Xuân về bên những cánh bay
VHO - Khi những nụ mai vàng vừa hé nở, báo hiệu mùa Xuân đang đến gần, cũng là lúc chúng tôi đến Trung đoàn 910, Trường Sĩ quan Không quân (Nha Trang, Khánh Hoà) để chứng kiến “Ban bay tất niên” của các cán bộ, học viên phi công nơi đây.
Thầy và trò Trung đoàn 910, Trường Sĩ quan Không quân giảng bình rút kinh nghiệm sau chuyến bay
Ngay từ sáng sớm, các thành phần phi công, thợ máy, huấn luyện, hậu cần, quân y… đã có mặt đông đủ tại sân bay. Mọi công tác chuẩn bị cho Ban bay trong ngày đang được các thành phần khẩn trương thực hiện. Trên chiếc máy bay 8739, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp, Tổ trưởng Nhâm Sỹ Dũng đang cùng với kỹ thuật viên của mình kiểm tra lại cố định các thiết bị trên khoang động cơ và buồng lái máy bay. Anh cho biết: Đối với những người làm công tác kỹ thuật thì chuyến bay nào cất cánh cũng đều quan trọng, không phân biệt bay vòng kín hay bay không vực, bay đơn hay bay kèm, phải tuyệt đối chấp hành nghiêm nề nếp công tác kỹ thuật, nhất là những chuyến bay đầu tiên trong ngày càng không được để xảy ra hỏng hóc.
Đúng 5 giờ 30 phút, sau khi các thành phần đã được giao nhiệm vụ, phi công ra tiếp thu máy bay, Thượng úy Nguyễn Văn Thuận, giảng viên phi công mang số hiệu 36 và Trung úy Đỗ Đình Hiển (phi công mới tốt nghiệp đang được đơn vị đào tạo làm giảng viên) mang số hiệu 39 được lệnh mở máy rời khỏi đường băng cất cánh, thực hiện bài bay không kích mục tiêu mặt đất. Tiếp theo là hàng loạt các máy bay cũng được lệnh mở máy lên đường băng cất cánh, thực hiện các bài bay theo kế hoạch của Ban bay trong ngày. Tiếng máy bay nổ giòn giã hòa cùng tiếng của chỉ huy bay phát ra từ chiếc loa đối không gắn trên đài Kpi (đài điều hành mặt đất) làm cho khí thế của Ban bay nhộn nhịp hẳn lên.
Trên đài chỉ huy K4, Đại tá Đoàn Trung Kiên, Phó Trung đoàn trưởng Quân huấn, Chỉ huy bay chính đang căng mắt theo dõi chiếc máy bay vừa vút lên cao qua cuối đường băng, giọng anh đanh gọn và dứt khoát: “Kiểm tra tham số động cơ, độ cao… vòng trái 39”. Nghe lệnh của chỉ huy bay, chiếc máy bay vòng trái, sau đó nhỏ dần rồi khuất vào không trung để lại một vệt khói nhỏ hòa cùng đám mây trắng đang bồng bềnh trôi. Cùng lúc đó, tiếng của chỉ huy cất hạ cánh trên đài K5 cũng vang lên qua loa đối không: “Tốc độ gió 5m/giây, thu ga về, kiểm tra hướng 34, đỡ nhẹ cần lái, từ…từ, từ… từ…tốt!”. Cứ như vậy, các máy bay lần lượt cất cánh thực hiện bài bay của mình cho đến khi được lệnh “đình chỉ công tác” về hạ cánh.
Không phải ngẫu nhiên mà các học viên bay lại ví người thầy của mình là những phi công cống hiến thầm lặng, những nhà sư phạm kiên trì có tâm hồn, trí tuệ và đôi bàn tay dịu dàng giống như người mẹ chăm chút con thơ, người anh dìu dắt đứa em nhỏ, một công việc đầy lãng mạn nhưng không kém phần căng thẳng, vất vả. Trung úy Đỗ Đình Hiển chia sẻ: “Tuổi trẻ ai cũng thích bay, nhưng với tôi bay không phải là ý thích chung chung mà là niềm say mê thật sự. Lần đầu tiên được bay cùng thầy, khi máy bay rời mặt đất, tôi cảm thấy rất sung sướng. Mọi động tác cất, hạ cánh thầy đều làm cả, tôi chỉ ngồi xem và theo dõi các tham số trên bảng đồng hồ. Đến vòng thứ 2 thầy cũng làm nhưng bảo tôi nhẹ nhàng cầm cần lái và nương theo tay lái của thầy, cứ như vậy bay luôn 5 đến 7 lần bài tập bay vòng kín thì tôi đã chủ động và tự tin hơn, cuối cùng là thầy chỉ ngồi buồng lái sau xem tôi làm và can thiệp mỗi khi thật cần thiết”.
Trung đoàn 910, Trường Sĩ quan Không quân
Còn thượng úy Nguyễn Văn Thuận, giảng viên bay Phi đội 2, Trung đoàn 910 thì cho biết: “Muốn có được học viên tốt nghiệp ra trường như mong muốn, người thầy cần phải nghiêm khắc trong kèm cặp, nắm bắt chính xác tâm lý, đặc điểm, tính cách của học viên qua từng bài bay, khoa mục bay. Bên cạnh yếu tố sôi nổi, vui vẻ, điềm đạm, gần gũi học viên để cho sự truyền đạt bớt căng thẳng, đi vào trí nhớ của học viên, người giảng viên còn phải có bản lĩnh vững vàng và lòng kiên nhẫn đợi chờ trong mỗi khóa đào tạo. Do đặc thù và tính chất công việc, mỗi giảng viên bay thông thường chỉ được hướng dẫn, kèm cặp 2 đến 3 học viên trong một khóa huấn luyện, nhưng để “hái được quả” thì cũng gặp không ít gian truân. Bởi đây không phải là một nghề cứ học là làm được, mà điều quan trọng nhất là cả thầy và trò phải dày công khổ luyện ở mặt đất lẫn trên không thì mới mong trở thành phi công được”.
Người ta thường nói, nghề bay là một nghề đặc biệt. Để trở thành phi công lái máy bay đã khó, trở thành người thầy hướng dẫn kèm cặp học viên phi công tốt nghiệp ra trường còn khó hơn nhiều. Trước hết, muốn trở thành phi công, bên cạnh tiêu chuẩn về trình độ học vấn, chính trị, thể lực, đòi hỏi người phi công còn phải có bản lĩnh vững vàng, linh hoạt, phản xạ nhanh và mỗi động tác phải thật khéo léo, chính xác. Khi đã trở thành người thầy giáo dạy bay, ngoài những yếu tố về chuyên môn, phẩm chất đạo đức, người giảng viên bay còn cần phải nghiêm túc trong giảng dạy và hướng dẫn, có đức tính dịu dàng, nói đủ nghe, đặc biệt không bao giờ nổi nóng. Bởi nếu nổi nóng sẽ làm cho học viên cuống và dễ mất bình tĩnh khi thực hành bay dẫn đến càng thao tác sai hơn.
Đại tá Đào Việt Hưng, Chính uỷ Trung đoàn 910, Trường Sĩ quan Không quân cho biết: Sau khi học viên bay xong loại máy bay L-39 sẽ tốt nghiệp và trở thành sĩ quan lái máy bay. Một số được đơn vị giữ lại đào tạo làm giảng viên bay, còn một số sẽ về các đơn vị Không quân trong Quân chủng chuyển loại lên các loại máy bay hiện đại hơn để trực ban sẵn sàng chiến đấu. Do đó, nhiệm vụ huấn luyện đào tạo phi công của Trung đoàn hết sức chặt chẽ. Không phải học viên nào vào bay cũng có thể trở thành phi công dù các giảng viên của đơn vị luôn tận tình kèm cặp, nâng đỡ để học viên trưởng thành. Trong quá trình huấn luyện, những học viên bay yếu, bay kém hoặc có vấn đề về sức khỏe, đơn vị sẽ đề nghị trên cắt bay và chuyển hướng đào tạo sang ngành nghề khác.
Mùa Xuân đang tới gần, trên các đường phố, người dân đã bắt đầu đi sắm Tết và trở về sum họp, đoàn tụ cùng gia đình. Còn các cán bộ, học viên phi công của Trung đoàn 910, Trường Sĩ quan Không quân vẫn đang miệt mài bên những cánh bay và trên gương mặt người nào cũng thấp thoáng nụ cười hồn nhiên như sắc Xuân đã đến với họ từ bao giờ…
ĐÔNG PHƯƠNG