Sâm Ngọc Linh Kon Tum: Nhiều hành vi trục lợi thương hiệu
VHO- Sâm Ngọc Linh được ví như “quốc bảo”, là sản phẩm có giá trị trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và mang lại hiệu quả kinh tế cao (mỗi kg sâm có giá tới hàng trăm triệu đồng). Chính vì sự quý giá đó mà sâm Ngọc Linh ngày càng bị nhiều đơn vị, doanh nghiệp “đội lốt” thương hiệu để trục lợi…
Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh chỉ được cấp chủ trương trồng sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô
Mới đây, UBND hai huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông (Kon Tum) có văn bản phúc đáp cơ quan chức năng khi Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (đều có trụ sở tại Hà Nội) sử dụng văn bản đã bị thu hồi để đăng ký công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ sâm Ngọc Linh; đồng thời quảng cáo, giới thiệu nhà đầu tư đối với vùng trồng sâm Ngọc Linh “trên giấy”.
Dùng giấy xác nhận đã bị thu hồi để đăng ký sản phẩm
Đầu tháng 7.2023, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có công văn số 1525 gửi UBND huyện Tu Mơ Rông về việc xác minh thông tin liên quan đến hồ sơ đăng ký bản công bố thực phẩm bảo vệ sức khoẻ của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam (địa chỉ số 44, ngõ 120 Trường Chinh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Theo đó, trong hồ sơ đăng ký sản phẩm của công ty này có giấy xác nhận của UBND huyện Tu Mơ Rông về một số nội dung như: Sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh… của Công ty cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum (địa chỉ: Quốc lộ 40B, thôn Đắk Kinh 1, xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông). Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm lại nhận được thông tin “giấy xác nhận này đã bị thu hồi” nên đã đề nghị UBND huyện Tu Mơ Rông làm rõ giấy xác nhận ngày 30.5.2022 do UBND huyện ban hành đã thu hồi chưa, hiện có hiệu lực hay không?
Liên quan vấn đề này, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, huyện đã có văn phản phúc đáp Cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ông Mạnh, tháng 5.2022, Công ty cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum có văn bản xin xác nhận đơn vị này đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn và được một vị Phó chủ tịch UBND huyện ký xác nhận. Sau đó, qua rà soát, UBND huyện Tu Mơ Rông xác định giấy này có nội dung chưa phù hợp với thực tế, quy trình xử lý chưa đảm bảo. “UBND huyện đã hủy bỏ giấy xác nhận và yêu cầu vị Phó chủ tịch báo cáo giải trình, kiểm điểm trách nhiệm. Giấy này đã hết hiệu lực kể từ ngày 31.12.2022 và UBND huyện đã công bố rộng rãi trên các cơ quan đại chúng”, ông Mạnh nói.
Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết thêm, đến nay, Công ty cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum không có liên kết trồng sâm với người dân trên địa bàn, mà chỉ triển khai dự án “Nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh” ở xã Ngọk Lây. Tháng 10.2022, UBND tỉnh cho chủ trương liên kết đưa cây sâm nuôi cấy mô thí điểm ra trồng ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả công bố dự án và cây sâm nuôi cấy mô cũng chưa thu hoạch được.
Trước đó, vào tháng 1.2023, các cơ quan thông tấn, báo chí đã phát hiện việc Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam trồng sâm Ngọc Linh… trên giấy và có nhiều bài viết phản ánh sự việc. Mặc dù Công ty cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum (một thành viên của công ty trên) chỉ đang trồng sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô, nhưng lại công bố sở hữu vườn sâm Ngọc Linh “khủng”, với diện tích lên tới 600 ha, được trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh. Ngay sau đó, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã lên tiếng phản bác và khẳng định: “Doanh nghiệp này không có liên kết trồng sâm với người dân trên địa bàn huyện”.
Trụ sở của Công ty Sâm Việt Nam, một trong những đơn vị trồng sâm… trên giấy
Đưa thông tin “ảo” để mời chào nhà đầu tư
Mới đây, huyện Kon Plông nhận được văn bản số 1959 của Cơ quan Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) về việc xác minh, thu thập tài liệu liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh do bà Phạm Thị Mỹ Hạnh làm Chủ tịch HĐQT. Công ty này thường xuyên quảng cáo, giới thiệu với nhà đầu tư, khách hàng về hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Công an quận Cầu Giấy đề nghị UBND huyện Kon Plông cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến thủ tục pháp lý, hoạt động trồng, sản xuất các sản phẩm sâm Ngọc Linh của Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh và HTX nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông do bà Phạm Mỹ Hạnh là người đại diện pháp luật.
Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Đặng Quang Hà cho biết, huyện không cấp chủ trương trồng sâm Ngọc Linh cho Công ty cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh và HTX nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông, bởi địa phương không nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý và vùng quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh. “Kon Plông có nhiều dự án đầu tư về nông nghiệp, dược liệu nhưng chưa có dự án nào được cấp chủ trương trồng sâm Ngọc Linh. Vì thế, doanh nghiệp trồng sâm, quảng bá sâm là không đúng quy định. Huyện sẽ báo cáo với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý”, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông khẳng định.
Đây không phải là hai trường hợp đầu tiên “trục lợi” từ thương hiệu sâm Ngọc Linh. Trước đó, tháng 1.2022, Văn Hóa đã có một số bài viết như: Kon Tum chính quyền “ngỡ ngàng” khi doanh nghiệp công bố trồng 10 ha sâm Ngọc Linh; Vụ doanh nghiệp công bố trồng 10 ha sâm Ngọc Linh ở Kon Tum: Trồng sâm trên “giấy”, phản ánh việc Công ty cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam (gọi tắt Công ty Sâm Việt Nam) mặc dù không có diện tích trồng, cũng không liên kết các hộ dân trồng sâm Ngọc Linh nhưng vẫn khai trương trụ sở buôn bán sâm và công bố diện tích trồng 10ha sâm Ngọc Linh ở hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông (Kon Tum). Điều này khiến ngay cả chính quyền sở tại cũng “ngỡ ngàng” và sau khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh mới vỡ lẽ, đơn vị này… trồng sâm trên “giấy”.
NGỌC HÒA