Có gì lạ khi Hà Nội hễ mưa là... ngập

VHO- Những tuyến đường trong nhiều khu chung cư cùng hàng dài ô tô ngập chìm trong biển nước, nhiều tuyến đường ùn tắc nghiêm trọng, người dân ngao ngán khi ra đường lúc trời mưa… Đây là cảnh tượng vẫn thường xuất hiện ở Hà Nội mỗi khi trời mưa, có gì lạ đâu!

Có gì lạ khi Hà Nội hễ mưa là... ngập - Anh 1

 Những tuyến đường trong nhiều khu chung cư mới dễ ngập lụt do chưa đồng bộ công trình thoát nước

 Đã có nhiều giải pháp nhằm giảm bớt tình trạng này, thế nhưng do nhiều nguyên nhân nên đến nay mới chỉ có một số điểm ngập úng được giải quyết.

Khó khăn trong việc vận hành đồng bộ

Sau trận mưa kéo dài đêm và sáng 26.4, tuyến đường ở khu chung cư Ecohome (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm) ngập sâu trong nước. Hàng chục chiếc ô tô đỗ bên đường trở thành “nạn nhân” của nước. Mưa to từ đêm, sáng ra ngập sâu, các chủ xe trở tay không kịp đành đứng nhìn tài sản ngập chìm trong biển nước. Cũng trong ngày 26.4, mưa lớn cũng đã khiến nhiều khu vực nội thành xảy ra tình trạng ngập úng. Đi kèm mưa lớn là gió giật mạnh cũng đã khiến nhiều cây xanh bật gốc, ảnh hưởng đến tình hình giao thông thành phố khiến cho nhiều tuyến đường ùn tắc nghiêm trọng. Cảnh người dân chôn chân nhích từng tí một đưa con đi học, đi làm khiến nhiều người không khỏi ngao ngán.

Mùa mưa năm 2021 được dự báo tiếp tục diễn biến khó lường. Để phòng, chống úng ngập, bảo đảm tiêu thoát nước, các đơn vị chức năng của thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án và triển khai các giải pháp như tiến hành nạo vét hệ thống truyền dẫn, các trục tiêu thoát nước chính; sửa chữa, bảo dưỡng các trạm bơm, đập điều tiết... Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, Công ty tiếp tục triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý và vận hành trạm bơm Yên Sở, đồng thời kịp thời mở các cửa phai cho nước vào hồ để hạ mực nước trên hệ thống, giữ mực nước toàn bộ hệ thống an toàn, đảm bảo giao thông và khả năng tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố. Từ ngày 15.4, Công ty đã thực hiện vận hành theo cơ chế mùa mưa. Các trạm bơm, đập điều tiết, các trục chính thoát nước, hệ thống hồ điều hòa và máy móc thiết bị, nhân lực đã sẵn sàng cho công tác thoát nước trên địa bàn Hà Nội.

Trao đổi với Văn Hóa, ông Bùi Ngọc Uyên, Phụ trách công tác thông tin truyền thông Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, hiện công ty thực hiện việc thoát nước theo cơ chế đấu thầu. Năm nay, Công ty cùng với liên danh thực hiện 6 gói thầu quản lý, duy trì hệ thống thoát nước trên địa bàn Hà Nội với các tuyến thoát nước ngoài đường phố, trục thoát nước chính của 12/12 quận (trừ khu vực tả Nhuệ của quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm); các tuyến thoát nước ngõ ngách của 10/12 quận (trừ quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm); thoát nước của 10/17 huyện gồm các huyện ở Bắc sông Hồng, dọc quốc lộ 32, quốc lộ 1A cũ…

Tuy nhiên, hiện công tác thoát nước thực hiện theo hình thức đấu thầu, hệ thống thoát nước được chia làm nhiều gói thầu, do nhiều đơn vị quản lý đan xen, làm cho việc quản lý vận hành hệ thống khó khăn trong việc đồng bộ, sự phối hợp chưa nhịp nhàng. Không chỉ có việc phối hợp giữa các đơn vị thoát nước với nhau mà công tác phối hợp với các quận, huyện, phường xã, các đơn vị khác trong việc thoát nước còn hạn chế. Do đó, cần thiết phải có một “nhạc trưởng” trong việc thoát nước ở Hà Nội.

Chủ yếu thoát nước bằng tự tiêu, tự chảy

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực nội thành Hà Nội có diện tích khoảng 300 km2. Tuy nhiên, hiện mới có hệ thống thoát nước lưu vực các sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu, với diện tích 77,5 km2 (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân) được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, có thể giải quyết tiêu thoát nước khi xảy ra những trận mưa có cường độ 300 mm/2 ngày. Khu vực còn lại, chủ yếu thoát nước bằng tự tiêu, tự chảy...

Qua thực tế công tác quản lý, duy trì hệ thống thoát nước năm 2020, trên các tuyến phố chính khu vực nội thành tồn tại 16 điểm úng ngập. Cuối mùa mưa năm 2020, đã giảm được 5 điểm úng ngập. Dự kiến 11 điểm ngập trong mùa mưa năm nay gồm: Phố Nguyễn Khuyến; phố Hoa Bằng; ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa; phố Cao Bá Quát; phố Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho); phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy); phố Nguyễn Chính (đoạn từ ngõ 74 đến cống hóa mương Tân Mai); Đại lộ Thăng Long (đoạn ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6, Km9+656, nút giao An Khánh); đường Ngọc Lâm; đường Hoàng Như Tiếp. Với 11 điểm úng ngập, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã lên phương án ứng trực, chuẩn bị 128 xe hút, 2 xe bơm di động công suất 1.800 m3/giờ, 9 máy bơm chuyên dùng... nhằm kịp thời xử lý úng ngập, giải tỏa ách tắc giao thông khi có mưa lớn.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã đề xuất với UBND TP Hà Nội chỉ đạo các chủ đầu tư, các đơn vị quản lý khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị phải xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, cây xanh, thảm cỏ và sử dụng vật liệu, kết cấu vỉa hè tăng khả năng thấm thoát nước mưa để hạn chế lượng nước xả tập trung vào hệ thống thoát nước chung gây quá tải cho hệ thống thoát nước đô thị. 

 Q.XƯƠNG

Ý kiến bạn đọc