Khu thương mại tự do Đà Nẵng:
Điểm bứt phá chiến lược trên trục phát triển miền Trung
VHO - Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt thông qua các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA hay RCEP, việc thiết kế những thể chế kinh tế đặc biệt để tận dụng các cơ hội đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong đó, ý tưởng phát triển Khu thương mại tự do (TMTD) Đà Nẵng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt, không chỉ bởi tầm vóc kinh tế của thành phố này mà còn vì đây có thể là “phép thử thể chế” của cả quốc gia.
Cơ hội từ hội nhập và vị thế địa chiến lược
Đà Nẵng sau khi sáp nhập hành chính với Quảng Nam sẽ sở hữu một nền tảng nội lực mà ít địa phương nào có được: 2 sân bay (trong đó một sân bay quốc tế), cảng container lớn nhất miền Trung, khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, trung tâm tài chính, cửa khẩu quốc tế, 3 di sản văn hóa thế giới cùng vị trí then chốt của hành lang kinh tế Đông – Tây.

Địa phương này không chỉ là tâm điểm phát triển của khu vực duyên hải miền Trung, mà còn là điểm nối chiến lược giữa ASEAN và hành lang thương mại tiểu vùng sông Mekong.
Theo số liệu của VnExpress, dù quy mô kinh tế không nằm trong nhóm đầu, nhưng Đà Nẵng (sau sáp nhập) lại có nguồn thu ngân sách nằm trong top 10 cả nước, vượt cả những địa phương có quy mô lớn hơn như Cần Thơ.
Điều đó cho thấy thành phố này đã xác lập được định hướng phát triển hiệu quả, tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao, tỷ suất thuế lớn như công nghệ, ô tô, dịch vụ – du lịch.
Thế giới đã đi qua nhiều thập kỷ thử nghiệm và vận hành các mô hình đặc khu kinh tế (SEZ), khu thương mại tự do (FTZ) – và kết quả cho thấy, không phải nơi nào cũng thành công. Những điểm sáng như Thâm Quyến (Trung Quốc), Jebel Ali (Dubai), hay các FTZ của Singapore đã thành công nhờ sự nhất quán trong quy hoạch, cơ chế đặc thù mạnh mẽ, khả năng kết nối quốc tế và tính minh bạch pháp lý.
Ngược lại, nhiều mô hình tại Châu Phi, Myanmar hay Campuchia thất bại bởi thiếu hạ tầng, thể chế yếu, chính sách ngắn hạn và tách rời khỏi nền kinh tế nội địa. Các khu FTZ kiểu “thiên đường thuế” đã bộc lộ rõ những giới hạn khi ưu đãi thuế không còn là yếu tố quyết định của dòng vốn FDI, mà thay vào đó là khả năng kết nối chuỗi giá trị, trình độ nguồn nhân lực, mức độ minh bạch và chất lượng dịch vụ công.
Trong bối cảnh đó, Khu TMTD Đà Nẵng không thể đi theo lối mòn “ưu đãi thuế”, mà phải trở thành mô hình thể chế mở, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, công nghệ – dịch vụ làm động lực và môi trường đầu tư thuận lợi làm nền tảng.
Tầm nhìn cho miền Trung
Qui hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nhấn mạnh việc phát triển các trung tâm kinh tế biển, trung tâm logistics, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính và đổi mới sáng tạo.
Đây chính là cơ sở pháp lý, chính trị và chiến lược để Đà Nẵng đề xuất và phát triển mô hình Khu TMTD thế hệ mới (FTZ 2.0), với phạm vi rộng hơn, thể chế linh hoạt hơn và mục tiêu dài hạn hơn.
Mô hình FTZ 2.0 cần được hiểu không chỉ là vùng miễn thuế mà là một hệ sinh thái kinh tế mở – nơi hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn, con người và dữ liệu được vận hành tự do, đồng thời đảm bảo được an ninh và kiểm soát pháp lý.
Bài học từ mô hình Cảng thương mại tự do Hải Nam (Trung Quốc) cho thấy điều cốt lõi là thể chế, trong đó Hải Nam đã áp dụng nguyên tắc "ba không" (không thuế quan, không rào cản, không trợ cấp sai lệch) và "sáu tự do" (thương mại, đầu tư, dòng vốn, nhân lực, vận tải, dữ liệu).
Đề xuất mô hình KTTD Đà Nẵng: Lấy công nghệ và dịch vụ làm lõi
Trong bối cảnh hiện nay, Đà Nẵng nên ưu tiên phát triển KTTD theo hướng dịch vụ giá trị cao gồm: Trung tâm tiêu dùng – du lịch – mua sắm miễn thuế; Khu tài chính, fintech, bảo hiểm, trung tâm dữ liệu; Trung tâm R&D, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn; Logistics quốc tế gắn với cảng biển – sân bay – đường sắt.
Khu TMTD cũng cần có cơ chế quản trị đặc biệt: một cơ quan điều hành riêng, quy trình “một cửa điện tử”, phân quyền rõ cho địa phương trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn đối tác chiến lược và thử nghiệm sandbox chính sách. Việc thử nghiệm thể chế mới trong Khu TMTD không chỉ nhằm phục vụ Đà Nẵng, mà còn là mô hình mẫu để nhân rộng ra các địa phương khác.
Khu TMTD Đà Nẵng sẽ không phát huy hiệu quả nếu không có sự kết nối với các trung tâm vệ tinh. Vì vậy, cần đầu tư: Tuyến metro nhẹ Đà Nẵng – Hội An – Tam Kỳ – Chu Lai theo trục ven biển để phát triển đô thị sinh thái và logistics ven biển; Phát triển cửa khẩu quốc tế Nam Giang, kết nối mạnh với hành lang Đông – Tây 2; Liên kết với sân bay và cảng biển Chu Lai, hình thành trục logistics Đà Nẵng – Chu Lai – Quảng Ngãi.
Đặc biệt, chính quyền cần mạnh dạn thí điểm trao quyền đầu tư – vận hành toàn bộ Khu TMTD cho các doanh nghiệp tư nhân có năng lực, tránh manh mún, phân lô nhỏ lẻ như nhiều mô hình trước đây.
Từ các mô hình thành công trên thế giới đến những bài học thất bại, điểm chung cho thấy thể chế là yếu tố quyết định chứ không phải chỉ là địa lý hay chính sách ưu đãi. Đà Nẵng với nền tảng sẵn có, nội lực mạnh mẽ và sự ủng hộ từ Trung ương qua Nghị quyết 136/2024, đang có đầy đủ điều kiện để trở thành nơi tiên phong kiến tạo một mô hình kinh tế – thể chế vượt trội, làm hình mẫu cho cả nước.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng không chỉ là một vùng kinh tế đặc biệt. Nếu được định hình đúng và thực thi mạnh mẽ, đây có thể là bước khởi đầu cho một tư duy mới về phát triển vùng, về vai trò của doanh nghiệp tư nhân và đặc biệt – về cải cách thể chế theo chuẩn toàn cầu, điều mà Việt Nam đang rất cần trong giai đoạn chuyển mình chiến lược.