Thấu hiểu khó khăn của thầy cô giáo trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19

VHO- Không có đủ trang thiết bị, máy tính, điện thoại thông minh, sóng yếu, học sinh ở cách xa nhau… là những khó khăn mà các thầy cô giáo, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn gặp phải trong thời gian dạy trực tuyến. Tuy nhiên, lòng yêu nghề, yêu trẻ, các thầy cô đã sáng tạo, ứng dụng công nghệ để dìu dắt, động viên học trò.

Ngày 19.11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam chủ trì buổi gặp mặt các thầy cô giáo được tuyên dương trong chương trình ‘Chia sẻ cùng thầy cô”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19, năm 2021, chương trình thường niên “Chia sẻ cùng thầy cô” tuyên dương 50 các giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.

Thấu hiểu khó khăn của thầy cô giáo trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 - Anh 1

Thứ trưởng Ngô Thị Minh tặng bằng khen cho các thầy cô

Tại chương trình gặp mặt, các thầy cô giáo đã chia sẻ những khó khăn trong quá trình giảng dạy như: Thiếu về cơ sở vật chất, nhất là trang thiết bị để giảng dạy trực tuyến; Học sinh là người dân tộc còn chưa sõi tiếng Việt... Đồng thời đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn tiếp tục có giải pháp hỗ trợ các trường còn nhiều khó khăn; chăm lo cho học sinh, nhất là các em vừa mất bố mẹ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thầy giáo Lê Châu Khoa, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) mạnh dạn lập một kênh Youtube riêng để truyền tải tri thức đến học trò. “Đối với học sinh ở vùng cao, vùng sâu, có nhiều điều giáo viên không thể áp dụng theo kiểu khô cứng, “cào bằng”. Thay vì sử dụng bài giảng mẫu, các thầy, cô giáo hoàn toàn có thể tự biên soạn giáo án trực tuyến trên các trang mạng xã hội. 1 bài giảng như vậy sẽ chứa đựng nhiều tâm huyết, phù hợp hơn với từng đối tượng học sinh khác nhau”, thầy Khoa nói.

Thấu hiểu khó khăn của thầy cô giáo trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 - Anh 2

Thầy giáo Lê Châu Khoa phát biểu tại chương trình

“Nhiều học sinh mồ côi cha mẹ do đại dịch Covid-19 có tư tưởng bỏ học để đi làm nuôi gia đình, chăm lo cho các em. Vì vậy, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn cần có thêm các chính sách hỗ trợ các em để yên tâm tới lớp”, thầy giáo Trang Thành Giá, trường THPT Trần Văn Thời, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đề nghị. 

Sau khi lắng nghe ý kiến của các thầy cô giáo, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã biểu dương, ghi nhận nỗ lực  dạy học, chăm lo cho học sinh của các thầy cô giáo trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Thứ trưởng bày tỏ sự thấu hiểu, sẻ chia với những khó khăn của các thầy cô và mong muốn, các đại biểu thầy cô giáo tiếp tục là hạt nhân tích cực lan tỏa đến đồng nghiệp, học trò sống có lý tưởng, khát vọng cống hiến, góp phần đưa vị thế ngành giáo dục nâng cao hơn.

Thấu hiểu khó khăn của thầy cô giáo trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 - Anh 3

50 thầy cô nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

“Ý kiến chia sẻ của thầy cô tại chương trình đều thể hiện mong muốn mang đến cho học sinh môi trường sống, học tập an toàn, hạnh phúc. Cũng từ những chương trình gặp mặt này, Bộ GD&ĐT đã huy động toàn xã hội cùng vào cuộc thực hiện các chương trình thiết thực hỗ trợ thầy cô, chăm lo cho học sinh như chương trình “Điều ước cho em””, Thứ trưởng nói.

Nhân dịp này, 50 thầy cô giáo tiêu biểu trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng do nhà tài trợ trao tặng.

Từ năm 2015 đến nay, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11) nhằm cổ vũ, động viên và tri ân các thầy, cô giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục; Đặc biệt là các thầy, cô giáo ở miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; các thầy giáo dạy học sinh giáo dục đặc biệt. Qua đó, chương trình khơi dậy tinh thần xung kích, tình nguyện, nhiệt huyết của các giáo viên trẻ, thanh niên tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa, mang tri thức tới cho các con, em đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của Tổ quốc…

Q.HOA


 

Ý kiến bạn đọc