Khởi nghiệp thành công với nghề nước mắm truyền thống

NHƯ ĐỒNG

VHO - Tận dụng lợi thế về hải sản của vùng ven biển cùng truyền thống làm mắm lâu đời của địa phương, chị Nguyễn Thị Bé (48 tuổi) ở xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đã có ý tưởng khởi nghiệp từ nghề làm nước mắm truyền thống. Sau 4 năm gầy dựng sự nghiệp, cơ sở của chị ngày càng khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường.

Khởi nghiệp thành công với nghề nước mắm truyền thống - ảnh 1
Chị Nguyễn Thị Bé thành công từ nghề làm nước mắm truyền thống

Vượt qua khó khăn

Năng động và nụ cười luôn rạng rỡ trên gương mặt phúc hậu là cảm nhận của nhiều người khi gặp chị Nguyễn Thị Bé. Chị đã vượt khó vươn lên, vượt qua thử thách để tạo nên nước mắm chất lượng, thơm ngon.

Chị Bé chia sẻ, giai đoạn năm 2018, 2019 gia đình chị rất khó khăn khi chồng chị không may bị bệnh nặng, sau nhiều lần chữa chạy vẫn không qua khỏi. Một mình chị phải nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học. 

Từ số vốn vay mượn ban đầu, năm 2021, chị quyết định đầu tư làm nghề nước mắm truyền thống, với khát khao cháy bỏng phải vươn lên thay đổi cuộc sống.

Khởi nghiệp thành công với nghề nước mắm truyền thống - ảnh 2
Nmắm truyền thống được sản xuất theo phương pháp thủ công

Theo chị Bé, nước mắm truyền thống được sản xuất theo phương pháp thủ công, với những công đoạn công phu, cầu kỳ cộng với thời gian mới ra được một mẻ nước mắm. “Tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm và bí quyết để làm ra loại nước mắm ngon mà thế hệ đi trước đã truyền lại. Hiện nay, nước mắm cốt lọc truyền thống được sản xuất phổ biến, sự cạnh tranh vì thế cũng khốc liệt, song với những bí quyết riêng, thương hiệu nước mắm của tôi vẫn có chỗ đứng riêng trên thị trường”, chị Bé nói”.

Cơ sở chế biến nước mắm của chị Bé hiện có 250 phi muối mắm, bể lọc mắm chiều ngang 3m và chiều dài 10m. Nước mắm cung cấp liên tục ra thị trường quanh năm. Bình quân mỗi tháng chị bán ra thị trường 1.000 lít mắm nhĩ, giá mỗi lít tại cơ sở chế biến 35 nghìn đồng.

“Nước mắm nhĩ là loại nước mắm có độ đạm rất cao, vị ngọt, màu vàng rơm, trong và có mùi đặc trưng. Những giọt nước mắm nhỉ có được là do độ đạm cao lắng xuống đáy thùng chứa và rỉ ra ngoài. Càng lấy nhiều nước mắm nhĩ, thì càng làm giảm độ đạm của lượng nước mắm còn lại trong lu mắm”, chị Bé cho hay.

Khởi nghiệp thành công với nghề nước mắm truyền thống - ảnh 3
Nước mắm nhĩ là loại nước mắm có độ đạm rất cao, vị ngọt, màu vàng rơm, trong và có mùi đặc trưng

Hiện cơ sở chế biến nước mắm của chị Bé ngoài nước mắm truyền thống còn có các loại mắm cá cơm, mắm mực, mắm ruốc, mắm chua, mắm tép, mắm nhuyển.

Để có sản phẩm đạt chất lượng và đảm bảo cho sức khỏe của người tiêu dùng, chị Bé quyết định đặt mua cá tươi, để nước mắm làm ra thơm ngon. Khách hàng nào có nhu cầu gọi điện là chị đem đến tận nhà. 

Hình thức truyền thông sản phẩm cũng đơn giản là truyền miệng. Nhờ sự chăm sóc khách hàng khá uy tín và sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng, nên nước mắm do cơ sở chị Bé sản xuất ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến. 

Khởi nghiệp thành công với nghề nước mắm truyền thống - ảnh 4
Hiện cơ sở còn có các loại mắm cá cơm, mắm mực, mắm ruốc, mắm chua, mắm tép, mắm nhuyển

Chị Bé bộc bạch: “Không biết từ lúc nào, tôi đã say mê, yêu thích hương vị nồng nàn đặc trưng, thân thương gắn bó từ thuở ấu thơ. Thế nên, để giữ nghề và sống được với nghề, tôi đặt cả tâm huyết vào từng chi tiết, công đoạn dù là nhỏ nhất. Trong quá trình làm ra sản phẩm, đặc biệt chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sơ chế, chế biến và thành phẩm, luôn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu..”.

Gặt hái thành công

Chị Bé cho biết, 100% sản phẩm hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản để bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện nay, các sản phẩm mắm của chị cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh, nhất là các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ.

Hiện cơ sở chế biến nước mắm của chị Bé có 6 lao động thường xuyên, vào vụ có lúc lên đến 10 người. Bà Võ Thị Tư người gắn bó với cơ sở chế biến nước mắm của chị Bé từ thuở sơ khai chia sẻ: “Tôi làm ở đây có công việc ổn định, làm ăn theo sản phẩm, ngày tôi kiếm cũng được 200 – 250 nghìn đồng. Người làm nghề như tôi vừa có việc để làm, vừa yêu nghề để có được hương vị nước mắm ngon, những người làm mắm chúng tôi đã phải qua biết bao khó nhọc, vất vả cùng với việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến mắm”.

Khởi nghiệp thành công với nghề nước mắm truyền thống - ảnh 5
Giải quyết việc làm cho lao động địa phương

Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tịnh Kỳ Võ Thị Tâm cho biết, chị Nguyễn Thị Bé đầy nghị lực, luôn tràn đầy năng lượng, ý chí vượt khó để thành công. Chị đã không ngừng vươn lên, mang theo những hoài bão và nỗ lực biến ước mơ của mình thành hiện thực. Tin rằng, chị sẽ còn thành công hơn nữa, các sản phẩm tâm huyết của chị sẽ ngày càng được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

“Chị Bé hiện là thành viên trong Câu lạc bộ phụ nữ phát triển kinh tế của xã, chị em cùng nhau đóng góp đến nay quỹ lên đến 500 triệu đồng. Từ số tiền này cho chị em phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn có nguồn vốn để phát triển kinh tế. Ngoài ra, chị Bé tạo điều kiện cho chị em phụ nữ trong xã không có vốn bằng cách cho mượn sản phẩm để đi bán kiếm lời, sau đó mới trả lại tiền vốn cho chị”, chị Tâm chia sẻ.

Khởi nghiệp thành công với nghề nước mắm truyền thống - ảnh 6
Chị Bé hiện là thành viên trong Câu lạc bộ phụ nữ phát triển kinh tế của xã Tịnh Kỳ

Nhờ sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng, nên nước mắm do cơ sở chị Bé sản xuất ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của chị Bé hiện nay là được cấp trên hỗ trợ máy ép chế biến mắm ruốc và xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để nước mắm truyền thống của cơ sở chị được nhiều người biết đến…

“Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Nguyễn Hoài Thanh cho biết, hiện toàn xã có trên 30 hộ gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống, nhờ nghề này mà nhiều hộ dân tại địa phương đã vươn lên thoát nghèo, có nguồn thu nhập ổn định”.