số thuê bao thuộc diện cần bổ sung. Không ít khách hàng tuy đã nhận được cảnh báo từ nhà mạng nhưng vẫn chờ đến những ngày sát với kì hạn cuối cùng, một số khác thì còn nghe ngóng thông tin vì họ cho rằng, dù không bổ sung thông tin, chắc gì nhà mạng đã cắt liên lạc của họ (!?). Cũng có số đông khách hàng lo ngại thông tin cá nhân nhạy cảm (như hình ảnh chân dung) của họ có thể bị lộ.

Hỗ trợ để khách hàng bổ sung thông tin

Về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân khách hàng, nhà mạng Viettel khẳng định, việc đảm bảo an toàn và bí mật thông tin thuê bao là trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, đã được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng và trong Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ. Do đó, Viettel luôn ý thức được trách nhiệm này và triển khai các biện pháp để đảm bảo điều đó trong các quy chế hoạt động và quy trình quản lý thông tin thuê bao của mình. Tuy nhiên, nỗ lực bảo vệ an toàn thông tin cá nhân cũng cần đến từ cả hai phía khách hàng và nhà mạng, do đó, Viettel mong muốn khách hàng cũng cẩn trọng hơn trong bảo vệ thông tin cá nhân của mình.

Còn nhà mạng VinaPhone cho biết, để hỗ trợ khách hàng hoàn thiện thông tin thuê bao, VinaPhone sẽ mở tăng giờ phục vụ tại các điểm giao dịch trên toàn quốc đến 21 giờ hằng ngày, đồng thời mở thêm nhánh 3 của tổng đài 18001091 để tiếp nhận, giải đáp và tư vấn hướng dẫn khách hàng cập nhật thông tin thuê bao. MobiFone cũng cho biết đã gửi tin nhắn đến tất cả các thuê bao trả trước đề nghị họ đến các cửa hàng hoặc đại lý của MobiFone để cập nhật thông tin trước ngày 24.4. Khách hàng của MobiFone cũng có thể ra cửa hàng chính thức của nhà mạng hoặc các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do đơn vị này ủy quyền (khoảng 14.500 điểm) để cập nhật thông tin. 

 ​Theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định 25 ngày 6.4.2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định 174 ngày 13.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện), tất cả thuê bao di động đều phải có thông tin chính xác (họ và tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp…) bao gồm cả thông tin về đối tượng sử dụng số thuê bao đó và ảnh chụp chân dung của chủ thuê bao. Quy định nêu trên sẽ có hiệu lực từ ngày 24.4.2018. Sau đó, các cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo.

Quốc Hùng

 

 

Ý kiến bạn đọc