Mỗi người dân là một “đại sứ” du lịch cộng đồng ở Hòa Bắc

VHO- Tà Lang và Giàn Bí là hai thôn của đồng bào Cơ Tu tại Hòa Vang. Nhiều đời qua, người dân nơi đây chỉ biết đến phát nương, đi rừng, làm rẫy, nhưng giờ đây khi có du lịch cộng đồng, mỗi người đều là một “đại sứ du lịch” của làng mình, quyết tâm đem những cái hay, cái đẹp của thôn làng quảng bá với bạn bè quốc tế.

Những giá trị tinh thần lớn lao

Với chị Trần Thị Phương (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc), ý nghĩa lớn nhất chị nhận được từ khi tham gia vào mạng lưới du lịch cộng đồng là sự tự tin và những niềm vui bất ngờ từ công việc “hướng dẫn viên” cho khách. Bản tính rụt rè, ít nói, ban đầu chị Phương thấy rất ngại ngùng khi đứng trước đông người, nhưng dần dần công việc dẫn đoàn khách đi tham quan khiến chị hết mặc cảm và tự ti, hòa mình một cách tự nhiên. “Trước kia thấy người đông là mình không dám tới, nói cũng không được, thấy sợ lắm, nhưng giờ mình mê công việc dẫn khách đi tham quan làng xóm, bày họ cách dệt thổ cẩm, múa Tung Tung dza dzá, đan lát, giờ càng đông người mình càng thấy vui và phấn khởi. Mình phụ trách đón khách, dẫn khách đi, nấu ăn cho khách, bố trí phân chia khách tới các nhà trong làng. Làm du lịch mình thấy vui, khỏe, công việc nhẹ nhàng đỡ vất vả hơn làm nông làm rừng cả ngày giang nắng dầm mưa, cứ im lìm cầm rựa phát phát” - chị Phương cười chia sẻ.

Mỗi người dân là một “đại sứ” du lịch cộng đồng ở Hòa Bắc - Anh 1

Mỗi người dân Hòa Vang là một "đại sứ du lịch", mong muốn đem những cái hay, cái đẹp của thôn làng quảng bá tới khách

Những ngày đầu, chị Phương được theo các đoàn đi học tập, trải nghiệm về làm du lịch, chị học được nhiều kiến thức mới lạ từ cách phân loại rác, làm nước rửa chén bằng các nguyên liệu tự nhiên để bảo vệ môi trường,  học cách nấu ăn, học “giảng bài” giới thiệu cho khách tham quan các địa điểm của thôn làng. Không chỉ được hưởng những giá trị tinh thần, thu nhập chị Phương nhận được từ công việc làm du lịch trong thôn cũng khiến chị vô cùng phấn khởi. Nhà chị thường đón những đoàn khách sinh viên từ 15 - 20 người, cứ mỗi người khách chị Phương lại có được 50 ngàn đồng phí ăn ở, sinh hoạt, chị Phương thấy khỏe hơn, vui hơn, tự tin hơn và ngày càng “yêu nghề” hướng dẫn khách. Từ khi làm du lịch, chị Phương chưa bỏ qua một buổi họp, tập huấn nào liên quan đến công việc, khi tổ chức họp nhóm du lịch cộng đồng, dù ở đâu chị cũng xếp lại việc nhà để đến tham gia. 

Mỗi người dân là một “đại sứ” du lịch cộng đồng ở Hòa Bắc - Anh 2

Bà con Hòa Vang tổ chức múa hát  phục vụ du khách

Tham gia vào du lịch cộng đồng được 2 năm, chú Trương Văn Mỹ (66 tuổi, thôn Tà Lang) vừa “khoe” trong năm nay chú thu hoạch được 5 triệu tiền đan lát sản phẩm bán cho khách. Vừa rồi xã cũng đặt hàng với gia đình chú đan thùng rác thân thiện bảo vệ môi trường, cứ 2 - 3 nhà lại đặt 1 thùng rác công cộng. Vai trò của chú trong tổ du lịch cộng đồng là làm hàng thủ công truyền thống giới thiệu đến các đoàn khách du lịch. “Khi mình đục đẽo, đan lát thì họ vào thăm, xem cách đan như thế nào, họ hỏi gì thì mình giải đáp cho họ và ai muốn làm thử thì mình cũng hướng dẫn họ. Sau 2 năm dịch bệnh bây giờ mọi người mới thật sự bắt tay vào làm du lịch, đón khách. Công việc nhẹ nhàng, phù hợp với mọi lứa tuổi, với tôi chừ làm du lịch là cách tốt nhất để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vì đất đai không còn nhiều nữa, ruộng không có, già rồi cũng không đi trồng cây được. Làm du lịch mình vừa cải thiện cuộc sống, học theo mọi người cách bảo vệ môi trường, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa của người Cơ Tu. Có điều là mình tiếp xúc với người nước ngoài mình có biết nói gì đâu, chỉ biết cười để cho họ biết là người dân mình cũng thân thiện lắm”, chú Mỹ kể rồi cười sảng khoái.

Thay đổi tư duy để làm du lịch bền vững

Sớm nhận ra lợi ích của việc phát triển du lịch cộng đồng, một số hộ dân ở Tà Lang, Giàn Bí đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, làm homestay đón khách. Trước đó, trong cuộc họp với các cán bộ huyện, khi mọi người nói cùng tham gia làm du lịch cộng đồng, chú Nguyễn Văn Trung (thôn Tà Lang) đã phản ứng rất “tiêu cực”: Ở thôn làng cơ sở hạ tầng vô cùng thấp kém, ngay cả cái nhà vệ sinh của bà con cũng chưa đảm bảo, không hợp an toàn vệ sinh thì làm du lịch như thế nào, đón khách ra sao? Và nếu bảo làm du lịch cộng đồng là dân ta tự làm thì không thể được.

Mỗi người dân là một “đại sứ” du lịch cộng đồng ở Hòa Bắc - Anh 3

Chú Nguyễn Văn Trung (phía phải ảnh) giới thiệu với khách những câu chuyện thôn làng

Nhưng những thắc mắc của chú về du lịch cộng đồng đã được giải đáp ngày sau khi huyện Hòa Vang cho bà con đi khảo sát, học tập ở Cù Lao Chàm, Cẩm Thanh (Hội An). Chú Trung và bà con đã thay đổi hẳn tư duy, ấn tượng nhất là môi trường vô cùng sạch sẽ, không rác thải. Những căn nhà rất nhỏ được người dân sửa sang cải tạo đạt chuẩn, có phòng ngủ công trình vệ sinh, nhà tắm khép kín, riêng tư, an toàn. Mắt thấy tai nghe, khi về nhà chú Trung quyết tâm đập nhà và xây gần chục phòng đón khách. Tổng kinh phí hết khoảng 150 triệu đồng. Vợ chú lo lắng bảo có tiền đâu mà làm homestay, đừng thấy người ta làm cũng bắt chước, nhưng chú an ủi vợ sẽ hiệu quả, cam kết tạo được thu nhập ổn định cho gia đình. Ngoài đầu tư homstay, khi có đoàn khách đến chú Trung sẽ nói chuyện về văn hóa người Cơ Tu, bảo vệ con cá Niên trong suối, hệ sinh thái quanh làng, trên rừng. Giống như chị Hồng, chú Mỹ, chú Trung cũng nâng cao đời sống tinh thần, cải thiện giao tiếp, học hỏi nhiều kiến thức hơn từ khi làm du lịch. 

“Trước đây mình chơi với ai thì mình giao tiếp với người đó, phạm vi rất hạn hẹp, chú cũng như những bà con trong thôn làng làm gì nghĩ đến chuyện mình được giao tiếp với người nước ngoài. Nhưng từ khi làm du lịch cộng đồng chú được tiếp xúc với khách thập phương, với khách tây. Chú lên mạng nhiều hơn, tra cứu về phong tục tập quán, thói quen, những điều cấm kỵ của khách nước ngoài, các địa phương, vùng miền khác. Ví dụ người nữ ở phương tây là họ không thân thiện như người Việt Nam, không thể vỗ vai, bắt tay nếu họ không đồng ý, đến đây họ không ngủ chung mà phải hai phòng khác nhau, muốn vào phải gõ cửa…”, chú Trung say sưa kể.

Mỗi người dân là một “đại sứ” du lịch cộng đồng ở Hòa Bắc - Anh 4

Khách du lịch cùng bà con Cơ Tu dệt thổ cẩm 

Giờ đây, đối với bà con dân tộc Cơ Tu làm du lịch, mỗi người đều là đại diện của thôn làng, phải đem cái hay, cái đẹp đi quảng bá cho bạn bè bốn phương, quốc tế. Khách đến làng, họ truyền cảm hứng và trách nhiệm về bảo vệ rừng, để không có ai vào rừng chặt cây, bẻ cành, làm ô nhiễm con sông con suối. Như già làng Bùi Văn Siêng (thôn Giàn Bí) nói: Phải bảo tồn thiên nhiên, không cho ai đánh bắt bừa bãi. Dân làng giờ không ai còn chích điện, đánh mìn để bắt cá nữa. Bà con cũng chỉ lấy cá to, còn cá nhỏ thả lại sông suối. 

Cùng nhau đoàn kết, sẻ chia quyền lợi

Nhóm du lịch cộng đồng phân chia, bố trí rất khoa học, mỗi buổi sẽ ghé một hộ, dựa trên sự cộng hưởng để sẻ chia quyền lợi, ai cũng được hưởng, ai cũng có tinh thần trách nhiệm để làm tốt từng khâu đoạn của mình. Đối xử với khách trên tinh thần thân thiện, giữ gìn bản sắc chất phác dễ mến của người dân tộc, học cách đối xử với khách du lịch như thế nào để lần sau khách sẽ quay lại cùng với gia đình, bạn bè. Ai cũng thấy rằng làm du lịch là một cách tốt nhất để cải thiện mình, cùng nhau bảo vệ môi trường, có thêm thu nhập. Không chỉ những người dân làm du lịch có homestay mà những người không làm homestay cũng sẽ được hưởng lợi từ việc bán sản phẩm, bán được chai nước, con gà, quả dưa, quả chuối, cây rau tự tay họ làm ra, người dân sẽ có thu nhập nho nhỏ nhưng đều đặn nếu du lịch phát triển.

Nói về những người dân trong Tà Lang, Giàn Bí làm du lịch cộng đồng, ông Đỗ Thanh Tân - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, mô hình du lịch cộng đồng huyện đã mong muốn được bắt tay triển khai làm từ lâu, nhưng khi tiếp cận với người dân nhận thấy có ba cái khó, đó là vốn, kiến thức kinh nghiệm, và sự kết nối: “Ở vùng sâu vùng xa không ai có được 50 triệu trong nhà, tài sản trong nhà đâu có gì mà cầm cố. Họ chắc chắn sẽ không thể đầu tư để làm homestay. Biết được khó khăn của người dân nên chúng tôi đã kiến nghị với Ban Thường vụ Thành ủy, UBND huyện Hòa Vang tháo gỡ cho họ về vốn và kiến thức, đề xuất chọn một số hộ tiên phong, cho mỗi hộ mượn 500 triệu để làm du lịch”, ông Tân nói.

Mỗi người dân là một “đại sứ” du lịch cộng đồng ở Hòa Bắc - Anh 5

Thầy Chu Mạnh Trinh (phía trái ảnh) nói chuyện bảo vệ hệ sinh thái, môi trường cho đoàn học sinh học tập

Trên tinh thần đó, huyện Hòa Vang đã hỗ trợ luôn 300 triệu cho một số hộ không cần hoàn lại. Hộ của anh A Lăng Như là mô hình đầu tiên, đối ứng thêm tiền để làm homestay, tại đây cung cấp dịch vụ múa cồng chiêng, nông sản, ẩm thực cho khách; tiếp theo sau đó là Nam Yên Resort (thôn Nam Yên) của chị Đỗ Thị Huyền Trâm làm đầu mối kết nối cung cấp sản phẩm du lịch cộng đồng - chủ yếu là sản phẩm du lịch trải nghiệm cho học sinh sinh viên, đưa khách lên cộng đồng dân tộc Cơ Tu; tiếp đến hộ của chị Zơ Zâm Thị Hồng (thôn Giàn Bí), và dần dần mở ra những điểm lẻ quanh thôn xã. Các hộ kết nối với nhau để chia sẻ khách, cung cấp dịch vụ trải nghiệm cho học sinh như trải nghiệm văn hóa, làng nghề. Một ngày khách tới đây sẽ được có các trải nghiệm phong phú về ẩm thực, học đan lát thổ cẩm, múa cồng chiêng, có tour đi biển, checking rừng, có sản phẩm mang về làm kỷ niệm.

“Người dân tộc Cơ Tu chưa biết gì đến làm du lịch, họ không hề có chút kinh nghiệm hay khái niệm nào về công việc này. Nhưng họ là người sẽ mang đến cho khách những trải nghiệm chân thực nhất, vì chỉ có người làng mới cung cấp được cảm xúc và trải nghiệm của làng. Trước đây họ không tự tin nhưng bây giờ họ rất tự tin. Những bác cả đời sống ở rừng nhưng khi tham gia vào du lịch, đứng trước hàng trăm học sinh, sinh viên, giảng viên các trường đại học, nhà nghiên cứu, khách du lịch, khách nước ngoài họ vẫn đứng giảng bình thường. Từng khâu từng đoạn đều có người dân phụ trách rất tốt. Khách đến tất cả mọi người đều phục vụ, đều có trách nhiệm như nhau, phần họ đầu tư họ sẽ lấy tiền về, ai cũng làm chủ chứ không ai làm thuê cho ai cả. Huyện cũng khuyến khích người dân làm du lịch nhưng cung cấp các dịch vụ gián tiếp chứ không nhất thiết phải đầu tư homestay vì sẽ tốn kém”, ông Đỗ Thanh Tân chia sẻ.

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc