Chứng khoán phiên 4.12: VN-Index giảm gần 10 điểm
VHO - Chỉ số VN-Index có ngày giao dịch điều chỉnh giảm hơn 9 điểm và lùi sát vùng hỗ trợ 1.240 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chứng khoán Việt trong 2 tuần qua.
Áp lực bán ở nhóm cổ phiếu trụ diễn ra suốt cả ngày, thị trường diễn biến khá tiêu cực bất chấp có nhịp hồi phục ở phiên chiều.
Kết phiên, VN-Index giảm 9,42 điểm (-0,75%) xuống 1.240,41 điểm; HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,3%) xuống 224,62 điểm; UPCoM-Index không xê dịch khi giữ nguyên tham chiếu ở mốc 92,44 điểm.
Thanh khoản trên cả 3 sàn hạ nhiệt so với hôm qua khi chỉ đạt hơn 15.600 tỉ đồng. Suốt nửa tháng qua, giá trị giao dịch toàn thị trường chứng khoán Việt Nam chưa một lần vượt mốc 20.000 tỉ đồng.
Sắc đỏ bao trùm bảng điện tử, đặc biệt ở nhóm vốn hóa lớn. Toàn thị trường ghi nhận tổng cộng 458 mã giảm (gồm 19 mã giảm sàn), 858 mã giữ tham chiếu và 295 mã tăng (gồm 27 mã tăng trần).
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng trải qua ngày giao dịch đáng quên khi giảm hơn 11 điểm và lùi xuống dưới mốc 1.300 điểm. Rổ này ghi nhận 25 mã giảm và chỉ 5 mã tăng.
BID, VHM, CTG, MWG, FPT, GVR, HPG.... là những cổ phiếu top đầu đè nặng và lấy đi 6,1 điểm của chỉ số chung. Ở chiều ngược lại, VCB, SAB, VTP, PLX, BMP... đóng góp tích cực cho chỉ số chung nhưng không đáng kể, chỉ hơn 1,7 điểm.
Thị trường diễn biến khá tiêu cực nhưng truyền thông giải trí +2,17% là nhóm bứt phá nhất của phiên hôm nay, chủ yếu được hỗ trợ bởi YEG đóng trần, VNZ +2,21%,...
Ngoài ra, các mã đều diễn biến phân hóa với biên độ hẹp. Nhóm đang giảm mạnh nhất là dịch vụ tài chính -1,54%; xe và linh kiện -1,2%; phần mềm -1,13%;...
Trong khi đó, điểm nổi bật ở các nhóm tài chính, bất động sản, công nghiệp cũng tăng trong biên độ hẹp như VIB +0,27%; VCB +0,54%; HDG +0,7%; SIP +0,36%; CEO +0,71%...
Còn lại, các mã ghi nhận giảm tiêu cực, ảnh hưởng đáng kể đến biến động của chỉ số chung như VHM, DXG, VND, HCM, CTG, FTS,...
Khối ngoại hôm nay mở rộng quy mô bán ròng lên hơn 700 tỉ đồng, đánh dấu phiên bán ròng thứ 3 liên tiếp. Dòng tiền ngoại chủ yếu xả MWG (-250 tỉ đồng), FPT (-134 tỉ đồng), VRE (-82 tỉ đồng).
Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tranh thủ mua vào HAH (+72 tỉ đồng), MSN (+62 tỉ đồng), ACV (+50 tỉ đồng).