Xử lý những tình huống bất thường trong chấm thi tốt nghiệp THPT 2025

VHO - Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn chấm thi tới các Hội đồng chấm, đặc biệt những lưu ý trong quá trình "chuyển trạng thái" chính quyền từ 3 cấp sang 2 cấp. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra của Bộ tới các địa phương luôn nhấn mạnh với Hội đồng chấm thi về việc xử lý các tình huống bất thường để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao đổi với tại Hội đồng chấmthi Ninh Bình. Ảnh: LV
Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trao đổi với tại Hội đồng chấm thi Ninh Bình. Ảnh: LV

Năm nay, quy chế thi tốt nghiệp THPT có điểm mới là cuối mỗi buổi chấm thi, thư ký hội đồng chấm phải báo cáo tình hình, tiến độ, thống kê điểm chấm theo số phách của từng túi bài thi cho Trưởng ban chấm thi để phục vụ công tác chỉ đạo chấm kiểm tra và kịp thời báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi. Khi có tình huống bất thường, đặc biệt trong quá trình chấm thi và kết quả chấm thi phải báo cáo ngay về Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia.

Trong tình huống này, Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng lấy ví dụ về tình huống bất thường như với 1 túi bài thi và sau một buổi chấm có nhiều điểm cao như: 9.5 ; 9.75 hay 10 điểm, theo quy chế sẽ phải chấm lại. Ngược lại với nhiều điểm thấp quá cũng phải kiểm tra kịp thời.

Hay với môn thi trắc nghiệm, một hội đồng có điểm cao bất thường hoặc điểm thấp bất thường cần phải đặt câu hỏi; kiểm tra xem máy có bị lỗi không, học sinh có tô mờ đáp án khi làm bài trắc nghiệm không?... Bộ sẽ thực hiện chặt chẽ quy trình giám sát chấm thi, đảm bảo sự công khai minh bạch, nhất là trong giai đoạn chuyển trạng thái hiện nay.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, với bài thi tự luận, việc chấm thi thực hiện theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT; bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Mỗi bài thi được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán bộ chấm thi của hai tổ chấm thi khác nhau.

Sau hai lần chấm, nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) trên 1.5 điểm thì sẽ phải chấm thi lần thứ ba trực tiếp vào bài của thí sinh để thống nhất mức điểm.

Khi hoàn tất chấm điểm, tổ nhập điểm thực hiện nhập điểm bài thi tự luận theo hai vòng độc lập, mỗi vòng do một nhóm khác nhau thực hiện trên phần mềm hỗ trợ chấm thi; sau đó ghép điểm bài thi vào thông tin thí sinh. Tổ chấm kiểm tra thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận đã được chấm trước đó.

Với bài thi trắc nghiệm, tất cả bài làm của thí sinh (phiếu trả lời trắc nghiệm) đều được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD&ĐT cung cấp, kể từ khi quét ảnh đến khi có kết quả là điểm bài thi của từng thí sinh. Trước khi tiến hành tổ chức chấm thi, Tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm sẽ phân công nhiệm vụ cho các thành viên, kiểm tra toàn bộ hệ thống chấm thi trắc nghiệm. Mỗi máy tính thực hiện quét phiếu trả lời trắc nghiệm.

Khi hoàn tất công tác chấm thi, dữ liệu điểm sẽ được lưu vào hai đĩa CD để gửi về Bộ GD&ĐT và lưu giữ ở Hội đồng thi để thực hiện nhập điểm và đối sánh, hoàn tất mới công bố kết quả điểm thi.

Theo LÊ VÂN/Báo Tin tức và Dân tộc

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc