Hợp tác đưa vải thiều Bắc Giang xuất khẩu kịp thời, thuận lợi
VHO - Sáng 8.5, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến với Trung Quốc về tiêu thụ vải thiều năm 2024. Hội nghị diễn ra tại điểm cầu chính ở trụ sở UBND tỉnh Bắc Giang và 4 điểm cầu tại Trung Quốc.
Dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có ông Ô Quốc Quyền - Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cùng đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)...
Tại các điểm cầu ở Trung Quốc có đại diện Sở Thương mại và các cơ quan chức năng tỉnh Vân Nam, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; các doanh nghiệp...
Tại hội nghị, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Ô Quốc Quyền cho biết, vải thiều là một trong những trái cây nhiệt đới được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Có được kết quả đó là không chỉ ở sự nỗ lực của người trồng vải mà ở cả chính quyền Bắc Giang đã quan tâm, đem đến sản phẩm vải thiều chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với tỉnh Bắc Giang, các sở, ngành và các cơ quan của Việt Nam để đưa vải thiều Bắc Giang sang thị trường Trung Quốc được kịp thời, thuận lợi.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn, trên cơ sở quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế, kế hoạch xuất nhập khẩu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
“Chúng tôi đặc biệt coi trọng thị trường Trung Quốc, luôn được xác định là thị trường lớn, truyền thống, đối tác tin cậy, nhất là trong hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, vải thiều.Những ý kiến tham luận, trao đổi tại hội nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp cho vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ, xuất khẩu thuận lợi”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.
Giới thiệu về vải thiều Bắc Giang, Giám đốc Sở Công Thương Trần Quang Tấn cho biết, tỉnh hiện đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu, với diện tích khoảng 17.198 ha. Trong đó, thị trường Trung Quốc có 130 mã vùng trồng, diện tích 16.217 ha; đã có 39 cơ sở đóng gói quả vải tươi xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của nước bạn Trung Quốc.
Về chất lượng, vải thiều năm 2024 được đánh giá có chất lượng cao nhất từ trước tới nay; dự báo sản lượng năm 2024 đạt 100.000 tấn (trong đó, sản lượng vải sớm khoảng 50.000 tấn, vải chính vụ 50.000 tấn). Về thị trường, hiện vải thiều Bắc Giang đã đến với các thị trường trên 30 quốc gia, thị trường Trung Quốc được xác định là thị trường truyền thống, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua… Dự kiến tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu khoảng 70.000 tấn (chiếm tỷ lệ 70%).
Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, hiện các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, tiêu thụ, xuất khẩu…
Tuy nhiên, còn gặp một số khó khăn như chi phí logistic cao; việc ùn tắc tại Cửa khẩu Quốc tế Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) và Kim Thành (tỉnh Lào Cai); sản lượng vải thiều được chế biến còn hạn chế; việc phát triển vùng vải thiều gắn với du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng vải thiều lớn nhất cả nước…
Đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ vải thiều năm 2024, ông Trần Quang Tấn kiến nghị các cơ quan chức năng của Trung Quốc hỗ trợ tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại. Tạo điều kiện, chia sẻ thông tin về các quy định, chính sách mới về xuất nhập khẩu nói chung và nông sản nói riêng; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, doanh nghiệp đến khảo sát, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều; tăng cường phối hợp thời gian đóng mở cửa khẩu, thông quan hàng hóa.
Đồng thời, đề nghị các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, kết nối các thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản đến Bắc Giang khảo sát, thu mua, tiêu thụ vải thiều; hỗ trợ quảng bá, thông tin vải thiều Bắc Giang đến đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc.
Tham luận tại hội nghị, đại diện một số cơ quan của Trung Quốc đều đánh giá chất lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang. Đồng thời khẳng định, những năm qua, Bắc Giang và các doanh nghiệp, đối tác Trung Quốc đã phối hợp, kết nối đưa vải thiều đến với người tiêu dùng và được ưa chuộng. Các đại biểu nhấn mạnh, thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vụ vải thiều năm nay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, UBND tỉnh giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tiếp nhận các kiến nghị, góp ý của thương nhân, doanh nghiệp trong hoạt động thu mua, xuất khẩu vải thiều. Giao Sở NN&PTNT và UBND các huyện: Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam tiếp tục quản lý chặt chẽ mã vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói tại địa phương. Đặc biệt, chuẩn bị đầy đủ các hoạt động hỗ trợ thu hoạch vải thiều, khắc phục tất cả tồn tại của những năm trước, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho mùa vụ 2024.
“Mùa vụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2024 chuẩn bị bước vào thu hoạch, thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 20.5-30.7. Hiện nay tỉnh đã chuẩn bị rất kỹ các điều kiện để đảm bảo an toàn về sức khỏe, an ninh trật tự cho tất cả thương nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Bắc Giang. Đồng thời, tập trung nguồn lực sẵn có (vốn tín dụng, đá cây, thùng xốp, phương tiện vận tải...) sẵn sàng đáp ứng các điều kiện theo yêu cầu của đối tác tiêu thụ vải thiều”, ông Phan Thế Tuấn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng bày tỏ mong muốn ngài Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; các cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng như các Cục, Vụ của Bộ Công Thương, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, vải thiều nói riêng.