Thủ khoa khối Khoa học xã hội (Ninh Thuận):“Giấc mơ có thật” từ gánh ve chai của mẹ

VHO- Khi biết tin con gái mình đỗ thủ khoa khối Khoa học xã hội kỳ thi năm nay, bà Diệp Thị Minh Nguyệt, 59 tuổi, làm nghề nhặt ve chai và ông Nguyễn Anh Dũng, 63 tuổi, lao động tự do không giấu được những giọt nước mắt nghẹn ngào, xúc động xen lẫn tự hào...

Thủ khoa khối Khoa học xã hội (Ninh Thuận):“Giấc mơ có thật” từ gánh ve chai của mẹ - Anh 1

Cha mẹ của Minh Hồng với công việc phân loại ve chai

Đó là em Nguyễn Thị Minh Hồng học lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận. Nhưng niềm vui vừa chớm nở thì nỗi lo cũng ập đến, để thực hiện được ước mơ bước chân vào giảng đường đại học là điều vô cùng khó khăn đối với gia đình em.

Đóa hồng nở trên vùng cát cháy

Sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ làm nghề nhặt ve chai, bố là lao động tự do, thường xuyên thất nghiệp, nhưng trong suốt 12 năm, em Nguyễn Thị Minh Hồng đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020, em đã đỗ thủ khoa với tổng số 53,55 điểm cho 6 môn thi. Cụ thể, môn Văn em đạt 8,75 điểm, Toán 8 điểm, Lịch sử 9,75 điểm, Địa lý 8,5 điểm, Giáo dục công dân 9,75 điểm, Tiếng Anh 8,8 điểm.

Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Minh Hồng cho biết: “Hằng ngày đến lớp, em chú ý nghe thầy cô giảng bài và nắm vững kiến thức cơ bản ngay trên lớp. Về nhà em đọc thêm sách tham khảo, chỉ đơn giản là chăm chỉ, kiên trì tích lũy kiến thức từng chút một và thường xuyên làm bài tập nâng cao”. Ngoài thời gian học, em còn đỡ đần bố mẹ việc nhà cũng như lựa chọn phế liệu để mưu sinh. “Em xem kết quả thi tốt nghiệp và bất ngờ khi mình đạt được điểm số như thế. Em rất hạnh phúc vì sau 12 năm nỗ lực học tập, giờ đã có được thành tích cao. Nguyện vọng của em là đăng ký vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, ngành Hàn Quốc học”, em Hồng chia sẻ với ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Cô giáo Đặng Vũ Phương Thảo, giáo viên chủ nhiệm của em Nguyễn Thị Minh Hồng cho biết: “Trong lớp, Hồng là một học sinh chăm ngoan và có học lực giỏi. Em luôn cố gắng nỗ lực để đạt thành tích tốt nhất và hoàn thành đầy đủ các bài tập được thầy cô giao”.

Thủ khoa khối Khoa học xã hội (Ninh Thuận):“Giấc mơ có thật” từ gánh ve chai của mẹ - Anh 2

 Em Nguyễn Thị Minh Hồng, thủ khoa khối Khoa học xã hội

Những khó khăn, gập ghềnh phía trước

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, ông Nguyễn Anh Dũng, bố của em Nguyễn Thị Minh Hồng nhìn ra xa xăm với ánh mắt buồn: “Biết tin con thi đạt kết quả cao, chúng tôi rất vui và tự hào! Nhưng gia đình quá nghèo, nên việc lo cho con học đại học tới đây sẽ khó khăn rất nhiều, chưa biết tính thế nào”.

Trước đây, ông Dũng làm công nhân thời vụ ở một công ty với tiền lương mỗi tháng hơn 4 triệu. Nhưng

 hơn 4 tháng nay, vì tuổi đã cao nên sức khỏe của ông không đủ đáp ứng được công việc. Thất nghiệp, ông Dũng tìm đến một số nơi xin làm bảo vệ, nhưng vì dịch Covid-19 nên các công ty cũng không có nhu cầu tuyển thêm nhân sự. Sau đó, ông Dũng xin được việc ở một cây xăng, nhưng lại bị tại nạn lao động và đã nghỉ hẳn ở nhà. “Tôi khao khát cho con được đến trường, cố gắng học tập để sau này ra trường có công việc ổn định, đời nó sẽ không khổ giống như cha mẹ. Giờ tôi đã lớn tuổi rồi, không lo được cho con nên cảm thấy buồn lắm”, ông Dũng nói trong nghẹn ngào.

Bà Diệp Thị Minh Nguyệt, mẹ của Hồng cũng bùi ngùi: “Con đỗ ĐH điểm cao là món quà vô giá dành cho chúng tôi. Mừng nhưng cũng lo lắm, vì thời gian tới không biết lấy tiền đâu cho con nhập học. Trước kia chồng tôi còn đi làm thì cuộc sống gia đình cũng tạm đắp đổi qua ngày. Nhưng từ ngày ông ấy thất nghiệp, cuộc sống gia đình tôi trở nên quá khó khăn. Hằng ngày, tôi phải đi khắp chốn cùng nơi nhặt ve chai về bán lấy tiền nuôi con ăn học, ngày nhiều thì được 50.000 đồng, ngày ít thì chỉ được 20.000 - 30.000 đồng. Thậm chí, ngày mưa gió phải nghỉ là không ra được đồng nào. Tôi và chồng mấy đêm nay cũng bàn tính đi vay ngân hàng để cho con có tiền đi học. Tính là vậy, nhưng cũng chưa biết phía ngân hàng họ có chấp nhận cho vay hay không”, bà Nguyệt lo lắng chia sẻ.

Nói về tương lai của mình, Minh Hồng cho biết: “Mong ước của em sau khi học xong đại học sẽ trở thành một phiên dịch tiếng Hàn Quốc. Em muốn được đi làm việc ở các môi trường có người nước ngoài, thu nhập cao để có điều kiện chăm sóc, phụng dưỡng bố, mẹ”. Phía sau những điều ước đẹp đẽ đó là biết bao khó khăn, gập ghềnh mà Hồng và cả gia đình phải vượt qua bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính mình. Hy vọng rằng, hoàn cảnh khó khăn càng tăng thêm quyết tâm để “đóa hoa hồng nở trên vùng cát cháy”, thêm động lực vươn lên và tỏa hương thơm ngát, là tấm gương sáng để nhiều bạn trẻ noi theo. 

 XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc