Để nông sản Việt "bay" ra nước ngoài...
VHO- Là một trong những nhóm hàng thế mạnh của Việt Nam nhưng nhiều năm qua, nông sản luôn ở trong cảnh “được mùa thì mất giá” hoặc cần “giải cứu”. Bài toán tìm con đường để nông sản Việt “bay” ra nước ngoài đã bắt đầu có lời giải.
Vải thiều Thanh Hà và nông sản Hải Dương được đưa lên sàn thương mại điện tử
Vừa qua, nền tảng thương mại điện tử Lazada Việt Nam đã ký kết với Cục Xúc tiến thương mại, các Sở Công thương, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương thực hiện chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử. Chỉ sau 4 giờ có mặt trên sàn Lazada, nửa tấn vải Thanh Hà đã được tiêu thụ hết và cũng chỉ 4 giờ khách hàng ở thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được vải sau khi đặt mua. Hiện nay Lazada là một trong những kênh tiêu thụ trực tuyến vải thiều sớm vốn nổi tiếng với chất lượng tốt, hương vị thơm ngon tới người tiêu dùng trong cả nước.
Theo đại diện một Hợp tác xã chè huyện Mộc Châu (Sơn La), việc đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử đã được sự quan tâm của thị trường ngoài tỉnh cũng như quốc tế, do đó số lượng sản xuất hàng hóa tăng lên đáng kể và cũng giúp nông dân phân phối sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử có ý nghĩa trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp của nước ta, giúp người sản xuất và người tiêu dùng tìm được đến với nhau, khách hàng có thể biết được các sản phẩm thế mạnh của từng vùng, những sản phẩm OCOP, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài có thể hiểu rõ hơn về thị trường trong nước cũng như xuất khẩu để có thể đầu tư liên kết kinh doanh. Bên cạnh đó, các sản phẩm khi được đưa lên sàn thương mại điện tử sẽ được kiểm duyệt, truy xuất nguồn gốc rõ ràng; từ đó giúp khách hàng dễ dàng chọn lựa các sản phẩm theo đúng tiêu chí mong muốn.
Thế nhưng, hiện nay số lượng gian hàng nông sản trên sàn thương mại điện tử chưa nhiều. Theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Tổng giám đốc sàn thương mại điện tử Sendo, trên trang Sendo có khoảng 35.000 gian hàng thì chỉ có 10.000 gian bán hàng thực phẩm, trong đó chủ yếu là đồ ăn nhanh, còn nông sản rất ít. Các chuyên gia nhận định bên cạnh những lợi ích mà sàn thương mại điện tử đem lại thì việc bán các sản phẩm nông sản vẫn còn một số khó khăn, rào cản, trong đó đặc biệt là niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm và chi phí Logistics còn quá cao. Cùng với đó người nông dân tuy giỏi canh tác, sản xuất nhưng kiến thức về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc đóng gói bao bì sản phẩm sao cho chuẩn, đẹp và bắt mắt thu hút người tiêu dùng.
Nếu giải quyết được những khó khăn nêu trên, thì những lợi ích của sàn thương mại điện tử đem lại cho người dân cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã là rất lớn. Tuy nhiên, cần xác định việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử không chỉ mang tính thời vụ, giải cứu nông sản tạm thời mà là kênh phân phối các sản phẩm tiềm năng của các địa phương, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh và đặc biệt khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Để đạt được những điều đó, mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng uy tín cho mỗi thương hiệu. Từ đó kết nối trực tiếp giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp, nhà sản xuất trực tiếp, cắt giảm nhiều chi phí trung gian, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong thời đại công nghệ, việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử trở thành phương thức giao dịch quen thuộc và phổ biến. Đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát, đưa nông sản lên một số sàn thương mại điện tử không chỉ giúp người tiêu dùng lựa chọn được những hàng hóa đạt chất lượng tốt, biết rõ nguồn gốc, giá cả hợp lý mà còn giúp các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản được thuận lợi hơn, tránh việc bị các thương lái chèn ép giá dẫn đến ùn ứ hàng hóa. Đây không chỉ là bước tạm thời trong việc giải cứu nông sản mà cần xác định lâu dài để người dân và các doanh nghiệp quan tâm thúc đẩy phát triển mạnh trong thời gian sắp tới.
THANH BẢO