Thực trạng đào tạo ngành Văn hóa học: Sinh viên còn yếu và thiếu nhiều kỹ năng?
VHO- Là một trong những nhận định của các nhà tuyển dụng về chất lượng sinh viên ngành Văn hóa học, được đưa ra tại tọa đàm về thực trạng chương trình đào tạo ngành học này do Khoa Văn hóa học và Khoa Truyền thông Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức cuối tuần qua.
Tọa đàm ghi nhận các ý kiến từ phía chuyên gia, nhà tuyển sinh để có cơ sở khắc phục, cải tiến chương trình đào tạo
Tọa đàm được tổ chức để tham vấn ý kiến chuyên gia, các bên liên quan về mục tiêu, chuẩn đầu ra, thực trạng của chương trình, từ đó có cơ sở để cải tiến chương trình đào tạo, khắc phục những điểm vênh của chương trình so với yêu cầu của Thông tư 17 năm 2021 của Bộ GD&ĐT.
Soi chiếu thực trạng đào tạo
Theo bà Lê Thị Hồng Quyên, Phó Trưởng khoa Văn hóa học Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, sự vận động không ngừng của đời sống xã hội đã và đang buộc các cơ sở đào tạo phải có lộ trình cải tiến chất lượng đào tạo.
Được xây dựng và ban hành lần đầu năm 2007, qua các lần điều chỉnh, cải tiến vào năm 2015, 2018, 2020, chương trình đào tạo bậc đại học ngành Văn hóa học đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu xã hội và các bên liên quan, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa, công nghiệp văn hóa và truyền thông văn hóa. Ngành Văn hóa học bậc đại học của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM hiện có 3 chuyên ngành: Văn hóa Việt Nam, Truyền thông văn hóa và Công nghiệp văn hóa từ 2018.
Tại tọa đàm, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao chương trình đào tạo được hội đồng khoa học xây dựng chỉn chu, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội. Các đại biểu cũng đã trao đổi, góp ý nhiều nội dung như cần giảm thời lượng các môn lý thuyết mà tăng cường tính thực hành, bổ sung nội dung đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành, tăng cường kiến thức pháp luật, kiến thức hành chính, kỹ năng mềm, triết lý cuộc sống, các môn về đạo đức nghề nghiệp…
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo Dài nhận định, nhà trường cần chú trọng đào tạo ngoại ngữ nhiều hơn để bước đầu sinh viên phỏng vấn xin việc thành công và bắt đầu công việc ở cơ quan văn hóa không quá khó khăn… “Là đơn vị thường xuyên đón nhận sinh viên đến thực tập, tôi nhận thấy hầu hết sinh viên còn yếu kỹ năng ngoại ngữ. Cạnh đó, sinh viên cần nâng cao kiến thức liên ngành. Bảo tàng cũng như các thiết chế văn hóa khác luôn đòi hỏi ở nhân viên những kiến thức chuyên sâu và liên ngành để đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh kiến thức và kỹ năng mà nhà trường cung cấp, sinh viên còn cần được trang bị tinh thần tự học, tự bổ sung kiến thức khi bước vào môi trường làm việc mới…”, bà Vân chia sẻ.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Hãng Phim Giải phóng cho rằng, các cơ sở đào tạo cần tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận thực tế nhiều hơn để ra trường đi làm các em không bỡ ngỡ. “Sinh viên cần được cọ xát thực tế, vì thế, nhà trường nên liên kết với các đơn vị hoạt động trong cùng lĩnh vực ngành văn hóa, ví dụ bảo tàng, hãng phim, đài truyền hình… để đưa các em đến thực tập”, ông Hưng bày tỏ.
Đồng quan điểm này, bà Hoàng Thị Thanh Hằng, Giám đốc Cty truyền thông Tạp kỹ Trí HD ASIA bày tỏ, nhà trường cần đưa phần thực hành vào nhiều hơn để giảm được độ vênh nhiều nhất có thể giữa lý thuyết và thực tiễn. “Cần phải hiểu văn hóa cũng là ngành công nghiệp, theo một quy trình sản xuất ra sản phẩm, mặc dù vô hình nhưng văn hóa cũng phải “đóng gói” cho ra sản phẩm. Do đó, người làm văn hóa cần phải hiểu làm sao để có thể đóng gói được sản phẩm văn hóa chất lượng nhất để quảng bá ra thế giới”, bà Hằng nói.
Học tập là suốt đời
Trước tình trạng nhiều đơn vị phàn nàn chất lượng sinh viên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, rất cầu thị những đánh giá quý báu của các doanh nghiệp, đơn vị về kiến thức, kỹ năng,… sinh viên Văn hóa học, tuy nhiên, nói đi cũng cần nói lại, liệu những nhận định ấy có quá khắt khe?
“Tôi nghe rất nhiều nhà tuyển dụng có ý kiến rằng một số sinh viên khuyết kỹ năng này khuyết kỹ năng kia, tôi nghĩ có hai vấn đề cho câu chuyện này. Thứ nhất là phía nhà đào tạo, chúng tôi không thể dạy tất cả mọi thứ, lấy ví dụ: Có một ngàn doanh nghiệp được xếp thành năm mươi loại hình, năm mươi loại văn bản khác nhau, văn bản của bảo tàng, văn bản hành chính, văn bản công ty nước ngoài… đều là đặc thù. Tôi muốn hỏi các anh chị đang làm doanh nghiệp, lúc đang đi học, nếu bắt các anh chị mất quá nhiều thời gian để học những việc đó thì các anh chị có chịu không? Chắc chắn không ai đồng tình, vì chúng ta sẽ học những điều đó trong cuộc sống, vừa làm vừa học, vì học tập là suốt đời.
Thứ hai, nhiệm vụ đào tạo cho người mới là của doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng không “quy” trách nhiệm cho nhà trường và trường đại học cũng không thể chạy theo nhà tuyển dụng. Tương tự vậy, sinh viên ra trường sẽ tiếp tục học ngoại ngữ trong quá trình làm việc, vì chương trình ngoại ngữ ở trường đại học không đủ để các em giao tiếp thành thạo. Ngay cả các nhà tuyển dụng thành công, hãy tự hỏi lại xem khi mới ra trường các anh chị có giỏi như hiện nay không? Do vậy, nếu chúng ta yêu cầu sinh viên vừa ra trường cái gì cũng giỏi thì thực sự rất khó. Tôi cho rằng doanh nghiệp và đơn vị đào tạo phải bắt tay nhau, chứ không thể đòi hòi quá nhiều ở đơn vị đào tạo và sinh viên”.
Góp ý cho chương trình đào tạo của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ đề xuất nhà trường nên liên kết, mời đơn vị đào tạo có uy tín hoặc có kinh nghiệm quốc tế và các chuyên gia đến để chia sẻ với sinh viên.
Theo PGS.TS Trần Văn Ánh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, hiện nay trình độ học sinh phổ thông đã nâng lên và điều chỉnh theo chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, do đó ngay từ cấp phổ thông, học sinh đã được đào tạo những kiến thức nền khá vững chắc. Căn cứ vào đó, nhà trường nghiên cứu xây dựng tuyển sinh đầu vào, chương trình đào tạo cũng như chuẩn đầu ra cho sinh viên. “Tôi nhận thấy rất khó để đưa vào chương trình đào tạo đại học tất cả các môn như mọi người mong muốn. Do đó, hội đồng khoa học xây dựng chương trình đào tạo cần biết sắp xếp, bổ sung và nghiên cứu bỏ bớt những môn học không cần thiết”, PGS.TS Trần Văn Ánh nói.
THÙY TRANG