Dừng thí điểm xe công nghệ, “nồi cơm” tài xế có bị ảnh hưởng?

VHO- Từ ngày 1.4, Bộ GTVT sẽ dừng hoạt động thí điểm xe công nghệ. Trước thông tin này, nhiều tài xế bày tỏ lo lắng khi đã tham gia các hãng gọi xe công nghệ như Grab, Be, FastGo... Việc dừng thí điểm này có làm biến động thị trường vận tải hành khách và ảnh hưởng đến “nồi cơm” của tài xế?

Dừng thí điểm xe công nghệ, “nồi cơm” tài xế có bị ảnh hưởng? - Anh 1


 Các xe taxi công nghệ phải dán phù hiệu theo quy định mới 

Cụ thể, Bộ GTVT đã ra quyết định dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Quyết định 24/QĐ-BGTVT ngày 7.1.2016) từ ngày 1.4 tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Việc dừng Quyết định 24 nhằm thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô chính thức có hiệu lực từ ngày 1.4. 
Bộ GTVT đề nghị các Sở GTVT Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phương tiện đang tham gia thí điểm tại địa phương dừng hoạt động từ 1.4. Các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phương tiện tham gia kinh doanh sẽ chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với mình theo Nghị định 10. Nghị định 10 định danh các loại hình xe công nghệ như GrabCar, BeCar bằng tên gọi “Xe hợp đồng điện tử”. Loại xe này không bắt buộc gắn hộp đèn nhưng phải dán phù hiệu “Xe hợp đồng” trên kính. Trường hợp xe dưới 9 chỗ đang thí điểm là xe hợp đồng, kể từ 1.4, nếu tiếp tục hoạt động phải cấp lại phù hiệu và dán lên kính xe, thực hiện xong trước ngày 1.7.2020. Trường hợp có nhu cầu chuyển sang xe taxi, phải thực hiện cấp lại phù hiệu theo Nghị định 10. 
Điều 35 Nghị định 10 quy định: Đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải; phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các luật khác có liên quan và phải đáp ứng một số yêu cầu theo Nghị định này. Cụ thể, ghi nhận đặt xe của hành khách và chuyển cho đơn vị vận tải; thực hiện vai trò là đơn vị trung gian; bảo mật thông tin và lưu trữ giữ liệu; chỉ được cung cấp phần mềm cho đơn vị được cấp phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô... Trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải có thực hiện một trong các công đoạn của hoạt động vận tải, như trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải nhằm mục đích sinh lợi, phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Nghị định này. 
Sau thông tin này, nhiều người lo lắng cho số phận của các hãng xe công nghệ đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy vậy, việc dừng thí điểm hoạt động xe taxi công nghệ của Bộ GTVT chỉ nhằm triển khai mới các quy định tại Nghị định 10 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. 
Theo Nghị định 10, hầu hết các xe taxi công nghệ hiện nay nếu có đủ các điều kiện kinh doanh thì vẫn hoạt động bình thường, chỉ phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe hợp đồng theo quy định mới. 
Trước thông tin trên, nhiều tài xế xe công nghệ, trong đó có xe ôm công nghệ không khỏi lo lắng vì sợ bị ảnh hưởng. Không ít tài xế lo ngại với những quy định mới, các hãng xe công nghệ sẽ có những chiêu “né” quy định, giành phần lợi về mình. “Gom góp tiền, vay nợ ngân hàng để mua ô tô hoạt động theo hình thức xe hợp đồng điện tử. Chiết khấu thì cao, khách giờ cũng ít vì phải chia sẻ thị phần và lượng tài xế quá đông nên thu nhập không cao. Cố gắng kéo cày để trả nợ cho xong chiếc xe đã mua trả góp, chứ ước mơ thu nhập cao hay làm giàu từ nghề này là điều không tưởng. Với những quy định mới này, sợ rằng các hãng xe lại đưa ra những điều khoản có lợi cho mình áp với đối tác là các tài xế thì chúng em hết đường kiếm cơm cháo”, anh Trần Văn Lai (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ. Trong khi đó, anh Kiên (Ba Đình, Hà Nội) có xe ô tô và rảnh rỗi nên dùng xe chạy taxi công nghệ cho biết, xe của anh “né” dán các loại phù hiệu nên: “Chạy xe cho vui, kiếm thêm tiền đổ xăng; giờ lại dán cả mớ phù hiệu, trông như xe taxi thì thôi, cất xe ở nhà cho khỏe”. 
Một vấn đề được rất nhiều tài xế xe công nghệ quan tâm, đó là, trong các dịch vụ vận chuyển hiện nay của các ứng dụng gọi xe, chỉ có vận chuyển bằng xe ô tô chịu các quy định của Nghị định 10. Dịch vụ xe ôm công nghệ hiện hoạt động theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử do Bộ Công thương quản lý, không chịu ảnh hưởng bởi nghị định mới của Bộ GTVT. Như vậy, hàng trăm nghìn tài xế xe ôm công nghệ vẫn tiếp tục được hoạt động. 

Q.XƯƠNG 

Ý kiến bạn đọc