Chứng khoán phiên 5.11: VN-Index phục hồi nhưng thanh khoản vẫn ảm đạm
VHO - Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch 5.11 diễn ra dưới sự e dè của nhà đầu tư trước 2 sự kiện lớn của thế giới là bầu cử Tổng thống Mỹ và kỳ họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kết phiên, VN-Index tăng 1,05 điểm (+0,08%) lên 1.245,76 điểm; HNX-Index tăng 0,4 điểm (+0,18%) lên 224,86 điểm; UPCoM-Index tăng 0,3 điểm (+0,32%) lên 91,9 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường một lần nữa rơi về sát ngưỡng 12.000 tỉ đồng, thấp nhất 1 tuần.
Toàn thị trường có 392 mã tăng (gồm 20 mã tăng trần), khiến bảng điện tử vẫn còn tình trạng phân hóa. Toàn thị trường cũng chứng kiến 911 mã giữ tham chiếu và 301 mã giảm (gồm 12 mã giảm sàn).
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 nhận áp lực bán muộn màng vào cuối phiên, qua đó chỉ còn 11 mã tăng, 10 mã giữ chiếu và 9 mã giảm.
Trong hiên hôm nay, HVN, GVR, HPG, EIB, MWG, VCB,... là các mã hỗ trợ cho chỉ số chung với 2,35 điểm tăng. Ngược chiều, CTG, BID, GAS, OCB, FPT, VJC,... là các mã tác động tiêu cực khi lấy đi 1,77 điểm của chỉ số chung. Dù thị trường giữ sắc xanh nhẹ nhưng điểm sáng vẫn đến từ một số mã tím trần như NAV, TMT, SMA, SFC, DXV, KPF,...
Các nhóm cổ phiếu đều có sự phân hoá. Trong đó, nhóm ngân hàng sắc xanh nhiều hơn với EIB tăng 3,21%, NAB tăng 1,6%; LPB, SHB, VCB, MSB, VND, SSB tăng gần 1%. Ngược lại, CTG giảm 1,82%, OCB giảm 1,38%; STB, BID giảm gần 1%.
Tương tự ở nhóm bất động sản, số cổ phiếu xanh cũng chiếm ưu thế khi CEO tăng 1,35%; DIG, PDR, TCH, SZC, VRE, HDG, NVL, HDC tăng gần 1%. Ngược lại, NBB giảm 2,88%, QCG giảm 1,92%; DXG, NLG, KDH, IDC, KBC, SJS giảm gần 1%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán lại nghiêng về sắc đỏ với VIX giảm 1,4%; HCM, SSI, FTS, VCI, CTS giảm gần 1%.
Ngoài ra, một số cổ phiếu vốn hoá lớn tăng mạnh góp phần giúp VN-Index chốt phiên trên tham chiếu là HVN tăng 5,6%, VTP tăng 4,5%, GVR tăng 1,75%, SIP tăng 2,6%; MWG, HPG, VIC tăng gần 1%.
Khối ngoại hôm nay giảm giá trị giao dịch xuống mức thấp nhưng vẫn duy trì quy mô bán ròng cao ở mức 846 tỉ đồng, chủ yếu hạ tỉ trọng MSN (-169 tỉ đồng), VHM (-111 tỉ đồng), MWG (-87 tỉ đồng), FPT (-74 tỉ đồng).
Mặt khác, dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chảy vào một số mã ngân hàng như TCB (+65 tỉ đồng), EIB (+31 tỉ đồng), VPB (+26 tỉ đồng).