Thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ : Lượng khách sẽ không cao

VHO- Ngay sau khi Bộ GTVT ban hành quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhiều bến xe tại Hà Nội đã sẵn sàng các kế hoạch phục vụ hành khách.

Thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ : Lượng khách sẽ không cao - Anh 1

Sáng qua 12.10, bến xe Mỹ Đình vẫn trong tình trạng đóng cửa

Tuy nhiên, đến thời điểm này các bến xe vẫn đang chờ quyết định từ Sở GTVT Hà Nội.

Bến đã sẵn sàng

Theo Bộ GTVT, từ ngày 13-20.10 sẽ thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ với mục đích từng bước khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô phù hợp với công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Bộ GTVT cũng yêu cầu đảm bảo tính chủ động, thống nhất, đồng bộ giữa Bộ GTVT, Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp về tổ chức hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô, đảm bảo không ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch. Quy định tạm thời này áp dụng đối với hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh bằng xe ô tô có bến đi hoặc bến đến nằm trong địa phương, khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đi, đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc có nguy cơ thấp hơn và ngược lại trên phạm vi toàn quốc. Đối với các địa phương, khu vực nguy cơ và bình thường mới thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường.

Trao đổi với báo Văn Hóa, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, Công ty đã sẵn sàng cho việc phục vụ hành khách. Các kế hoạch phục vụ hành khách cũng như phòng, chống dịch đã có sẵn, chỉ chờ có quyết định là triển khai ngay. Tuy nhiên, “Đến giờ này (sáng qua, 12.10) vẫn chưa nhận được thông báo hay quyết định từ TP Hà Nội cũng như Sở GTVT Hà Nội, nên chúng tôi vẫn chưa thể hoạt động”, ông Tùng nói. Bên cạnh đó, ông Tùng cho biết thêm, nên có quyết định sớm để các đầu ở các địa phương khác họ chuẩn bị phương tiện, người để hoạt động.

Không chỉ có bến xe Giáp Bát, các bến xe khác như Mỹ Đình, Nước Ngầm cũng đã có kế hoạch phòng dịch, đưa đón khách tại bến xe. Đã có kinh nghiệm về phòng, chống dịch qua các đợt dịch trước, nên các bến xe này cũng đã bố trí, sắp xếp nơi cách ly tạm thời, kiểm tra thân nhiệt, khử khuẩn cho lái phụ xe và hành khách. Các bến xe cũng đã chỉnh trang, dọn vệ sinh, khử khuẩn, sắp xếp lại khuôn viên cho việc đón khách cũng như phương tiện. “Chúng tôi cũng đã liên hệ với lực lượng chức năng để có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong và ngoài bến. Chỉ cần có quyết định là đón khách ngay”, đại diện một bến xe tại Hà Nội cho biết.

Không tính kỹ, có khi lại lỗ

Anh Nguyễn Quang Cường, chủ một đơn vị vận tải hành khách tại Hà Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, xe hầu như “đắp chiếu” không hoạt động, lãi ngân hàng hằng tháng vẫn phải trả đều. Xe rao bán cũng không có người mua. Nếu không được hoạt động, chắc sẽ vào danh sách nợ xấu của ngân hàng. “Được hoạt động trở lại cũng là điều vui, tuy nhiên xăng dầu giờ tăng giá, lượng khách đi lại điều kiện cũng không dễ dàng. Nếu không tính toán, có khi chạy xe lại lỗ thêm”, anh Cường cho biết.

Theo Bộ GTVT, đối với hành khách đi từ địa phương, khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương, khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh); có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô; tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…). Đối với hành khách đi từ địa phương, khu vực có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương, khu vực có nguy cơ cao hơn cần tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế (không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…); Có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô; Thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và từng địa phương nơi đến.

Đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, quy định yêu cầu đã tiêm đủ liều vắc xin (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19); Có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô... Chính những yêu cầu phòng dịch nghiêm ngặt này cũng như chưa có sự thống nhất tại các địa phương, lượng khách khi mở bến trở lại dự báo sẽ không cao.

Trong khi vận tải hành khách bằng ô tô đang chờ quyết định từ TP Hà Nội thì từ hôm qua, 12.10 ngành đường sắt đã mở bán vé phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Hà Nội - TP.HCM. Ngay từ khi bắt đầu mở bán vé trở lại, tàu khách SE7/8 Hà Nội - TP.HCM đã gần hết vé, ngành đường sắt phải lập thêm đôi tàu SE5/6 để phục vụ nhu cầu của hành khách. 

HOÀNG ANH

Ý kiến bạn đọc