Doanh nhân nặng lòng với quê hương
VHO - “Ngay cả bây giờ, tại các thành phố lớn, việc một trường học đạt được chuẩn Quốc gia cấp độ 1 vẫn là điều không dễ, thế mà cách đây hơn 20 năm (2003), Trường Tiểu học Nam Cường, nằm trên vùng quê nghèo của huyện Nam Đàn quê tôi đã làm được điều đó”, PGS.TS Nguyễn Quý Dy - Đại học Sư phạm Vinh chia sẻ.
Phải đến năm 1962, khi 18 tuổi, doanh nhân Nguyễn Trường Sơn mới học tốt nghiệp lớp 7 (hệ 10 năm), một phần do nhà nghèo, không có điều kiện đến trường, phần vì Nghệ An thuộc vùng oanh kích tự do của người Pháp, các lớp chủ yếu học ban đêm, đi học xa. Hơn ai hết, chính ông Nguyễn Trường Sơn hiểu được những thiệt thòi của trẻ em quê ông, điều kiện học hành không bằng nhiều nơi khác, nên đành phải loanh quanh cuộc đời sau lũy tre làng, cây đa, bến nước.
Đầu tư 4,5 tỷ xây trường
“Tôi nhớ phải đến năm 1951, huyện Nam Đàn mới tiến hành xây các trường học, trong đó có trường Tiểu học Nam Cường (nay là Trường Tiểu học Trung Phúc Cường 2) của quê ông Nguyễn Trường Sơn”, PGS.TS Nguyễn Quý Dy, một người con của Nam Đàn chia sẻ.
Nhiều lần về quê, nhìn ngôi trường cũ đã “nhuộm màu thời gian”, tường, mái xuống cấp trầm trọng, do trường ngoài đê, cứ đến mùa mưa lụt là gần 200 em học sinh phải nghỉ học, ông Nguyễn Trường Sơn trăn trở mãi. Phải làm một cái gì cho quê hương, cho các em nhỏ Nam Cường, ông nung nấu mãi một suy nghĩ trong đầu. Tháng 2 năm 2003, ông về làng, bàn bạc với lãnh đạo xã Nam Cường quyết định xây trường, một ngôi trường 2 tầng với 21 phòng học khang trang, hiện đại.
Khó nói hết niềm vui của chính quyền và người dân Nam Cường tại lễ khởi công ngày 20.2.2003, khắp làng trên, xóm dưới, đi đâu người ta cũng nói đến “trường ông Sơn”. Câu chuyện về một người con rời làng ra đi hơn 40 năm, nay trở về quê bỏ ra 4,5 tỷ, một số tiền khá lớn tại thời điểm cách đây hơn 20 năm, để xây cho bà con một ngôi trường mới bay qua cả sông Lam, lan khắp toàn huyện Nam Đàn.
Là vùng đất khoa bảng của xứ Nghệ, địa phương có truyền thống học tốt, dạy tốt, nay có sự đầu tư lớn của một người con quê nhà, năm học 2002-2023 “trường ông Sơn” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn Quốc gia cấp độ 1. Đến giờ, người già trong xóm Kiều Hạ vẫn kể lại cho con cháu niềm vui của thầy, cô, các em học sinh, chính quyền và người dân Nam Cường hôm đó. Ngày thường, “trường ông Sơn” là địa điểm dạy học, khi mưa lụt, đây còn là công trình kiên cố giúp người dân địa phương tránh lụt.
Khi có được cơ sở khang trang, liên tiếp nhiều năm sau đó, các thầy cô giáo và học sinh Nam Cường đã nỗ lực phấn đấu để giành được các kết quả tốt trong học tập. Không lâu sau, thầy và trò trường Tiểu học Nam Cường đã đạt 5 tiêu chuẩn mức độ II: “Tổ chức quản lý nhà trường”; “Cán bộ quản lý, Giáo viên, Nhân viên và học sinh”; “Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học”; “Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội”; “Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục”. Năm 2014, trường Tiểu học Nam Cường đã đạt chuẩn Quốc gia cấp độ 2, ghi nhận thành tích của một vùng quê hiếu học, trở thành sự kiện lớn của giáo dục huyện Nam Đàn.
“Trường ông Sơn”
Năm 2016, thêm lần nữa, ông Nguyễn Trường Sơn và Tập đoàn Bảo Sơn đã đầu tư 2,3 tỷ đồng để mua sắm toàn bộ trang thiết bị dạy học cho nhà trường, làm mới khu hiệu bộ. “Nếu không đến tận nơi, ít người có thể hình dung một xã nghèo ven sông Lam của huyện Nam Đàn, lại có trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia cấp độ 2. Người dân địa phương và bao thế hệ học sinh xin cảm ơn tấm lòng cao cả của bác Nguyễn Trường Sơn và Tập đoàn Bảo Sơn”, ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch UBND xã Nam Cường phát biểu.
Những câu chuyện về tấm lòng của doanh nhân Nguyễn Trường Sơn dành cho quê hương thì nhiều, ngoài “trường ông Sơn” còn có “bò ông Sơn”… Không chỉ có Nam Đàn mà ông còn làm công tác xã hội tại nhiều tỉnh, thành khác. Nhắc đến Tập đoàn Bảo Sơn là nhắc đến một doanh nghiệp hàng năm đã và đang chi hàng tỷ đồng hỗ trợ người nghèo vươn lên.
Với người dân xã Trung Phúc Cường, nụ cười thân thiện của ông mỗi khi về thăm quê, thăm trường còn được bà con nhắc mãi. Từ ngôi trường ấy, không biết bao thế hệ học sinh đã lớn lên, vượt sông Lam tỏa đi khắp các miền của Tổ quốc, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình. Nên dù chính danh đăng ký là trường Trường Tiểu học Trung Phúc Cường 2 nhưng người dân nơi đây cứ gọi nôm là “trường ông Sơn”, bởi với họ, ông Sơn đã trở nên thân thiết tự bao giờ.