Cần có chính sách “đặc thù” cho phát triển nhà ở xã hội
VHO - Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp đô thị, cán bộ lực lượng vũ trang nhân dân… cần xem xét ban hành Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Đây là nội dung đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng. Theo HoREA, thị trường nhà ở vẫn đang rất thiếu nguồn cung dự án, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở.

“Khan hiếm” nhà ở xã hội
Đáng quan ngại hơn là từ năm 2020 đến nay, thị trường rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại với giá vừa túi tiền (dưới 3 tỉ đồng) của người mua. Đặc biệt, nhà ở xã hội cũng rơi vào tình trạng rất thiếu, dẫn đến giá nhà tăng liên tục và “neo giá” rất cao, vượt khả năng tài chính của đa số người dân có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị…
Theo đó, HoREA đề xuất các cơ quan liên quan cần tháo gỡ vướng mắc để tái khởi động lại hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đang bị dừng triển khai là các dự án cũ, có sẵn để có thể tăng ngay nguồn cung nhà ở cung ứng cho thị trường nhanh nhất.
Điều này vừa khắc phục tình trạng “lãng phí” nguồn lực đất đai và các nguồn lực xã hội khác, tránh tình trạng “thất thu” cho ngân sách. Đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị khang trang, tạo nơi đáng sống cho người dân được hưởng lợi.
HoREA cũng đề xuất cần thực hiện “đột phá” về phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhất là phát triển nhà ở xã hội để thực hiện được mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, lao động, cán bộ lực lượng vũ trang nhân dân…
Bên cạnh đó, HoREA đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, đề nghị việc quyết định hoặc chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh chuẩn bị hồ sơ và trình UBND cấp tỉnh chấp thuận, không cần phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, tương tự như quy định việc quyết định hoặc chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được quy định tại Luật Nhà ở 2023.
Điều này nhằm đảm bảo nguyên tắc một việc chỉ do một cơ quan chủ trì chịu trách để rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính.
Ngoài ra, nên sửa đổi khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2024/NĐ- CP bổ sung quy định “chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất và quy mô dân số lên tối đa 1,5 lần so với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đã được cơ quan có thểm quyền phê duyệt” nhằm tăng tối đa 50% số lượng căn hộ nhà ở xã hội.
Đồng thời sửa đổi quy định theo hướng cho phép Ngân hàng Chính sách Xã hội được cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để góp phần kéo giảm giá thành nhà ở xã hội.
Công nhận “nhà trọ cho thuê dài hạn” cũng là nhà ở xã hội
Đáng chú ý, để các chủ nhà trọ được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng và các loại thuế liên quan, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định công nhận nhà trọ cho thuê dài hạn theo tháng, năm cũng là một loại nhà ở xã hội, là nhà ở riêng lẻ do cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng cho thuê mà người thuê chủ yếu là công nhân, lao động, người nhập cư.
HoREA dẫn chứng, tại TP.HCM có khoảng 60.470 cá nhân kinh doanh phòng trọ cho thuê dài hạn với tổng số phòng trọ 560.000 phòng, đáp ứng chỗ thuê trọ cho 1,4 triệu người.
Nhưng hiện nay, do chưa được hỗ trợ theo chính sách nhà ở xã hội nên các chủ nhà trọ cho thuê dài hạn phải nộp thuế ”khoán” bằng 7%/ doanh thu dịch vụ lưu trú dài hạn (bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân) theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, tương tự như các chủ khách sạn mini cũng nộp thuế ”khoán” bằng 7%/doanh thu dịch vụ lưu trú ngắn hạn theo ngày, theo giờ là không hợp tình hợp lý.
Nếu công nhận nhà trọ cho thuê dài hạn cũng là nhà ở xã hội thì các chủ nhà trọ này sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng, ưu đãi về thuế như được giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với nhà ở xã hội thì chủ nhà trọ cho thuê dài hạn chỉ phải nộp thuế khoán/doanh thu là 3,5% và còn được vay tín dụng ưu đãi để xây dựng, cải tạo hoặc sửa chữa nhà trọ phục vụ người thuê trọ, HoREA phân tích.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA từ thực tiễn tại TP.HCM có thể thấy điểm nghẽn lớn nhất hiện nay trong việc thực hiện quy trình, thủ tục hành chính đối với các dự án nhà ở xã hội vẫn là sự phối hợp thiếu đồng bộ và đùn đẩy giữa các Sở, ngành, quận, huyện. Dẫn đến việc giải quyết thủ tục hành chính đối với dự án nhà ở xã hội rất chậm, mất rất nhiều thời gian, làm nản lòng doanh nghiệp đầu tư.
Cũng theo ông Châu, hưởng ứng Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, hiện đã có 15 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn đăng ký tham gia với hơn 1,5 triệu căn hộ.
Để hiện thực hóa số lượng căn hộ nhà ở xã hội nói trên, các địa phương cần bố trí đủ quỹ đất và thực hiện nhiều phương thức để tạo lập quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Nhất là tạo điều kiện cho nhà đầu tư thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch và phương thức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.