Đường sắt, hàng không nhộn nhịp, đường bộ đìu hiu
VHO- Từ hôm qua 21.10, ngành hàng không tăng tần suất đường bay Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, đường sắt cũng tăng chuyến, trong khi đó vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ đang gặp nhiều khó khăn.
Sắp đến giờ xuất bến nhưng chỉ có lác đác hành khách tuyến Hà Nội - Nam Định
Nhiều nhà xe e ngại càng chạy càng lỗ bởi lượng khách đi lại không như kỳ vọng.
Hàng không, đường sắt tăng chuyến
Theo quyết định của Bộ GTVT, từ 21.10 đến hết ngày 30.11 đường bay Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng, TP.HCM - Đà Nẵng và ngược lại sẽ được khai thác với tần suất không quá 6 chuyến hằng ngày mỗi chiều từ 21.10 đến 14.11 và không quá 7 chuyến hằng ngày mỗi chiều từ 15.11 đến 30.11. Các đường bay khác sẽ được khai thác không quá 4 chuyến hằng ngày mỗi chiều. Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong vòng 15 ngày kể từ ngày áp dụng sẽ đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương và trên toàn quốc để đề xuất phương án điều chỉnh tần suất khai thác và điều kiện đối với hành khách phù hợp.
Bộ GTVT cũng cho biết, hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cần Thơ có kết quả xét nghiệm âm tính theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước thời điểm khởi hành chuyến bay. Các trường hợp hành khách khác cần đáp ứng một trong ba điều kiện. Thứ nhất có chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid 19, trong đó, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay. Thứ hai, có giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay. Thứ ba, có kết quả xét nghiệm Covid 19 âm tính theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước thời điểm khởi hành chuyến bay.
Trong khi đó, cũng từ hôm qua ngành đường sắt được phép tăng tàu khách trên các tuyến. Theo đó, từ 21.10, tổ chức chạy hằng ngày đôi tàu khách Thống Nhất SE3/4 xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn lúc 19h25. Như vậy, từ 21.10, trên tuyến Bắc - Nam sẽ có 3 đôi tàu khách hoạt động gồm: SE5/6, SE7/8 và SE3/4. Các đoàn tàu này sẽ thực hiện việc đón, trả khách tại 38 ga thay vì 23 ga như trước đó. Trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, từ 23.10, tổ chức chạy thêm hằng ngày đôi tàu khách LP3/8. Như vậy, từ ngày 23.10, trên tuyến này sẽ có 2 đôi tàu hoạt động gồm LP5/6 và LP3/8. Trên tuyến Hà Nội - Vinh: Từ ngày 21.10, tổ chức chạy đôi tàu NA1/2. Trên tuyến TP.HCM - Đà Nẵng, từ ngày 22.10 tổ chức chạy tàu SE21/22. Ngành đường sắt cho biết, toàn bộ công tác đón, tiễn hành khách tại các ga, vận chuyển trên tàu được các doanh nghiệp vận tải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế, Bộ GTVT và các địa phương.
Nhà xe càng chạy càng lỗ
Trong khi đó, việc vận chuyển hành khách bằng đường bộ đang gặp không ít khó khăn, nhiều địa phương đã mở lại tuyến vận tải khách liên tỉnh nhưng lượng khách đi xe vắng, doanh nghiệp vận tải e dè chưa hoạt động trở lại. Một nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Nam Định tại bến xe Giáp Bát cho biết, tối muộn ngày 20.10, Nam Định mới đồng ý cho xe khách liên tỉnh hoạt động trở lại.
“Hôm nay 21.10 chúng tôi chạy xe lên Hà Nội. Chiều từ Nam Định lên Hà Nội không có khách. Chiều về chắc được dăm khách.”, anh Luận (Xuân Trường, Nam Định), lái xe của nhà xe trên cho biết. Trong mấy tháng qua, xe khách nằm nhà không hoạt động, anh Luận không được trả lương, phải sống nhờ thu nhập từ vợ. Vợ anh làm công nhân may, đồng lương ít ỏi tằn tiện cầm cự cho gia đình 5 người. Được hoạt động trở lại, anh cũng không hy vọng lượng khách tăng mà chạy xe để “tạo đà” khi bình thường trở lại. Anh cho biết mỗi một ngày, chi phí hoạt động xe khoảng 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu chiều lên và chiều về chỉ khoảng chục khách thì cầm chắc lỗ nặng, không biết cầm cự được mấy ngày. Chiếc xe này là của họ hàng anh, may mắn không phải vay ngân hàng mà vay của người thân, người quen nên áp lực trả nợ ngân hàng không “căng” như nhiều chủ xe khác.
Trong sáng qua, tại bến xe Giáp Bát, mặc dù nhiều địa phương đã cho phép hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh trở lại, tuy nhiên tại bến, số lượng xe chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều nhà xe e ngại lượng khách ít, trong khi phải bỏ ra nhiều chi phí, thu không đủ bù chi, do đó, thà không chạy xe còn hơn đã lỗ lại chồng lỗ. Bên cạnh đó, anh Luận cho biết, anh mới chỉ được tiêm một mũi vắc xin nên việc tiếp xúc với hành khách cũng đầy nguy cơ cao và rủi ro. Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết vừa báo cáo Chính phủ đánh giá tình hình thực hiện tổ chức hoạt động vận tải hành khách của các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19. Đánh giá về khó khăn trong quá trính thí điểm, Bộ GTVT cho biết việc yêu cầu lái xe, phụ xe phải tiêm đủ liều vắc xin khó thực hiện. Bởi thực tế, lái xe, phụ xe, nhân viên phục vụ trên xe ở hầu hết các địa phương đều mới được tiêm 1 liều vắc xin, tỷ lệ tiêm đủ liều vắc xin còn thấp.
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhu cầu đi lại bằng vận tải liên tỉnh của người dân còn thấp. Hành khách vẫn còn e dè, ngại đi lại nên vận chuyển hành khách liên tỉnh bằng đường bộ đang gặp không ít khó khăn. Nhiều doanh nghiệp vận tải không muốn chạy do ít khách, thu không đủ bù chi để trả lương, chi phí xét nghiệm cho lái xe. Do đó, nhiều nhà xe cho biết, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải hoạt động, các địa phương có kế hoạch khẩn trương tiêm vắc xin cho lái xe, đảm bảo nhân sự cho tổ chức vận tải, đồng thời, có các biện pháp hỗ trợ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, tránh việc phá sản hàng loạt.
Q.XƯƠNG