Trường ĐH Luật TP.HCM có Phòng truyền thống sau 46 năm thành lập

VHO - Ngày 30.3, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức tọa đàm khoa học “Chiến lược phát triển Trường ĐH Luật TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” và khánh thành Phòng truyền thống. Công trình nhằm lưu giữ và tôn vinh các giá trị qua 46 năm truyền thống và 26 năm ngày mang tên trường.

Trường ĐH Luật TP.HCM có Phòng truyền thống sau 46 năm thành lập - Anh 1

Đây là lần đầu tiên Trường ĐH Luật TP.HCM có được Phòng truyền thống

Theo PGS.TS Trần Hoàng Hải, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, việc xây dựng và tái hiện lại Phòng truyền thống không chỉ nhằm mục đích lưu trữ các tư liệu, hình ảnh phản ánh lịch sử phát triển của Nhà trường, mà còn mang ý nghĩa quan trọng đối với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên sinh viên, học viên đã làm việc, học tập, gắn bó với ngôi trường này.

Trong giai đoạn tới, Nhà trường đã xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Việc lấy ý kiến thảo luận của các chuyên gia đầu ngành, đại diện cơ sở đào tạo, đơn vị sử dụng lao động, cựu cán bộ, giảng viên và cựu sinh viên, học viên hướng đến hoàn thiện Đề án, từ đó xây dựng Nhà trường đáp ứng với sứ mệnh là trường ĐH công lập hàng đầu về đào tạo cán bộ pháp luật trong cả nước, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; là trung tâm nghiên cứu khoa học, trọng tâm là khoa học pháp lý, góp phần xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập.

PGS.TS Trần Hoàng Hải chia sẻ thêm, cùng với Trường ĐH Luật Hà Nội, Trường ĐH Luật TP.HCM đang trình hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép hai trường được thực hiện Đề án về trường trọng điểm. Trong quá trình xây dựng Đề án, Ban lãnh đạo hai trường đã bàn bạc và thay đổi sứ mệnh. Nếu như trước đây là xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội, Trường ĐH Luật TP.HCM là trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp lý, thì hiện nay hai trường đã bàn bạc thống nhất Đề án tiếp tục thực hiện việc xây dựng thành trường trọng điểm về đào tạo luật, chứ không phải chỉ đào tạo cán bộ pháp lý. Việc thay đổi này để mở rộng thêm đối tượng, không chỉ đào tạo cán bộ cho các cơ quan nhà nước, mà còn đào tạo nhân lực cho các công ty tư nhân, luật sư các công ty luật nước ngoài…

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc