Đề xuất “cứu” BOT, loay hoay với thu phí không dừng

VHO- Bộ GTVT vừa có kiến nghị Chính phủ cho phép các trạm BOT được tăng phí, thay vì nhà nước phải bỏ ra hơn 5.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp BOT bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đề xuất “cứu” BOT, loay hoay với thu phí không dừng - Anh 1

Các giải pháp thiếu đồng bộ khiến chủ xe chưa mặn mà với thu phí không dừng

Trong khi đó, việc triển khai thu phí không dừng cũng đang gặp không ít khó khăn.

Vẫn ngại với thu phí không dừng

Tại tọa đàm về giải pháp thúc đẩy thu phí không dừng vừa mới diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng hiện các chủ xe, các đơn vị vận tải chưa mặn mà với thu phí không dừng bởi theo quy định, chủ xe phải trả phí trên qua tài khoản giao thông của xe. Nếu thực hiện việc này, doanh nghiệp vận tải phải trả cả tỉ đồng vào tài khoản trên, gây ra đọng vốn.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, nếu chỉ dùng một phương thức trả trước như hiện nay thì doanh nghiệp vận tải phải vay ngân hàng, số tiền nạp vào tài khoản sẽ rất lớn. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp vận tải phải cõng thêm phần vốn vay và lãi vay cho khoản tiền này. Ông Quyền đề xuất cần có hình thức trả sau như tài khoản điện thoại di động, đến cuối tháng, đơn vị thu phí thông báo và doanh nghiệp trả tiền. Trong khi đó theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, tuyến Pháp Vân - Ninh Bình chưa được lắp đặt trạm thu phí không dừng. Việc lắp đặt thiếu đồng bộ trên nhiều tuyến đường khiến lái xe không mặn mà dán thẻ không dừng. Ngoài ra, khi dán thẻ, chủ xe được cấp tài khoản giao thông thì việc chuyển tiền vào mất phí, hàng tháng bị trừ tiền dù không sử dụng cũng khiến lái xe chưa mặn mà sử dụng dịch vụ.

Đại diện Cục Đăng kiểm cũng đề xuất xe qua làn không dừng thì tiền phí trừ thẳng vào tài khoản ngân hàng của chủ xe, không nên có tài khoản giao thông. Trả lời việc này, ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty VETC cho biết, ngay trong tháng 5 này, tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình sẽ được lắp đặt thu phí không dừng, còn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ được lắp đặt trong tháng 6. Còn việc trừ tiền thẳng từ tài khoản ngân hàng khó triển khai do ngân hàng không cho phép doanh nghiệp thu phí truy cập vào tài khoản của khách hàng. Đơn vị thu phí đang liên kết với ngân hàng để có chính sách giảm phí chuyển tiền. Ông Võ Anh Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty giải pháp doanh nghiệp (Tập đoàn Viettel) cho biết, đơn vị đã nghiên cứu hai hệ thống trả trước và trả sau tại tài khoản giao thông. Doanh nghiệp vận tải lớn, có uy tín sẽ được chấp thuận trả sau, tuy nhiên quy định hiện hành cần bổ sung chế tài phạt chủ xe chậm trả, gây nợ xấu cho đơn vị thu phí.

Mặc dù các giải pháp được đưa ra, tuy nhiên, trên thực tế, việc thiếu đồng bộ trong triển khai các trạm thu phí, những nhiêu khê trong sử dụng dịch vụ chưa được tháo gỡ một cách triệt để khiến các đơn vị có liên quan loay hoay tìm giải pháp, còn các chủ xe, doanh nghiệp vận tải vẫn chưa mặn mà với thu phí không dừng.

Đề xuất tăng phí “cứu” BOT

Trong khi các doanh nghiệp vận tải đang gặp không ít khó khăn do dịch bệnh cũng như giãn cách xã hội, mới đây Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch Covid. Theo Bộ GTVT, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lưu lượng phương tiện giảm sâu, dẫn đến doanh thu của các doanh nghiệp BOT giảm sút. 58/60 dự án có doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo, trong đó doanh thu thực tế của 17 dự án chưa đạt 50%.

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp BOT, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ; không chuyển doanh nghiệp BOT sang nhóm nợ xấu; giãn thời gian nộp thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2019 và 2020; miễn, giảm lãi vay phát sinh trong thời gian có dịch Covid-19. Đồng thời hỗ trợ, giảm lãi suất vay của các khoản vay đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT; kiến nghị giảm từ 2%-3%/năm (lãi suất vay hiện nay khoảng 10%- 11%/năm). Bố trí ngân sách nhà nước để bù đắp phần doanh thu sụt giảm khi doanh nghiệp BOT thực hiện theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xem xét trưng mua một phần hoặc toàn bộ đối với các dự án có trạm thu phí chưa được tổ chức thu phí do không bảo đảm an ninh trật tự.

Bộ GTVT cũng đã đưa ra kiến nghị hai phương án thu phí. Theo đó, phương án 1 cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án, giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự tại trạm thu phí (khi cần thiết). Phương án 2 là giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022; nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký. Trên cơ sở phân tích cụ thể ưu, nhược điểm của các phương án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án 1 vì có nhiều ưu điểm hơn và không phải bố trí ngân sách nhà nước.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần có giải pháp hỗ trợ, tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Đồng thời, giảm lãi vay phát sinh trong thời gian có dịch Covid-19. Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT tính toán kinh phí nhà nước cần thiết để hỗ trợ các dự án có doanh thu thực tế giảm trên 50% so với doanh thu tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng BOT đã ký và các dự án chưa được thu phí. 

Q.Xương

 

=

Ý kiến bạn đọc